Luận đại thừa khởi tín Phần 5
Ngày đăng: 06:21:26 03-03-2015 . Xem: 4457
LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN - Phần 5
Ngài Mã Minh Bồ Tát tạo Luận
Sa môn Thích Thiện Hoa lược dịch và lược giải
***
CHÁNH VĂN Ngài Mã Minh Bồ Tát tạo Luận
Sa môn Thích Thiện Hoa lược dịch và lược giải
***
Hỏi: - Pháp thân của chư Phật đã không có các sắc tướng, tại sao lại hiện ra có các sắc tướng?(ứng thân và báo thân)
Đáp: - Vì pháp thân là bản thể của sắc tướng, cho nên có thể hiện ra các sắc tướng (hoá thân báo thân). Do từ hồi nào đến giờ, Sắc (hiện tượng) Tâm (bản thể) không hai, nên bản thể của Sắc (sắc tánh) tức là Tâm (tức trí).
Vì bản thể của Sắc vô hình (thuộc về tâm) nên gọi là "Trí thân". Vì tướng của tâm (trí tánh) tức là Sắc, nên gọi là "Pháp thân".
Vì bản thể (tâm) đã biến khắp tất cả chỗ, nên hiện tượng là Sắc, cũng không có chừng ngằn. Tùy nơi tâm mà hiện ra mười phương thế giới, vô lượng Bồ Tát, vô lượng Báo thân, vô lượng món trang nghiêm, mỗi mỗi sai khác, đều không có hạn lượng và đều không ngại nhau. Vì đây là diệu dụng đại tự tại của chơn như, nên hkông thể dùng thức tâm phân biệt mà biết được.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này Luận chủ đặt ra lời vấn đáp để giải thích sự nghi ngờ.
Hỏi: - Pháp thân của chư Phật thanh tịnh, không có các hình tướng, tại sao lại hiện ra có các sắc tướng là Hoá thân và Báo thân?
Đại ý lời đáp: Do từ hồi nào đến giờ, trong Chơn như Pháp thân, Sắc và Tâm không hai: Bản thể của Sắc tức là Tâm, Hiện tượng của Tâm tức là Sắc. Bởi thế nên Chơn như Pháp thân tuy không có hình sắc, mà có thể hiện ra các hình tướng: Y báo và Chánh báo đầy đủ. Cũng như bản thể của điện, biến khắp tất cả không gian, tuy không có hình tướng, nhưng có thể hiện ra các sắc tướng, (hiện tượng) như sấm sét, chớp, nổ v.v...Trong Tâm kinh chép: "Sắc chẳng khác với Không, Không chẳng khác với Sắc" (Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc).
Vì Sắc tức là Tâm, nên các pháp tức là Chơn như Pháp thân. Vì Tâm tức là Sắc, nên chơn như pháp thân tùy duyên thành các pháp. Do bản thể đã biến khắp tất cả, nên hiện tượng các Sắc tướng, như mười phương thế giới, vô lượng Bồ Tát, vô lượng món trang nghiêm v.v....cũng biến khắp tất cả, không có hạn lượng; mặc dù các hình sắc đều khác nhau, nhưng không trở ngại nhau. Việc này là diệu dụng của Chơn như Pháp thân, nên chúng phàm phu và hàng Nhị thừa, không thể dùng thức tâm của mình mà phân biệt được.
Do Chơn như là bản thể của các Pháp, nên gọi là Pháp thân; và nó đủ tất cả trí, nên cũng gọi là Trí thân.
III. Trở về Tâm Chơn như
CHÁNH VĂN
Lại nữa, các pháp từ sanh diệt mà trở về Tâm chơn như; nghĩa là suy xét kỹ càng: bên trong thì thân ngũ ấm (Sắc: Sắc ấm: Tâm: bốn ấm sau) bên ngoài thì cảnh giới (6 trần) rốt ráo vô niệm (tức là chơn tâm). Song, vì chúng sanh bị vô minh làm mê, nên chơn tâm (vô niệm) biến thành hữu niệm (có thân và cảnh v.v..), nhưng bản thể chơn tâm không động (vô niệm).
Cũng như người lầm phương hướng, vì sự mê lầm nên chấp phương Đông làm phương Tây; thật ra phương hướng không thay đổi.
Bởi thế nên, người quán sát biết được Tâm vô niệm (không khởi vọng niệm) thì đặng tùy thuận vào Tâm chơn như.
LƯỢC GIẢI
Luận này có 5 chương, trong chương thứ ba là Phần Giải thích, lại chia làm 3 phần:
1. Nói về nghĩa chánh
2. Đối trị các chấp sai lầm.
3. Phân biệt hành tướng phát tâm đến Đạo.
Trong phần "Nói về nghĩa chánh", lại chia làm 3:
a. Nói về Tâm Chơn như
b. Nói về Tâm Sanh diệt
c. Trở về Tâm Chơn như (tức là quán sát các pháp, sanh tức vô sanh).
Đoạn văn trên đây nói về phần thứ ba là "Trở về Tâm Chơn như".
Hành giả hãy quán sát tất cả các pháp: Bên trong là thân ngũ ấm (Sắc và Tâm), bên ngoài là cảnh giới 6 trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) rốt ráo đều vô niệm (không vọng niệm, tức là chơn như). Vì các pháp không rời Thể Chơn tâm (Tâm Chơn như), nên Chơn tâm đã vô niệm (không vọng), thì các pháp cũng vô niệm (không vọng).
Chơn tâm vì không có hình tướng nên tìm khắp mười phương không thể thấy được nó. Song vì vô minh vọng động, nên Tâm biến ra các pháp hữu hình (hữu niệm) như thân và cảnh v.v...nhưng bản thể Chơn tâm vẫn thanh tịnh không động (vô niệm). Cũng như người bộ hành, vì lầm phương hướng nên chấp phương Đông làm phương Tây, thật ra phương hướng không thay đổi.
