2.Trăm trứng
Lạc Long ngồi trên một ghềnh đá cao, nhìn xuống biển. Chàng thấy một đoàn ngư dân đang kéo lưới trên bãi cát. Thân hình họ rám nắng, khỏe mạnh và xinh đẹp. Nghe lời chàng, họ đã vẽ hình giao Long trên ngồi để mỗi khi lặn xuống nước, các loài thuỷ quái biết họ cũng có thân tộc với loài rồng mà không làm hại. Thật không còn gì đẹp bằng một buổi sáng trên bờ đại dương. Chân trời màu xanh lam nối tiếp với mặt biển màu xanh thẳm. Mặt trời đã lên tới một con sào. Ánh nắng rực rỡ đổ xuống mặt biển, những vầng hào quang đỏ thắm, chói lọi. Vài ngư dân hạ thủy một chiếc thuyền đánh cá. Loài người quả thật là thông minh và quả cảm. Sự thông minh này họ đã thừa hưởng được của bên mẹ vốn là dòng dõi tiên nữ. Sự quả cảm kia, họ đã thừa hưởng được của bên cha, vốn là dòng dõi loài rồng, dòng dõi của chàng.
Hoàng tử long cung được mọi người trong vương quốc Âu Lạc gọi là Lạc Long. Không biết theo năm tháng dưới thủy cung, thì chàng đã vắng mặt dưới đó bao lâu rồi. Chàng chỉ biết rằng từ khi cùng với tiên nữ Âu Cơ phối hợp, bảy ngàn năm đã đi qua trên mặt đất. Âu Cơ vẫn còn xinh đẹp như hồi nào vì nàng là tiên nữ, không chịu luật già chết như sinh vật sinh trưởng trên mặt đất. Nhưng trong bảy ngàn năm, loài người đã sinh sôi nảy nở và trở nên đông đảo.
Trong buổi đầu của đời sống văn minh loài người, Âu Cơ và chàng đã có mặt để dạy dỗ và che chở. Vương quốc nay đã đông đảo. Nhiều thế hệ người đã lớn lên và mất đi, nhưng dân chúng vẫn còn tiếp tục suy tôn tiên nữ Âu Cơ là nữ chúa và lấy hình chim Lạc của nàng làm biểu tượng giống nòi. Tất cả đều lấy chữ Lạc làm họ. Chính chàng, chàng cũng được dân chúng gọi là Lạc Long. Những lúc thân mật họ gọi chàng là bố.
Bảy nghìn năm đó. Đối với đời sống dưới thủy cung, có lẽ thời gian đó chỉ dài chừng năm bảy tháng nhưng ở trên mặt đất xinh đẹp này, bao nhiêu biến chuyển và tiến bộ đã xảy ra trong khoảng thời gian đó. Chàng hồi tưởng lại ngày đầu tiên bước chân lên mặt đất, theo dòng sông ngọt tìm tới Âu Cơ. Chàng nhớ tới trận mưa đầu tiên mà chàng đã làm rơi trên mặt đất bao la. Nước mắt của tiên nữ Âu Cơ là nguồn sống của cây cỏ và mọi sinh vật khác trên mặt đất. Đó là một chất nước ngọt ngào, uống vào mát gan mát ruột. Có nhiều khi chàng nghĩ Âu Cơ chính là mặt đất tươi mát xanh rờn, chứa trong lòng nàng bao nhiêu con suối ngọt không bao giờ khô cạn.
Cuộc gặp gỡ giữa chàng và Âu Cơ là một cuộc gặp gỡ mầu nhiệm. Âu Cơ là sự xinh đẹp. Âu Cơ là nguồn sống. Âu Cơ là đất mát đầy sinh lực mầu nhiệm. Từ lúc hai người gặp nhau, chàng thấy tình yêu xuất hiện. Ăn ở với nhau không lâu, thì nàng hạ sanh được một bọc trứng.
Chàng nghĩ nếu cả hai người đều cùng là loài rồng thì chắc hẳn trứng rồng sẽ nở con rồng. Nhưng đây chắc không phải vậy. Đây là cuộc phối hợp giữa rồng và tiên nữ. Cuộc phối hợp này sẽ đi đến kết quả nào, chàng phải chờ đợi nhiều ngày mới biết.
