Nghệ thuật Thư pháp: Khơi lại mạch nguồn di sản văn hóa dân tộc
Bắt nguồn từ Trung Quốc và Ả Rập, nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam được xem là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền. Thư pháp có lịch sử cả ngàn năm với hàng trăm tác phẩm và hàng chục tác giả nổi tiếng như Lý Nhân Tông, Trần Dụ Tông, Lê Hiến Tông, Tô Ngại, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Nghiễm, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh…
Không dừng ở việc viết thư pháp bằng tiếng Hán, các học giả Việt Nam còn sử dụng chữ Nôm để thể hiện ý tưởng. Chữ Nôm là một sản phẩm sáng tạo của trí tuệ người Việt. Được hình thành và tồn tại qua hàng ngàn năm, chữ Nôm không chỉ đóng vai trò một công cụ giao tiếp hết sức sinh động và quan trọng của người Việt, một phương tiện chuyển tải biết bao giá trị và biểu đạt văn hóa, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của cha ông ta trong nhiều thế kỷ.
Thư pháp gia Phạm Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ: “Nếu một tác phẩm nghệ thuật chỉ là chữ Hán thì người ta có thể sang Trung Quốc, hay bất cứ nước nào sử dụng văn tự khối vuông đều có thể mua được. Tuy nhiên, người Việt mình có chữ nôm, loại chữ khác hoàn toàn với các nước trên thế giới. Khi chúng tôi sáng tác các tác phẩm thư pháp bằng chữ nôm, người nước ngoài sẽ nhìn thấy đây là tác phẩm của người Việt. Nội dung là văn hóa, văn tự của người Việt. Người ta thấy được nghệ thuật đương đại đang tồn tại trong các tác phẩm thư pháp đó, cho nên giá trị các tác phẩm có sức ảnh hưởng rất lớn.”
Nghệ thuật thư pháp Hán Nôm lấy giấy bút mực nghiên làm cơn cớ khởi đầu, lấy ý nghĩa từ chương làm nội dung thưởng lãm, lấy bốn chữ “tài tình nhân phẩm” để chiêm nghiệm về cuộc đời. Giá trị của loại hình nghệ thuật này không chỉ kết tinh trong các kỹ thuật vận bút, gian giá văn tự, bố cục chương pháp, mà còn nằm ở trình độ học vấn, ở cốt cách nhân phẩm, ở sự hàm súc của ngôn ngữ văn chương và tư tưởng triết học. Các tác phẩm thư pháp đã góp phần tạo nên truyền thống ngàn năm văn hiến của đất nước.
“Trong thư pháp chữ không chỉ là nghĩa. Ví dụ một khách tây đến Tháp Chàm, họ có thể xem một bức phù điêu một cách say sưa dù không hiểu gì về ý nghĩa. Điều đó chỉ ra nghệ thuật có thông điệp riêng và thư pháp cũng vậy. Khi nhìn những bức thư pháp mang hồn cốt cổ truyền của dân tộc ta thấy có sự xúc động thiêng liêng. Và đó là một trong những điều thư pháp hướng tới”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết.
Thư pháp trong đời sống đương đại
Thầy Nguyễn Văn Thanh – Giảng viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ: “Thư pháp là môn nghệ thuật viết chữ. Pháp là khuôn phép viết chữ, nghệ thuật thư pháp luôn luôn tồn tại và sống trong văn hóa Việt từ trong dân gian đến môi trường nghệ thuật, nghiên cứu. Vẫn từ truyền thống là các chữ hán, chữ nho và chữ nôm nhưng các nghệ nhân Việt Nam hiện nay không chỉ viết đơn thuần theo lối ngũ thể cổ điển mà còn thể hiện theo phong cách “tiền vệ” với lối viết tương đối “phá phách” và mang tính đương đại. Thông điệp của tác giả là dù người xem có thể không đọc được con chữ nhưng nhìn vào một bức thư pháp tiền vệ người xem có thể cảm nhận được nét đẹp từ con chữ, nét mực và tâm hồn của người nghệ sĩ.” Điều này cũng thể hiện sự tiếp nối giữa những giá trị văn hóa từ quá khứ kết hợp với những giá trị mới tới từ hiện đại.
Chia sẻ về nghệ thuật thư pháp tiền vệ, thư pháp gia Phạm Văn Tuấn cho hay: “Thư pháp Tiền vệ không giới hạn ở việc chỉ cầm bút lông để vẽ mà nó đi vào vấn đề thị giác. Do đó, thư pháp tiền vệ tương tác với nghệ thuật phương Tây, tương tác với nghệ thuật của Á Đông và đưa ra một hướng riêng không phụ thuộc vào đường nét của con chữ. Dù ta không biết chữ hán nôm nhưng nhìn vào tác phẩm ta có thể cảm nhận được tác động, hiệu ứng thị giác mà tác phẩm mang lại.”
Ít ai biết rằng đã có một thời gian dài, thư pháp rơi vào quên lãng và dần được phục hưng trong thời gian gần đây. Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng cho biết: “Trong những năm qua, nghệ thuật thư pháp đã dần được phục hưng, phát triển mạnh mẽ, phải nói là “trăm hoa đua nở”. Chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho công chúng một bông hoa lạ. Không còn là “ông đồ già” xưa kia, chúng tôi mong muốn mang đến cho công chúng những góc nhìn mới với sợi chỉ xuyên suốt trong các tác phẩm là kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Cố gắng hướng đến một cái gì đó sang trọng hơn, học thuật hơn và bắt kịp với đời sống nghệ thuật đương đại trên thế giới. Nghệ thuật mà chúng tôi hướng đến không chỉ là tâm, nhẫn, phúc, lộc, thọ hay giấy đen mực đỏ ở vỉa hè mà nó còn cao sang hơn thế.”
Nghệ thuật dù là thứ vô tri vô giác, cái quan trọng là người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vượt lên chính bản thân và bắt kịp với hơi thở thời đại, thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng, một đại diện nổi bật của phong cách thư pháp “tiền vệ” khẳng định.
Như vậy rõ ràng, cùng với thời gian, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, các thầy đồ xưa kia nay đã trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Họ không hoài cổ về thời kỳ vàng son đã qua mà dùng những giá trị cổ truyền như hành trang, như mạch nguồn sáng tạo để viết tiếp câu chuyện của thư pháp ở thời kỳ hiện đại, ở một sân chơi rộng hơn không chỉ ở trong nước mà là trên cả thế giới.
Theo Gia Linh