Do vọng niệm sanh ra các pháp sanh diệt, nên dứt trừ vọng niệm (quán vô niệm) thì các pháp sanh diệt kia tự trở về Tâm Chơn như (vô niệm). Cũng như vì gió nên có sóng động, nếu gió hết thì sóng kia tự trở lại với tánh nước yên lặng.
Nếu vô niệm (không vọng niệm) thì toàn vọng là chơn; nên quán vô niệm là con đường tu chứng duy nhứt của các Phật Tổ.
Trong kinh Lăng nghiêm Phật dạy:" ...Bất tuỳ phân biệt ..." (Không theo trần cảnh khởi vọng niệm phân biệt, tức là quán vô niệm)
Tổ Đạt Ma khi từ Ấn độ mới đến Trung hoa, đức Nhị Tổ thỉnh cầu Ngài dạy phương pháp an tâm.
Tổ Đạt Ma trả lời: - "Ông hãy đem tâm đến đây, ta sẽ an cho".
Đức Nhị Tổ thưa rằng: - "Con tìm tâm không thể được".
Tổ Đạt Ma dạy tiếp: - "Ta đã an tâm cho ông rồi". Đức Nhị tổ liền tỏ ngộ.
Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy: -" ....Bổn lai vô nhứt vật ...." (từ xưa đến nay, không có một vật)*.
Đây là những bằng chứng Phật và Tổ đều dạy cái bí quyết tu hành mau được thành Phật là "Vô niệm" (không vọng niệm).
Bởi thế nên, cũng ở nơi Luận này, về đoạn trước đã nói:" ...Nếu lìa các vọng niệm thì đặng nhập chơn như ..." (nhược ly ư niệm, danh vi đắc nhập).
* Nguyên bài kệ:
Bồ đề bổn vô thọ
Tâm phi minh cảnh đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai.
Dịch nghĩa:
Bồ đề không phải cây
Tâm không phải đài gương
Xưa nay không phải vật
Nên không dính bụi trần.
BÀI THỨ MƯỜI HAI
CHƯƠNG THỨ BA
PHẦN GIẢI THÍCH
B. ĐỐI TRỊ CÁC CHẤP SAI LẦM
CHÁNH VĂN
Tất cả các chấp sai lầm (tà chấp), đều do chấp ngã và chấp pháp mà sanh; nếu rời chấp ngã và chấp pháp thì không còn các chấp sai lầm.
I. CHẤP NGÃ (chấp bản ngã thật có)
Chúng phàm phu chấp ngã có 5 thứ:
1. Chấp "Hư không là chơn tánh của Như Lai". - Vì phá chấp của chúng sanh nên trong kinh Phật nói:" Pháp thân của Như Lai rốt ráo vắng lặng cũng như hư không". Chúng phàm phu nghe nói như thế, không hiểu, lại lầm chấp:"Hư không là chơn tánh của Như Lai".
Vì đối trị cái chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng:"Hư không là pháp hư đối, không có thật thể, do đối với sắc tướng mà thấy có hư không; nếu không có sắc tướng thì cũng không có tướng hư không. Nghĩa là từ hồi nào đến giờ, tất cả cảnh giới (sắc pháp) đều do vọng tâm biến hiện, không có pháp nào ngoài tâm; chúng sanh không biết vọng chấp (biến kế chấp) là thật có. Nếu vọng tâm hết, thì các cảnh giới cũng không còn. Lúc bấy giờ chỉ còn chơn tâm hiện khắp tất cả. Đó là pháp thân quảng đại thuộc về tâm trí (tánh trí) của Như Lai không phải như hư không, không có tri giác.
LƯỢC GIẢI
Đối trị chấp tà là phá trừ các sự chấp nhứt sai lầm. Các sự chấp nhứt sai lầm đều do chấp ngã, chấp pháp mà sanh. Nếu phá trừ được chấp ngã, chấp pháp thì các chấp sai lầm không còn.
Vì quan niệm thân tâm là thật, nên gọi là chấp ngã quan niệm vũ trụ vạn vật là thật, thì gọi là chấp pháp.
Chúng sanh chấp pháp thân của Phật có hình tướng như thế này, hoặc như thế kia v.v....Vì muốn phá các chấp sai lầm ấy, nên Phật nói: "Pháp thân của Phật rốt ráo vắng lặng, cũng như hư không".
Nghe trong kinh nói như vậy, chúng sanh trở lại chấp:"Hư không là pháp thân của Như Lai" vì phá cái chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh giải thích rằng:"Hư không là cái không thật thể, do các sắc tướng mà thấy có hư không. Nếu không có sắc tướng thì cũng không có hư không. Cả sắc tướng và hư không đều do vọng tâm biến hiện; rồi chúng sanh lầm chấp là thật có. Nếu vọng tâm hết thì sắc tướng và hư không cũng không còn. Lúc bấy giờ bản thể chơn tâm hiện ra, rộng lớn bao la và trùm khắp tất cả. Đó là pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Đây thuộc về phần tâm trí, không phải như hư không, không có tri giác.
CHÁNH VĂN
2. Chấp "Chơn như hay Niết bàn, chỉ là không không, chẳng có chi hết". - Vì phá vọng chấp của chúng sanh, nên trong kinh Phật nói:"các pháp thế gian rốt ráo không có thật thể; cho đến các pháp xuất thế gian, như Chơn như hay Niết bàn rốt ráo, cũng không có thật thể; từ hồi nào đến giờ, nó không có các tướng". Chúng phàm phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp:"Chơn như hay Niết bàn là không có chi hết".
Vì đối trị sự chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng:"Chơn như hay Pháp thân của Phật, chẳng phải không có tự thể; nó sẵn có và đầy đủ vô lượng công đức".
LƯỢC GIẢI
Đoạn trên phá quan niệm sai lầm, chấp "hư không là chơn tánh của Như Lai"; đoạn này phá quan niệm sai lầm, cho rằng "Chơn như hay Niết bàn là cảnh giới hư không ảo tưởng không có chi hết".