Họ ở với nhau trong một cái động ở trên một ngọn núi gọi là núi Long Trang. Để đàn con sau này được hấp thụ tinh hoa của đất trời, họ đem bọc trứng ra để ở ngoài đồng cỏ xanh mát.
Trong chín năm, ngày nào hai người cũng đi ra ngoài động thăm bọc trứng. Họ ngồi trên cỏ mướt, dưới ánh thiên nga, hoặc trong nắng ấm dưới ánh quạ vàng, lắng nghe tiếng cỏ cây, lắng nghe tiếng gió rì rào mầu nhiệm. Ngôn ngữ của họ phần lớn được làm bằng sự yên lặng, nhưng sự thông cảm giữa hai người luôn được thiết lập dễ dàng. Chàng có thể đọc ý nàng khi nhìn vào hai mắt đẹp. Và những bàn tay chàng, khi đưa lên để diễn tả bằng hình tượng, đã là một thứ ngôn ngữ nhiệm màu, như hình tượng rồng vàng uốn khúc trên không trung. Một buổi sáng kia, gió hòa nhạc trong cây. Khi hai người ra tới đồng cỏ xanh thì bọc trứng đã nở lớn như một ngọn đồi. Bọc trứng nở ra: một trăm chiếc trứng trắng như tuyết nằm trên cỏ xanh. Khi nắng lên ấm, những chiếc trứng bắt đầu nở. Từ mỗi chiếc trứng, một hài nhi bụ bẫm sinh ra.
Hai người ngạc nhiên và vui mừng hết sức. Họ tới ẵm những chú bé và cô bé hồng hào xinh đẹp trên tay. Một trăm đứa bé mà đứa nào cũng đưa tay về phía hai người. Lạc Long và Âu Cơ đem các con về động, dùng các loại cỏ cây mềm dịu như tơ để nuôi cho các con, và săn sóc từng đứa. Tinh hoa của đất trời màu nhiệm quá, sinh lực của tiên và rồng phong phú quá, bầy trẻ thơ không cần bú mớn mà đứa nào cũng lớn mau như cỏ hoa ngoài đồng nội.
Âu Cơ để gần hết ngày giờ ra săn sóc một trăm đứa bé xinh xắn của nàng. Nâng niu từng đứa trong hai tay, nàng nhìn ngắm không chán kết quả của Tình Yêu. Nàng thấy được làm mẹ là một diễm phúc lớn. Nàng yêu mặt đất, yêu cây cỏ, yêu sự sống mới. Thỉnh thoảng nàng vẫn nghĩ đến chị em tiên nữ của nàng, nhưng nỗi mong nhớ không còn mãnh liệt như trước. Các tiên nữ chưa bao giờ trở lại, có lẽ họ đã không được quyền trở lại trên mặt đất. Nàng nhớ chị em nhưng nàng chấp nhận sự sống trên mặt đất, xem mặt đất là quê hương của nàng.
Lạc Long không nghĩ đến chuyện về thủy phủ. Chàng ở lại trên mặt đất, xây dựng cuộc sống yêm đềm bên Âu Cơ. Bọn trẻ đã lớn, thân hình cũng như trí tuệ phát triển một cách mau chóng lạ thường. Chàng dạy cho con biết nói. Chàng phối hợp tiếng nói của trời Phạm Thiên và tiếng nói của nước Long Hải để làm thành ngôn ngữ dạy cho các con. Chàng dạy các con gọi mình là Bố. Và, cũng như ngón tay lớn trong một bàn tay được gọi là ngón tay cái, Hoàng tử dạy các con gọi Âu Cơ bằng một cái tên gọi rất đẹp: Cái. Các con gái của nàng, thường gọi nàng một cách nũng nịu: “Cái ơi, cho chúng con lên đồi hái hoa, Cái nhé?”
Cùng với Âu Cơ, hoàng tử dùng ngôn ngữ mới đặt tên cho những sự vật trên mặt đất và những sự vật đã sinh trưởng trong rừng sâu hoặc dưới đồng nội. Họ gọi những vùng cây cao mọc chi chít sát nhau là rừng. Họ gọi những vùng đất vĩ đại ngất trời là núi. Họ gọi quạ vàng là Mặt Trời, thiên nga là Mặt Trăng. Họ cũng gọi các hiện tượng thiên nhiên và các loài chim để đặt tên cho một trăm đứa con của họ: núi, nước, rừng, trăng, mai, lê, đào, lý…. Một trăm đứa con nhưng hai người vẫn nhớ được tên của từng đứa.
