Phương pháp giáo dục trẻ từ sớm của người Nhật
Đầu tiên, trẻ em Nhật có tính tự giác rất cao
Ở Nhật trẻ em xách theo rất nhiều loại túi tới trường: Túi sách vở, túi bao ngoài, túi dụng cụ ăn uống, hộp dụng cụ ăn uống, túi quần áo, túi đựng quần áo sẽ thay, túi đựng quần áo sau khi thay ra và túi giày. Sau đó thì túi A phải có chiều dài nhất định, túi B phải có chiều rộng nhất định, túi C phải đựng vừa trong túi D, túi E vừa trong túi F.
Những chiếc túi mang theo bên mình khiến trẻ em luôn ý thức được việc phân loại đồ dùng và thậm trí là phân loại rác. Tính kỷ luật của trẻ em Nhật Bản được các em rèn luyện một cách bài bản và chặt chẽ.
Bất cứ ai khi nhìn thấy các bậc phụ huynh Nhật đưa đón con đi học đều ngạc nhiên vì các em nhỏ thường tự tay xách các loại túi đến trường mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào của cha mẹ hay người lớn đi cùng. Trẻ tự ý thức rằng đó là công việc của mình cũng như khi các em chơi đồ chơi xong, thường tự giác cất gọn vào các túi, hộp đựng đồ mà không cần sự nhắc nhở hay quát mắng của cha mẹ. Ở trường trẻ thay quần áo liên tục, chính điều đó cũng khiến trẻ không còn cảm thấy loay hoay với những công việc cá nhân khi không có mẹ giúp đỡ. Những em bé Nhật học cách độc lập từ khi các em mới chỉ 2,3 tuổi.
Thứ hai, trẻ được rèn luyện kỹ năng hòa nhập, sự tự tin
Khi chưa đầy 1 tuổi trẻ đã được thi đấu trong những hoạt động thể thao, các phụ huynh ở Nhật rất khuyến khích các con tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài trời. Với họ, điều đầu tiên cần dạy con cái đó là sự mạnh dạn, bản lĩnh chứ không phải là kiến thức. Trẻ tham gia thi đấu, biểu diễn và tỏ ra rất bản lĩnh khi đứng trước đám đông. Thậm trí, các em bé gái 3-4 tuổi còn tham gia vào đội bóng đá nữ…Chính điều đó giúp trẻ em trở nên năng động và hoạt bát hơn. Vào 3h30 chiều cả trường mầm non sẽ ra sân chơi cùng nhau, các trò chơi tập thể luôn được ưu tiên nhằm giúp trẻ em có tính hòa nhập và tinh thần làm việc nhóm. Có 2 thứ mà bất cứ trường mầm non nào cũng dạy trẻ đó là nói : “cảm ơn” và mỉm cười. Trẻ thường tự chia đồ chơi cho nhau và có tính cộng đồng rất lớn. Các em nhỏ khi chơi với nhau còn thân thiết hơn cả chị em ruột, chính điều đó khiến cho các em hòa nhập nhanh, và có cách cư xử rất lịch sự với người khác. Ở Nhật trẻ được dạy lễ nghĩa khá nhiều, thay vì học kiến thức Toán hay môn ngoại ngữ. Việc học môn ngoại ngữ ở Nhật cũng không theo xu hướng gò ép như ở một số nước, trẻ được các thầy cô hướng dẫn những điều cần tránh để nói chuẩn tiếng Anh, một số phương pháp tính nhẩm nhanh…. giúp trẻ không còn cảm giác sợ học, đồng thời phát huy sức sáng tạo và khả năng tự học của trẻ.
Thứ ba, giáo dục đánh giá cao ưu điểm của bản thân học sinh
Trong một trường mẫu giáo ở Nhật Bản, trẻ em không hề mang theo những quyển sách hay vở gì. Thay vào đó, trẻ được lựa chọn những môn mình thích, và làm những gì bản thân cảm thấy hứng thú. Do đó trẻ không có cảm giác sợ học, hay áp lực về điểm số. Trẻ em thường được cha mẹ hỏi về buổi học ở trường, và tự do bày tỏ suy nghĩ của riêng mình. Trẻ em ở đất nước này luôn có những giờ học ngoại khóa rất bổ ích như tham gia làm bánh, tới những ngày hội thể thao, biểu diễn ở những sự kiện cộng đồng, tham gia những lễ hội được tổ chức qua đêm, tới các buổi giao lưu, những đền chùa, các buổi triển lãm…Thậm trí, trẻ được cha mẹ cho tham gia buổi cắm trại qua đêm ở trường do nhà trường tổ chức. Khiến các em được rèn luyện sự tự tin, lòng dũng cảm ngay từ lúc còn nhỏ. Trong những giờ học ngoại khóa như vậy, trẻ tỏ ra rất hứng thú và điều đó đã để lại trong các em những ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Nguồn: sưu tầm