Chúng sanh thường lầm tưởng:"Các pháp thật có". Vì phá trừ quan niệm sai lầm ấy, nên trong kinh Phật nói:"các pháp thế gian hư giả không thật, cho đến các pháp xuất thế gian như Chơn như, Bồ Đề, Niết bàn v.v...rốt ráo cũng không có thật thể, vì không có các hình tướng". Chúng phàm phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp:"Chơn như hay Niết bàn v.v...là cảnh giới hư vô ảo tưởng, chẳng có chi hết".
Để đối trị sự chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích rằng:"Chơn như, Pháp thân hay Bồ Đề, Niết bàn không phải là cảnh giới ảo tưởng hư vô, không có gì cả, mà nó sẵn có đầy đủ vô lượng đức tánh, nhiều hơn số cát sông Hằng, như: thiện, thường, lạc, ngã, tịnh, giải thoát v.v....
CHÁNH VĂN
3. Chấp "Như Lai tạng" có các hình tướng sai khác như Sắc và Tâm v.v... - Nghe trong kinh Phật nói:"Như Lai tạng không tăng không giảm, sẵn đủ tất cả các công đức"; chúng phàm phu vì không hiểu nghiã này, nên trở lại chấp:" Như Lai tạng có đủ các hình tướng sai khác, như sắc và tâm v.v....".
Để đối trị sự chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng: "Căn cứ về thể Chơn như thì không có các tướng sai khác; còn theo tướng nhiễm ô sanh diệt, thì có các hình tướng sai khác".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này phá quan niệm sai lầm cho rằng: "Chơn" đồng với "Vọng".
Nghe trong kinh Phật nói: "Như Lai tạng không tăng không giảm, sẵn có đủ tất cả đức tánh, chúng phàm phu không hiểu trở lại chấp: "Như Lai tạng cũng có các hình sắc sai khác".
Để đối trị quan niệm sai lầm này, Ngài Mã Minh giải thích rằng: "Thể Chơn như" (Chơn như môn) thì thanh tịnh không có các hình tướng sai khác, còn về ":tướng sanh diệt" (Sanh diệt môn) thì đủ các hình tướng sai khác".
CHÁNH VĂN
4. Chấp "Trong Như Lai tạng thật có đủ các pháp sanh tử nhiễm ô".- Nghe trong kinh Phật nói:
"Các pháp sanh tử nhiễm ô của thế gian, đều do Như Lai tạng mà có, tất cả các pháp đều không rời Chơn như", chúng phàm phu không hiểu nghĩa này, lại chấp: "Chính trong bản thể Như Lai tạng, sẵn có tất cả các pháp sanh tử nhiễm ô của thế gian".
Để đối trị cái chấp sai lầm này, nên giải thích rằng: "Từ vô thủy tới giờ, trong Như Lai tạng, chỉ có các công đức thanh tịnh, nhiều hơn số cát sông Hằng. Các công đức này không lìa, không đoạn và cũng không khác với Chơn như; còn hằng hà sa số các pháp phiền não nhiễm ô kia, chỉ là hư vọng, vốn không có thật tánh. Bởi thế nên từ hồi nào đến giờ, trong Như Lai tạng chưa từng thật có các pháp nhiễm ô. Nếu trong bản thể Như Lai tạng (chơn) thật có các phiền não nhiễm ô, rồi hành giả phải diệt trừ các phiền não nhiễm ô, mới chứng được chơn như thanh tịnh, thì rất vô lý.
LƯỢC GIẢI
Chúng phàm phu nghe trong kinh Phật nói: "Các pháp sanh tử nhiễm ô đều do Như Lai tạng mà có, các pháp không rời chơn như ": rồi họ chấp "Trong Như Lai tạng hay chơn như, thật có sẵn các pháp sanh tử nhiễm ô".
Để phá quan niệm sai lầm này, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích rằng: "Từ hồi nào đến giờ, trong Như Lai tạng (chơn) chỉ có hằng hà sa số đức tánh thanh tịnh, các đức tánh này không rời chơn như; còn pháp sanh tử nhiễm ô, vì là hư vọng, không có thật thể, nên từ hồi nào đến giờ, không có ở trong Như Lai tạng".
Như Lai tạng hay chơn như, dụ như "tâm người đương thức tỉnh": sanh tử nhiễm ô, dụ như "giấc ngủ mà có chiêm bao". Đành rằng "cái ngủ chiêm bao" là nương nơi "tâm người thức tỉnh" mà có; song từ hồi nào đến giờ, trong "tâm người thức tỉnh" không bao giờ thật có chứa sẵn "cái ngủ chiêm bao". Bởi "cái ngủ chiêm bao" hư vọng không thật, nên khi thức giấc rồi thì nó tự mất. Cũng thế, các pháp sanh tử nhiễm ô, vì hư vọng không thật, nên khi giác ngộ rồi, nó không còn.
Nếu quan niệm rằng: "trong Như Lai tạng thật sẵn có các phiền não nhiễm ô; hành giả phải diệt trừ hết các phiền não nhiễm ô, mới chứng được chơn như thanh tịnh", thì không phải. Cũng như nói " trong tâm người thức tỉnh, thật sẵn có "cái ngủ chiêm bao" phải diệt trừ hết "cái ngủ chiêm bao" rồi, mới được thức tỉnh": nói như thế rất là phi lý.
Phải biết, các phiền não sanh tử, chỉ là cái mê vọng, không có thật thể. Phật đã dạy rằng: "Biết mình mê thì cái "mê" hết, cái "biết" đó không sanh mê trở lại" (Giác mê mê diệt, giác bất sanh mê). Cũng như người khi biết mình dại, thì không còn dại nữa. Lúc bấy giờ họ trở thành khôn; khi khôn rồi, thì cái "khôn" đó không sanh cái dại trở lại nữa.
