Học dựng phim và những điều cần biết
DỰNG PHIM LÀ GÌ?
Dựng phim được hiểu nôm na là một công việc kỹ thuật, nhiệm vụ của người dựng phim là dùng các ứng dung phần mềm ráp nối, cắt tỉa xử lý các phân đoạn, trường đoạn, của một bộ phim từ bản thô được quay từ tiền kỳ trở thành một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh về mặt hình ảnh theo yêu cầu của kịch bản và của Đạo diễn. Hay nói một cách dễ hiểu, công việc của một người dựng phim như một người mài rũa viên kim cương, từ một khối tinh thể thô thành một món đồ trang sức đáp ứng đúng yêu cầu và tiêu chuẩn, trước khi công chiếu.
Có thể nói từ thủa sơ khai cho đến thời đại công nghệ ngày nay, dựng phim vẫn luôn được đánh giá là một quy trình kỹ thuật với những bước xử lý như in, tráng, cắt, ghép trước đây cho đến những kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng các phần mềm dựng phim chuyên dụng ngày nay. Nhưng trên thực tế, dựng phim cũng được xem là một môn nghệ thuật, trong đó nó bao gồm rất nhiều những kiến thức mang tính nền tảng, chính vì thế để trở thành một người dựng phim giỏi hoàn toàn không chỉ dựa trên đánh giá về kỹ năng sử dụng phần mềm mà nó còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau.
HỌC DỰNG PHIM NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Ngày nay việc tiếp cận và làm quen với một trình ứng dụng xử lý video, hay còn gọi là phần mềm dựng phim, hoàn toàn không có gì khó khăn. Bạn có thể lên Internet vào những trang chia sẻ video trực tuyến như Youtube hay Vimeo, hoặc các diễn đàn chia sẻ về phim ảnh..Và chỉ cần một cú nhấp chuột, bạn đã có thể dễ dàng.
Hình ảnh của Film Editor
Sở hữu hàng tá tài liệu chia sẻ từ A- Z những kiến thức về sử dụng phần mềm dựng phim. Nhưng như đã nói ở trên, việc sử dụng tốt phần mềm dựng không đồng nghĩa với việc bạn có đủ khả năng và trình độ trở thành một kỹ thuật viên dựng giỏi, hoặc có thể dễ dàng bước vào phòng hậu kỳ của các Hãng phim hoặc Đài Truyền Hình nào đó.
NHỮNG KIẾN THỨC CẦN CÓ
Nếu ai đã từng theo học về Mỹ thuật hay thiết kế đồ họa, có lẽ sẽ không quên những bài học đầu tiên là Màu sắc, Nguyên lý Thị giác, Đường, nét, Mảng, khối. Những kiến thức nền tảng ấy chính là bệ đỡ cho những nguyên tắc về thiết kế của bạn sau này, trong dựng phim cũng như thế, trước khi bạn chạm vào bàn phím và những kiến thức mang tính kỹ thuật Bạn hãy nên bắt đầu bằng những kiến thức nên tảng gần cơ bản nhất.
HÃY TRỞ THÀNH MỘT PHOTOGRAPHER
Nghe có vẻ không liên quan, nhưng nó lại hoàn toàn liên quan đến công việc tương lai của bạn đấy, nói về lĩnh vực hậu kỳ phim có rất nhiều người giỏi mà không cần phải học về nhiếp ảnh, hay đại loại một kiến thức bổ trợ nào cả. Những người như thế được xem là có Tố chất, tức họ có khả năng cảm thụ bẩm sinh, giống như việc bạn không thuộc bất cứ khuông nhạc nào vẫn có thể chơi chính xác, dù chỉ nghe qua bản nhạc đó 1 lần và tất nhiên số người có khả năng như thế không nhiều. Việc bạn có kiến thức về nhiếp ảnh, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ về bố cục, các nguyên tắc cơ bản để tạo nên một bố cục đẹp và chặt chẽ, từ đó bạn có thể dễ dàng trong việc chọn lựa những khung hình đẹp nhất.
- Có kiến thức của một Camera Man
Ánh sáng và các kiến thức về góc máy là một trong những phần vô cùng quan trọng để lột tả được hết tinh thần của một tác phẩm, điều mà các đạo diễn và các nhà quay phim đã dồn hết tâm huyết để theo đuổi. Việc bạn nắm vững những kiến thức đó sẽ tạo nên một sự kết nối bền vững và xuyên suốt giữa công tác tiền kỳ và hậu kỳ. Thậm chí chính bạn đóng vai trò đẩy cao trào của tác phẩm lên cao hơn so với mong đợi, bằng chứng là có rất nhiều tác phẩm điện ảnh, những bộ phim bom tấn của Điện ảnh Hollywood, được giải cứu thành công bởi sự sáng tạo của những nhà dựng phim. Việc nắm vững những kiến thức về quay phim, chính là mấu chốt quan trọng nhất, nó sẽ giúp bạn mau chóng hòa nhập và thành công với nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi.
- Xem và Đọc
Không chỉ những đạo diễn mới dành nửa sự nghiệp của mình cho việc đọc và xem, thực tế dù bất cứ ở ngành nghề gì, việc trang bị những kiến thức bổ trợ như Văn hóa, xã hội, khoa học, giải trí, lịch sử, địa lý..vv. đều là việc nên làm. Bạn xem nhiều đọc nhiều, những kiến thức đó sẽ giúp cho bạn có cái nhìn rộng về kiến văn và nó cho bạn nhìn thấy những ý tưởng sáng tạo mới của các đồng nghiệp được truyền tải trong các bộ phim mà bạn xem.
- Vai trò Phần mềm với người dựng phim
Không phủ nhận vai trò của phần mềm trong quá trình biên tập xử lý, nhưng bạn hãy nhớ rằng Phần mềm nó chỉ là công cụ và bất cứ phần mềm dựng phim nào cũng có những thế mạnh và điểm yếu. Nếu dùng giá trị của nghệ thuật để phân tài cao thấp của các phần mềm ứng dụng thì đó là hành động ngu ngốc nhất. Phần mềm được đánh giá dựa trên giá trị kinh tế và những tiện ích đơn thuần về mặt chất lượng hình ảnh, nói dễ hiểu thì càng đầu tư nhiều thì bạn sẽ có những chất lượng hình ảnh tốt.
Nhưng bạn hãy nhớ hình ảnh tốt và một tác phẩm được dàn dựng tốt là hai điều hoàn toàn khác nhau, việc tiếp cận về kỹ thuật sử dụng cũng không phải là điều tiên quyết đánh giá về khả năng sáng tạo của người dựng. Đơn cử như việc bạn ra tiệm rửa ảnh, bạn nhìn thấy một người thợ chỉnh sửa ảnh, “múa” bàn phím đến kinh ngạc.
Nhưng nếu bạn nhờ người thợ ấy thiết kế một mẫu Logo, thì có lẽ họ sẽ không biết phải bắt đầu như thế nào, chính vì thế việc dùng phần mềm nào, kỹ năng nhanh chậm ra sao hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc bạn trở thành một Chuyên gia dựng phim giỏi. Điều cuối cùng tác giả muốn nhắn gửi như lời chia sẻ đến bạn, hãy luôn bắt đầu bằng niềm đam mê, nó sẽ cho bạn cảm hứng và cảm hứng sẽ mang thành công đến với Bạn.
theo HOANG TUAN MINH