'Lịch sử thư pháp Việt Nam': Hồn chữ, Hồn người và Hồn nước
Mặc dù là một người trẻ thuộc thế hệ 8X, tuy nhiên, bản thân tác giả Nguyễn Sử lại có mối quan tâm rất lớn đến di sản mà các thế hệ tiền nhân đã để lại, đặc biệt là nguồn di sản vô cùng to lớn là phong phú thuộc lĩnh vực Hán – Nôm.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Trung Quốc, Nguyễn Sử trở về nước và làm việc tại phòng nghiên cứu Phật giáo trực thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Đây cũng là giai đoạn mà anh dốc sức cho công việc điền dã, sưu tầm tư liệu, trau dồi và bổ túc để làm dày dặn thêm cho nguồn tri kiến của bản thân.
Tác phẩm nghiên cứu Lịch sử thư pháp Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc.
Lịch sử thư pháp Việt Nam là thành quả và cũng là sự đúc kết của Nguyễn Sử sau một quá trình làm việc miệt mài và nghiêm túc như vậy. Đồng thời, thông qua tác phẩm này, anh cũng hiện thực hóa trăn trở phác họa lại hành trình phát triển thú vị của nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Có lẽ không ít người trong chúng ta đã biết, suốt chiều dài với những thăng trầm, thịnh suy lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong những giai đoạn gắn liền với chế độ quân chủ, chữ Hán đóng vai trò là văn tự chính thống của quốc gia. Loại văn tự này, đồng thời, đã tạo nên những tác động vô cùng to lớn trên nhiều phương diện của đời sống đất nước như kinh tế, chính trị và văn hóa.
Mặc dù mang gốc gác từ dân tộc Trung Hoa, nhưng với ảnh hưởng sâu rộng của nền văn minh này đến các quốc gia Á Đông mà cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, chữ Hán đã vươn xa hơn phạm vi ban đầu của nơi nó được sản sinh, được chấp nhận và trở thành văn tự chung cho các dân tộc trong khối đồng văn này.
Song song cùng sự phát triển và truyền bá của chữ Hán, nghệ thuật thư pháp cũng được sản sinh và có những bước tiến nhất định trong từng giai đoạn. Trong đó, Trung Hoa là xứ sở đã đạt đến đỉnh cao, tạo nên những nguyên lý chuẩn mực cũng như sản sinh ra những danh gia có sức ảnh hưởng vĩ đại trong bộ môn nghệ thuật này.
Tiếp nhận và chấp nhận những ảnh hưởng từ cái nôi của thư pháp Hán tự và coi đó là một nền móng căn bản, từng dân tộc trong khối đồng văn lại không hề sao chép nguyên mẫu mà lại có những bước phát triển và biến đổi trong nguyên lý, quan niệm nhằm tạo nên sắc thái riêng biệt cho nghệ thuật thư pháp của dân tộc mình.
Lối chữ hoa áp trên một đạo sắc phong của làng Vạn Phúc, Hà Đông dưới thời vua Lê Thần Tông.
Tuy nhiên, cùng sự biến động của thời cuộc, trong khi hai dân tộc Hàn và Nhật vẫn bảo lưu được hình thức nghệ thuật này một cách bài bản và tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện hơn những lý luận, phép tắc trong thư pháp thì tại Việt Nam, bộ môn nghệ thuật thư pháp Hán tự lại tiến dần đến chỗ mai một, thậm chí bị chối bỏ.
Bên cạnh việc viện dẫn những nguyên nhân đến từ sự thay đổi của cấu trúc văn hóa, xã hội để giải thích cho hiện trạng nêu trên. Chúng ta còn phải kể đến một nguyên nhân khác đó chính là sự khiếm khuyết trong nhận thức của các thế hệ sau đối với di sản của cha ông cũng như tư tưởng “bài Hoa” một cách cực đoan trong xã hội.
Vì vậy, có thể nói, với sự ra đời đúng lúc của Lịch sử thư pháp Việt Nam, Nguyễn Sử đã góp phần không nhỏ trong việc lật lại vấn đề nhìn nhận vị trí quan trọng của chữ Hán trong lịch sử Việt Nam trên vai trò là văn tự chính thống của quốc gia và khu vực, những biến đổi và dấu ấn mà cha ông chúng ta đã xây dựng nhằm tạo nên một sắc thái riêng cho dân tộc mình thông qua nghệ thuật thư pháp.
Đồng thời, qua tác phẩm này, Nguyễn Sử cũng đưa đến cho cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ, một cái nhìn toàn diện về những vàng son một thuở trong nghệ thuật mang đậm tính bác học của nước nhà.
Xuyên suốt Lịch sử thư pháp Việt Nam, độc giả có thể hình dung một cách khái lược nhất sự phát triển, gián đoạn và thăng trầm của thư pháp song hành với chiều dài lịch sử văn hóa Việt.
Từ những đường nét đầu tiên của văn tự trên những di vật thời Đông Sơn đến nét chữ chuẩn mực trên văn bia thời Lý; từ sự đứt gãy sau thời kỳ Minh thuộc đã góp phần đưa đến sự phát triển tột bậc kéo dài suốt hơn trăm năm của lối chữ hoa áp đậm màu sắc Việt của thư gia thời Lê; hay thư phong đầy khí khái, hào sảng nhưng có khi vô cùng điển nhã của hàng tao nhân mặc khách triều Nguyễn.
Tất cả đã tạo nên một dòng chảy đặc sắc cho môn nghệ thuật vốn có gốc gác phương Bắc nhưng đã được tiếp thu và song hành suốt hơn ngàn năm của đời sống tinh thần dân tộc Việt qua buổi thịnh đạt và cả lúc suy vi của các vương triều.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử trong một chuyến điền dã.
Trong Lịch sử thư pháp Việt Nam, những phân tích cụ thể về mặt nghệ thuật, bút pháp được tác giả đưa ra đầy cẩn trọng. Đồng thời, bằng việc đối sánh với sự phát triển của nghệ thuật thư pháp Hán tự của các quốc gia trong khu vực, Nguyễn Sử đã bóc tách từ những trầm tích quá khứ để khẳng định một vị thế riêng, một phong thái với những kiêu hãnh rất riêng của các thư gia Việt Nam thuở trước.
Mặc dù vậy, sự thất tán bởi chiến tranh, loạn lạc của những bút tích viết tay trên những văn bản cụ thể, nguồn thư tịch trong một số giai đoạn lịch sử, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ thời điểm 9 năm xâm lược của nhà Minh trở về trước đã khiến cho sự hình dung và đối chiếu chưa thực sự được đầy đủ.
Tuy nhiên, trong một mức độ cho phép, với sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt nội dung cũng như đặc sắc, chỉn chu về hình ảnh, tư liệu và phương thức trình bày, tác phẩm ngoài việc xây dựng lại một diện mạo không kém phần tươi sáng của lịch sử thư pháp Việt, còn là một cuốn đồ điển về bộ môn nghệ thuật mang đậm tinh thần phương Đông này.
Và trên hết, cuốn sách giúp chúng ta, lớp hậu sinh của thời đại toàn cầu hóa có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn đối với quá khứ và từ đó, có những ứng xử phù hợp và cẩn trọng trong việc lựa chọn kế thừa hay loại bỏ các yếu tố thuộc kho tàng văn hóa, tư tưởng còn vương sót lại của “những người muôn năm cũ”.
Theo Cường Nguyễn