Nếu cái "dại" (mê) này thật có, thì khi biết khôn (giác) rồi, cái "dại" đó trốn núp ở đâu? Cũng như "cái ngủ chiêm bao" nếu thật có, thì khi tỉnh thức rồi nó phải còn. Nhưng vì nó không còn, nên biết "cái ngủ chiêm bao" (mê dại) này không thật có.
Nếu nói "phải diệt trừ hết các pháp sanh tử nhiễm ô mới chứng được chơn như thanh tịnh" thì cũng như nói "phải phá trừ cho hết "cái ngủ chiêm bao" rồi, mới được sự thức tỉnh"; nói như thế, đều phi lý.
Bởi thế nên từ hồi nào đến giờ, trong Như Lai tạng hay Chơn như, không bao giờ thật có sanh tử nhiễm ô; cũng như trong "tâm người thức tỉnh", không bao giờ thật có "cái mê ngủ chiêm bao" vậy.
CHÁNH VĂN
5. Chấp "Chúng sanh có thủy, chư Phật có chung tận". - Chúng phàm phu nghe trong kinh Phật nói: "Do Như Lai tạng mà có sanh tử, do Như Lai tạng mà đặng Niết bàn". Vì họ không hiểu nên chấp: "Chúng sanh hữu thỉ (có đầu tiên) và chư Phật chứng Niết bàns ẽ có ngày chung tận, rồi trở lại làm chúng sanh".
Để đối trị cái chấp sai lầm này, nên giải thích rằng: Như Lai tạng (Chơn như tại triền) và vô minh đều có từ vô thủy (không có đầu tiên). Nếu nói chúng sanh (có sanh khởi đầu tiên) là kinh của ngoại đạo nói (kinh Đại hữu), không phải kinh Phật.
Lại nữa, Như Lai tạng không có chung tận: chư Phật chứng Niết bàn là thể nhập (tương ưng) Như Lai tạng, nên cũng không có chung tận.
LƯỢC GIẢI
Chúng sanh nghe trong kinh Phật nói: "Do Như Lai tạng mà có sanh tử, do Như Lai tạng mà chứng Niết bàn"; rồi họ suy luận và chấp rằng: vì do Như Lai tạng mà có sanh tử (Vô minh, chúng sanh); như thế thì chúng sanh (sanh tử, vô minh) tất phải có sự bắt đầu sanh khởi; (hữu thủy) và do Như Lai tạng mà chứng Niết bàn, vậy thì Niết bàn cũng có sự bắt đầu sanh khởi (hữu thủy). Do đó người ta kết luận: Chúng sanh đã hữu thủy nên cũng hữu chung, Niết bàn hữu thủy nên cũng hữu chung. Bởi thế nên họ chấp chư Phật chứng Niết bàn rồi, có ngày cũng cùng tận, phải trở lại làm chúng sanh.
Để đối trị với chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh giải thích, đại ý nói "Chơn như và vô minh đồng thời có từ vô thủy ". Cũng như chất ngọt và chất chát đồng thời có trong trái hồng. Song hành giả khi chuyển phiền não trở lại Bồ Đề, chuyển sanh tử trở lại Niết bàn, thì lúc bấy giờ chúng sanh không còn (chung tận), mà chỉ còn Chơn như hay Phật. Cũng như khi trái hồng lớn chín, đổi hết chất chát chỉ còn chất ngọt. Khi trái hồng đã chín ngọt rồi, thì không bao giờ trở lại chát nữa. Cũng như khi đã thành Phật rồi, không bao giờ trở lại làm chúng sanh nữa.
Vậy nên biết, vô minh (chúng sanh) vô thủy mà hữu chung; Chơn như (Phật) vô thủy và vô chung.
Kinh Phật thì chép "Chúng sanh vô thủy "; còn kinh Đại hữu của ngoại đạo lại chép "Chúng sanh hữu thủy ".
CHÁNH VĂN
II. CHẤP PHÁP (chấp thật có vũ trụ vạn hữu).
Đối với hàng Nhị thừa, vì độn căn chấp ngã, nên trong kinh Phật nói: "Chỉ có năm ấm sanh diệt, không có thật ngã". Nghe như thế, hạng này trở lại chấp: "Thật có năm ấm sanh diệt" (chấp thật pháp), nên họ rất sợ khổ sanh tử và cầu vui Niết bàn.
Để đối trị cái chấp sai lầm này, nên phải giải thích rằng: "Tánh của năm ấm, từ hồi nào đến giờ, vốn là Niết bàn, không sanh và cũng không diệt".
LƯỢC GIẢI
Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Vì năm đám mây này che khuất vừng trăng chơn như, nên gọi là "Ấm" (che).
Để phá trừ chấp ngã của hàng Nhị thừa độn căn, nên Phật nói: "chỉ có năm ấm sanh diệt, không có thật ngã". Lúc bấy giờ hạng này không còn chấp ngã, mà trở lại chấp pháp; nghĩa là chấp thật có năm ấm, thật có khổ sanh tử và vui Niết bàn. Do đó, họ rất sợ sanh tử và thích thú vui ở mãi mơi cảnh Niết bàn.
Để phá trừ cái chấp thật Pháp của Nhị thừa, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích, đại ý nói: "Tướng của các pháp không thật, tánh nó là chơn như, là Niết bàn, xưa nay không sanh, nên cũng không diệt". Vì các pháp không thật có, nên Bồ Tát không sợ sanh tử và không yên vui ở mãi nơi Niết bàn".
Nếu nói một cách đầy đủ, thì phải nói "vô ngã và vô pháp". Nhưng đây vì đối với hàng Nhị thừa, nên Phật chỉ mới nói "năm ấm vô thường", chớ chưa nói đến "sanh tử tức chơn thường".
CHÁNH VĂN
Lại nữa, nếu người rốt ráo xa lìa các vọng chấp, thì mới biết rõ các pháp Nhiễm tịnh đều do đối đãi nhau mà thôi, thật ra không có cái tướng gì có thể kêu gọi được. Bởi thế nên, từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp, không phải sắc, không phải tâm, không phải trí, không phải thức, không phải hữu, không phải vô, rốt ráo không có tướng gì có thể gọi được. Song, sở dĩ Phật có nói năng kêu gọi như thế này hoặc như thế kia, là vì đức Như Lai khôn khéo, phương tiện tạm dùng lời nói để dẫn dắt chúng sanh, mục đích là làm cho chúng sanh xa lìa các vọng niệm (ly niệm) trở về chơn như; nếu còn vọng niệm thì tâm phải sanh diệt, nên chẳng nhập được trí Phật (thật trí: chơn như)
LƯỢC GIẢI
Từ hồi nào đến giờ, tất cả các pháp, không phải sắc, không phải tâm, không phải trí, không phải thức v.v...chỉ vì chúng sanh vọng chấp phân biệt, so sánh (biến kế chấp) đối đãi với nhau mà thành thế này hoặc thế kia, như đối với hữu gọi là vô, đối với sắc gọi là tâm, đối với thức gọi là trí, đối với cao gọi là thấp, đối với lớn gọi là nhỏ, đối với tốt gọi là xấu v.v...Nếu chúng sanh rốt ráo xa lìa các vọng chấp thì thật không có một pháp gì có thể kêu gọi được. Lúc bấy giờ hành giả mới thấy rõ các pháp không thể kêu gọi (ly danh tự tướng), không thể nói năng luận bàn (ly ngôn thuyết tướng), hay suy nghĩ được (ly tâm duyên tướng).
Chư Phật đã hoàn toàn xa lìa các vọng chấp, song còn gọi pháp khổ, pháp vui, nhiễm tịnh, sanh tử, Niết bàn v.v...là vì Phật phương tiện tạm đặt ra những danh từ kêu gọi như thế, mục đích là để dẫn dắt chúng sanh lìa các vọng niệm chấp trước, đặng nhập vào chơn như hay trí Phật. Khi chúng sanh đã nhập vào chơn như hay trí Phật rồi, lúc bấy giờ cũng không còn danh từ gì để kêu gọi được.
Bài này nói về phần đối trị các chấp sai lầm rồi, đến bài thứ 13, sẽ nói về hành tướng phát tâm đến đạo.
BÀI THỨ MƯỜI BA
CHƯƠNG THỨ BA
PHẦN GIẢI THÍCH
C. PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG PHÁT TÂM ĐẾN ĐẠO
BA MÓN PHÁT TÂM
CHÁNH VĂN
Chữ "Đạo"nói ở đây là chỉ cho đạo quả của chư Phật đã chứng ngộ và cũng là cái chỗ của tất cả các vị Bồ Tát phát tâm tu hành để hướng về.
Sự phát tâm, lược có 3 món: 1. Tín hoàn toàn (Tín thành tựu) mà phát tâm, 2. Hiểu và tu (giải, hạnh) mà phát tâm, 3. Chứng nhập chơn như mà phát tâm.
LƯỢC GIẢI
Luận này có năm chương, trong chương thứ ba, có ba phần: phần đầu giải thích về pháp Đại thừa; phần thứ hai, Ngài Mã Minh đả thông những chấp sai lầm. Sau khi được rửa sạch các chấp sai lầm rồi, hành giả mới phát tâm tu về pháp Đại thừa. Vì thế nên tiếp đến phần thứ ba, Ngài Mã Minh phân biệt hành tướng phát tâm tu về đạo quả Đại thừa.
Đạo quả Đại thừa là nơi chư Phật đã chứng, mà cũng là chỗ các vị Bồ Tát đang hướng về đó.
Sự phát tâm tu về đạo quả Đại thừa, lược chia có ba hạng, từ cạn đến sâu:
1. Mãn địa vị Thập tín (Tín hoàn toàn) phát tâm;
2. Địa vị Tam hiền (Giải: Hiểu, Hành: tu) phát tâm;
3. Địa vị Thập thánh đã chứng nhập chơn như phát tâm.
Chữ "Phát tâm" có hai nghĩa: 1. Lập chí cao rộng, 2. Phát triển tâm tánh, hay phát minh tâm tánh.
CHÁNH VĂN
I. Tín hoàn toàn (thành tựu) mà phát tâm
Hỏi:_ Phải là người thế nào và nhờ tu hạnh gì để thành tựu vị Thập tín, mới phát tâm được?
Đáp:_ Những chúng sanh bất định (không nhất định chánh hay tà), nhờ sức căn lành huân tập đời trước, làm cho họ tin nhơn quả, nên nhàm khổ sanh tử, phát tâm tu thập thiện, để cầu đạo vô thượng Bồ Tát.nhờ được đích thân hầu hạ, cúng dường chư Phật và tu hành trải qua muôn kiếp, nên họ mới đặng thành tựu tín tâm. Do nhơn duyên đó nên được gặp Phật, Bồ Tát dạy mà họ phát tâm; hoặc vì lòng Đại bi, mà họ tự phát tâm; hoặc vì thấy chánh pháp sắp diệt mà muốn duy trì nên họ tự phát tâm.
Những người như thế, được vào hàng chánh định, trọn không thối chuyển. Vì họ đã hiệp với "Chánh nhơn Phật tánh", nên họ được gọi là "giòng giống của Như Lai".
LƯỢC GIẢI
Đoạn này nói về Tín thành tựu phát tâm._Từ Sơ tín cho đến Thập tín thì tín tâm mới hoàn toàn viên mãn nên gọi là "Tín thành tựu". Do tín tâm vững chắc, lập chí nguyện cầu quả Phật vô thượng và phát minh tâm tánh, nên gọi là "Tín thành tựu phát tâm".
Hỏi:_ Hạng người nào, tu hạnh gì, mới đặng hoàn toàn viên mãn vị Thập tín, và làm sao phát tâm?
Đáp:_ Những người bất định chánh tà, hay căn trí chưa nghiêng ngả bên nào (Đại thừa hay Tiểu thừa) nếu gặp Tiểu thừa giáo hoá thì họ thành thinh văn, Duyên giác, nếu gặp Đại thừa giáo hoá thì họ thành Bồ Tát hay Phật. Những người ấy, do nhiều đời có trồng căn lành và bên trong nhờ tánh Phật của họ thúc dục, bên ngoài nhờ chánh pháp huân vào, làm cho họ tin đạo lý nhơn quả, rồi nhàm cảnh trần gian là bể khổ sanh tử, nên phát tâm tu hành cầu đạo giải thoát Niết bàn.
Phát tâm tu hành, phụng sự chánh pháp, hầu hạ Thiện hữu tri thức và cúng dường chư Phật, làm những việc như thế, trải qua một vạn kiếp, hành giả mới viên mãn địa vị Thập tín.
Khi tín tâm đã viên mãn thành tựu rồi, hoặc găp Phật hay Bồ Tát dạy họ phát tâm hoặc do lòng Đại bi thúc dục làm cho họ phát tâm, hoặc thấy chánh pháp suy đồi, muốn duy trì chánh pháp nên họ phát tâm.
Những người được viên mãn vị Thập tín và phát tâm như thế, là đã hiệp với "Chánh nhơn Phật tánh" vào hành "Chánh định", không còn bất định hay thối chuyển nữa, nên họ cũng được gọi là "giòng giống của Như Lai".
CHÁNH VĂN
Có những chúng sanh, từ hồi nào đến giờ, căn lành mỏng ít, phiền não sâu dày, tuy cũng gặp Phật cúng dường, song chỉ cầu phước báo cõi nhơn thiên, hoặc tu theo Nhị thừa, hoặc họ có cầu pháp Đại thừa, nhưng căn tánh chẳng quyết định, tấn thối không chừng; hoặc họ cúng dường chư Phật, mà chưa đầy một vạn kiếp. Những hạng người này cũng gặp nhơn duyên lành để phát tâm (như thấy sắc tướng của chư Phật mà phát tâm, hoặc nhơn cúng dường chư tăng mà phát tâm, hoặc nhơn gặp hàng Nhị thừa dạy bảo mà họ phát tâm, hoặc học với thầy bạn mà họ phát tâm). Nhưng các loại phát tâm này, đều chẳng nhứt định, nếu gặp hoàn cảnh xấu ngược, thì họ thối tâm, hoặc đoạ vào Nhị thừa.
LƯỢC GIẢI
Đoạn trên nói những người tín tâm đã thành tựu, và phát tâm như vậy, thì được vào hàng chánh định, quyết không thối chuyển, vì họ tu đã được một vạn kiếp.
Đoạn này nói, những người phát tâm sau đây, vì tu chưa đầy một vạn kiếp, tín tâm chưa thành tựu, hoặc còn thối chuyển, nên chưa được vào hàng Chánh định. Họ cũng gặp duyên lành để phát tâm, hoặc thấy tướng hảo của Phật mà phát tâm, hoặc nhơn cúng dường chư Tăng mà phát tâm, hoặc gặp Nhị thừa giáo hoá phát tâm v.v...Nhưng vì căn lành mỏng ít, phiền não sâu dày, tuy gặp phật phát tu hành, song chỉ cầu phước báo thiên nhơn, hoặc tu theo Nhị thừa, và nếu gặp Đại thừa thì tâm họ cũng không quyết định, nên khi bị nghịch cảnh, họ thối tâm hoặc tu theo Tiểu thừa tiêu cực.
a. BA MÓN TÂM TRONG VỊ THẬP TÍN
CHÁNH VĂN
Tóm lại, khi tín tâm đã thành tựu thì phát ba món tâm như sau:
1. Trực tâm, nghĩa là tâm trực niệm chơn như
2. Thâm tâm, nghĩa là tâm ưa làm các việc lành
3. Đại bi tâm, nghĩa là tâm muốn cứu khổ các chúng sanh.
LƯỢC GIẢI
Hành giả tu hành phải trải qua một vạn kiếp mới được thành tựu tín tâm. Lúc bấy giờ hành giả phát ra vô số tâm, nhưng tóm lại có ba thứ:
1. Trực tâm, quán thẳng Chơn như pháp tánh
2. Thâm tâm, nguyện làm các việc lành
3. Đại bi tâm, thệ độ tất cả chúng sanh.
Quán chơn như là căn bản của hai hạnh: Tự lợi và lợi tha. Vì quán trong bản thể chơn như có đủ vô lượng công đức, nên cho hành giả ưa tu các pháp lành, để hiệp với tánh chơn như của mình. Hành giả tu hành, khi nào thâm nhập đến chỗ không còn thấy tướng tu nữa, gọi đó là "Thâm tâm".
Vì quán mình và tất cả chúng sanh đồng bản thể chơn như, nên chúng sanh đau khổ tức là mình đau khổ, chúng sanh còn trần luân thì mình chưa được giải thoát an vui nơi cảnh Niết bàn. Vì thế mà hành giả phát tâm Đại bi cứu khổ tất cả chúng sanh.
CHÁNH VĂN
Hỏi:_ Chơn như đã là một thể, tại sao không bảo hành giả trực niệm chơn như, mà lại còn tạm dùng các phương tiện, tu các pháp lành?
Đáp:_ Thí như ngọc ma ni thể chất tuy sáng suốt trong sạch, nhưng còn bị lẫn lộn trong khoáng nhơ bẩn. Nếu người chỉ nghĩ đến tánh chất trong suốt của ngọc, mà không dùng các phương tiện giũa mài v.v...thì quyết định không thể đặng chất ngọc ma ni thuần tịnh.
Cũng thế, chúng sanh tuy sẵn có chất chơn như thanh tịnh, song còn bị vô lượng phiền não làm nhiễm ô. Nếu hành giả chỉ niệm chơn như, mà không dùng phương tiện tu các pháp lành, thì cũng không thể đặng chất chơn như thuần tịnh.
Vì các phiền não nhiễm ô vô lượng, nên hành giả phải tu vô lượng hạnh lành để đối trị. Nếu hành giả tu các pháp lành, thì tự nhiên thuận về với tánh chơn như của mình.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này giải đáp sự thắc mắc của độc giả.
Hỏi:_ Chúng sanh đã sẵn có chất chơn như thanh tịnh, tại sao người tu hành không niệm thẳng chơn như, mà lại còn dùng vô số phương tiện để dẹp trừ phiền não nhiễm ô và tu các pháp lành làm gì?
Đáp:_ Chúng sanh tuy sẵn các chất chơn như thanh tịnh, song còn bị vô lượng phiền não làm nhiễm ô; cũng như ngọc ma ni, tuy chất nó sáng suốt trong sạch, nhưng còn bị lẫn lộn trong khoáng nhơ bẩn. Nếu hành giả trực chỉ quán chơn như, mà không dùng các phương tiện để trừ phiền não và tu các pháp lành, thì chất chơn như thuần tịnh không bao giờ thật hiện được. Cũng như người chỉ nghĩ đến chất ngọc trong suốt, mà không dùng đến các phương tiện như lọc khoáng, giũa mài v.v...thì quyết định cũng không bao giờ thành ngọc mỹ quan được (ngọc bất trác, bất thành khí).
Chúng sanh có vô lượng bịnh phiền não, nên Phật cũng có vô lượng thuốc phương tiện để trị. Nếu muốn hết các bịnh phiền não, trở thành người lành mạnh (Bồ Đề, Niết bàn), tất nhiên hành giả phải uống thuốc phương tiện của Phật. Người diệt trừ phiền não tu các pháp lành là đi ngược dòng trần lao, thuận theo tánh chơn như. Bởi thế nên hành giả phải phát minh ba tâm (Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm) và thật hành bốn phương tiện sau này.
b. BỐN MÓN PHƯƠNG TIỆN
CHÁNH VĂN
Các phương tiện, lược có bốn món:
1. Phương tiện căn bản: Quán tất cả các pháp, tánh vốn vô sanh (không) để lìa các vọng chấp, và nhờ thế mà không mắc vòng sanh tử; Quán các pháp do nhơn duyên hoà hiệp, nên nghiệp quả chẳng mất (có) để khởi tâm đại bi, tu các hạnh lành, cảm hoá chúng sanh, và nhờ thế nên không trụ Niết bàn.
Tóm lại, vì tùy thuận theo tánh vô trụ của chơn như, nên không dính mắc sanh tử và không an trụ Niết bàn.
LƯỢC GIẢI
Trong bốn phương tiện tu hành để nhập chơn như, thì món phương tiện này là căn bản.
Chúng sanh, vọng chấp các pháp thật có, nên tạo ra các nghiệp; rồi bị nghiệp lực kéo dẫn, phải chịu sanh tử luân hồi. Nay hành giả quán "các pháp hư giả, không thật", nên không vọng chấp và không tạo nghiệp; vì nghiệp không tạo, nên không bị sanh tử luân hồi.
Song, nếu hành giả chỉ một bề quán "Không" như thế, sợ e mắc vào bịnh "chấp không", rồi chẳng cần tu hành và hoá độ chúng sanh; như hàng Thinh văn chấp không, ưa vắng lặng (trầm không thú tịch) thích thú cảnh vui Niết bàn của Tiểu thừa.
Bởi thế, hành giả phải quán "do nhơn duyên hoà hiệp, nên các pháp chẳng phải không và nghiệp quả chẳng mất", để khởi tâm Đại bi, tu các hạnh lành giáo hoá chúng sanh. Nhờ quán như thế, nên hành giả không còn "chấp không" và say mê cảnh Niết bàn của Tiểu thừa nữa.
Vì không vướng mắc sanh tử, nên về phần tư lợi hành giả được thành tựu. Và vì không vướng mắc Niết bàn của Tiểu thừa, nên hành giả độ thoát tất cả chúng sanh, hoàn thành hạnh lợi tha.
Không mắc sanh tử, không trụ Niết bàn là thuận theo đức tánh vô trụ của chơn tâm; như thế gọi là "Trực tâm". Trực tâm là phương tiện căn bản của các hạnh, tự giác và giác tha. Khế kinh chép: "Tâm thắng (không mắc hai bên) là Đạo tràng" (trực tâm thị Đạo tràng).
CHÁNH VĂN
2. Phương tiện ngăn ngừa các việc ác: Biết xấu hổ, ăn năn, chừa lỗi, ngăn ngừa tất cả điều ác không cho phát sanh và tăng trưởng. Hành giả phải làm như thế để tùy thuận theo đức tánh thanh tịnh của chơn như.
LƯỢC GIẢI
Đoạn này nói về phương tiện thứ hai là "không làm việc ác". Người biết xấu xa hổ thẹn thì không làm các điều tội lỗi; biết ăn năn hối hận những tội đã làm, thì tội lỗi ấy không tăng trưởng nữa. Bởi thế nên "hổ thẹn" là yếu tố ngăn chận việc ác phát sanh; còn "ăn năn hối hận" là yếu tố làm cho tội lỗi đã sanh, không tăng trưởng nữa.
Đoạn văn trước nói 3 tâm: 1. Trực tâm, 2. Thâm tâm, 3. Đại bi tâm. Đoạn này nói phương tiện thứ hai, thuộc về Thâm tâm, tức là ưa làm các việc lành. Lành có hai thứ: 1. Bỏ dữ (chỉ thiện) gọi là lành; 2. Làm lành (tác thiện) cũng gọi là lành.
Món phương tiện thứ hai này thuộc về loại "lành bỏ dữ"; món phương tiện thứ ba sau này, thuộc về loại "lành làm lành". Hai loại lành này đều thuộc về Thâm tâm cả. Tóm lại, vì tuỳ thuận theo đức tánh thanh tịnh của Tâm chơn như, nên hành giả phải xa lìa các tội lỗi.
CHÁNH VĂN
3. Phương tiện làm cho phát sanh hoặc nuôi lớn căn lành: Siêng năng lễ bái và cúng dường Tam bảo, tùy hỉ việc lành, tán thán công đức và thỉnh Phật trụ thế chuyển pháp luân. Do tâm kính mến Tam bảo rất thuần hậu, làm cho đức tin được thêm lớn nên hành giả mới dốc chí cầu đạo vô thượng. Lại nhờ sức gia hộ của Tam bảo, nên các nghiệp chướng được tiêu trừ và căn lành không thối chuyển. Vì tùy thuận theo đức tánh "vô chướng ngại" của chơn như, nên hành giả phải xa lìa các si mê chướng ngại.
LƯỢC GIẢI
Phương tiện thứ ba này là "làm các việc lành", tức là loại "lành tác thiện" (làm lành). Loại lành này cũng nương nơi thâm tâm mà khởi. Hành giả làm cho phát sanh những việc làm chưa sanh, và nuôi lớn những việc làm đang có. Siêng năng tu hành và cúng dường Tam bảo v.v...là trồng căn lành; còn kính mến Tam bảo v.v...là nuôi lớn đức tin. Hành giả lại nhờ thần lực của Tam bảo gia hộ, nên tiêu trừ được các nghiệp chướng và làm cho đức tin được vững chắc.
Lễ bái thì xa lìa được cái bịnh ngã mạn, tán thán thì xa lìa được cái bịnh hủy báng, tùy hỷ thì xa lìa được cái bịnh tật đố v.v...
Tóm lại, vì tùy thuận theo đức tánh sáng suốt vô ngại của Tâm chơn như, nên hành giả phải xa lìa các si mê chướng ngại.
CHÁNH VĂN
4. Phương tiện đại nguyện và bình đẳng: Hành giả vì tùy thuận tánh không đoạn tuyệt của chơn như và bình đẳng không hai, chẳng phân bỉ thử, rốt ráo vắng lặng, rộng lớn phổ biến của chơn như. Nên hành giả phát đại nguyện, cùng tận đời vị lai, hoá độ tất cả chúng sanh, đều được rốt ráo chứng vô dư Niết bàn, không còn sót một chúng sanh nào.
LƯỢC GIẢI
Phương tiện thứ tư là "cứu khổ các chúng sanh". Món phương tiện này do tâm đại bi phát sanh.
Hành giả tùy thuận theo các đức tánh: bất tuyệt, rộng lớn, bình đẳng, cứu cánh tịch diệt của Tâm chơn như, nên lập lời thệ nguyện rộng lớn, hóa độ hết thảy chúng sanh, đều được cứu cánh Niết bàn, không hạn định thời gian và không bao giờ dừng nghỉ.
Tóm lại, Bồ Tát tùy thuận theo các đức tánh tốt của tâm chơn như mà tu các hạnh lành, dẹp trừ các cấu nhiễm, để trở về Tâm chơn như.
c. TÁM TƯỚNG THÀNH ĐẠO
CHÁNH VĂN
Bồ Tát nhờ phát tâm này, nên được thấy Pháp thân một phần nào. Do thấy được Pháp thân nên Bồ Tát tùy theo nguyện lực của mình, mà hiện ra tám tướng sau đây, để làm lợi ích cho chúng sanh:
1. Từ cung trời Đâu suất giáng sanh
2. Nhập thai
3. Ở trong thai
4. Sanh ra
5. Xuất gia
6. Thành Đạo
7. Tghuyết pháp
8. Nhập Niết bàn
Song các vị Bồ Tát này, chưa chứng pháp thân, vì còn các nghiệp hữu lậu từ quá khứ vô lượng kiếp đến nay, chưa có thể đoạn trừ được. Vị Bồ Tát do sức đại nguyện tự tại mà thọ sanh; tuy không phải bị nghiệp lực kéo dẫn, song vẫn còn khổ vi tế. Trong Khế kinh, Phật nói: "Có vị Bồ Tát thối tâm bị đoạ vào ác thú". Nói như vậy, là để cho những vị sơ tâm (chưa phải chính thức Bồ Tát) còn giải đãi trên đường tu hành, lo sợ, mà phát tâm dõng mãnh tiến tu, chứ không phải thật thối đoạ.
Lại nữa, các vị Bồ Tát này, từ khi phát tâm về sau, mặc dù nghe nói phải trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp (vô số kiếp), siêng năng tu hành khổ hạnh, mới chứng được Niết bàn; nhưng cũng không nhu nhược và lo sợ đoạ vào Nhị thừa, vì họ đã hiểu chắc và tin rằng: Tất cả các pháp từ hồi nào đến giờ, tánh nó vốn là Niết bàn.
LƯỢC GIẢI
Bồ Tát khi đã viên mãn Thập tín, phát ba món tâm trên rồi (Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm) thì vào Thập trụ, thấy được Pháp thân thanh tịnh, nên có thể thị hiện tám tướng cao cả, để làm lợi ích cho các chúng sanh, mà tâm không nhu nhược và sợ thối đọa; bởi vì các vị Bồ Tát này đã biết các pháp từ xưa đến nay vốn là Niết bàn.
Các vị Bồ Tát Thập trụ này, vì các nghiệp hữu lậu chưa hết, nên sanh ở đâu, cũng còn khổ vi tế về "phần đoạn sanh tử". Nhưng sự thọ sanh cùa các Ngài là do đại nguyện để hoá độ chúng sanh, chứ không phải bị nghiệp lực kéo dẫn mà thọ sanh.
Lại nữa, các vị Bồ Tát này không bao giờ đoạ vào ác thú, thối thất Bồ Đề. Nhưng trong kinh Bổn nghiệp Phật nói: "các vị Bồ Tát từ Thất trụ về trước còn thối đọa, nếu từ một kiếp đến mười kiếp không gặp Thiện hữu tri thức". Phật nói như vậy là để khủng bố các vị Sơ tâm Bồ Tát còn giải đãi trong sự tu hành.
P6 P7