Khi các con đã lớn, họ dạy cho các con biết vào rừng hái quả, biết đẽo gọt những dụng cụ bằng đá để săn bắn trong rừng, biết đan những cái lưới thô sơ để bắt tôm cá trong sông. Chàng nhớ lại một đêm lạnh lẽo kia Âu Cơ nằm mộng thấy một thần nhân sáng trên ngời, trên tay cầm một con quạ vàng tóe tung những lửa. Lửa cháy làm nàng cảm thấy ấm áp. Thần xưng là A Nhi. Thần chỉ vào những dụng cụ bằng đá và nói:
- Khi nào lạnh lẽo thì các ngươi có thể gọi ta. Ta là con của Mặt trời gửi xuống giúp các ngươi. Ta ở trong những tảng đá này.
Thức dậy, Âu Cơ đã kể cho chàng nghe giấc mộng. Cả hai người đến lật những dụng cụ bằng đá lên xem nhưng không thấy gì. Chợt nhớ ra rằng trong khi đẽo gọt những dụng cụ này, chàng và các con trai chàng đã làm léo ra những tia sáng giống hệt như nàng đã thấy trong mộng. Âu Cơ bèn nhắc chàng. Hoàng tử đập những tảng đá vào nhau tóe lửa. Họ dùng bùi nhùi để bắt lửa. Từ đó họ có lửa để nấu nướng và sưởi ấm.
Chàng dạy con đốn cây làm những chiếc nhà sàn để ở. Trời rét, chàng bảo Âu Cơ đi tước vỏ cây, đập nát xe lại thành sợi và đan thành những tấm áo choàng. Các con gái của Âu Cơ đều giúp nàng, và trong một thời gian không lâu, mọi người đều có áo mặc. Họ bứt cỏ ống, phơi khô, dệt thành chiếu để lót trên sàn nhà nằm cho ấm. Cá tôm chài lưới được và cầm thú săn bắn được, nếu ăn không hết thì họ dạy đem phơi khô. Nhưng công việc mà Âu Cơ thích hơn cả là trồng lúa nếp. Họ lấy dụng cụ bằng đá để cày cấy, gieo hạt lúa nếp. Ở những khu đất thấp, họ mở đường mương để lấy nước tưới ruộng. Hoàng tử dạy các con bỏ gạo nếp trong ống tre, lấy bùn trát lại, và quẳng vào đống lửa. Sau khi bùn đã cháy, chẻ ống tre ra, họ có cơm nếp rất thơm và rất ngon. Cứ như thế sự sống mầu nhiệm đã diễn ra trên mặt đất. Hàng ngàn năm đã đi qua. Thế hệ các con đã lớn, thế hệ các cháu ra đời. Rồi thế hệ các cháu đã lớn, chuẩn bị cho những thế hệ kế tiếp. Loài người tuy là con rồng cháu Tiên, nhưng mỗi con người chỉ sống trên mặt đất khoảng vài trăm năm. Có những con người tập phép trường sinh theo cha mẹ, cũng trở thành bất tử về sống ở thủy cung hoặc lên tiêu dao trên những cảnh nước non thanh tú không có dấu vết sinh diệt. Phần đông đều sống cuộc đời vài trăm năm trên trái đất và khi chết thì linh hồn đi về cõi Âm, nơi đó thỉnh thoảng những người sống cũng được viếng thăm.
Những trẻ em khi lớn lên, được dựng vợ gả chồng. Mỗi khi có một cuộc gả cưới như thế, chú rể và cô dâu được các anh chị và xóm làng đem tặng rất nhiều cơm nếp. Nếu một gia đình nào muốn gả chồng cho con gái thì dùng muối để đến nhà trai làm lễ hỏi. Đến ngày cưới, chú rể được rước về nhà cô dâu và vĩnh viễn thuộc về gia đình này. Hai vợ chồng mới được ở một phòng riêng. Lễ hợp cẩn rất đơn giản: hai vợ chồng mới cùng ăn cơm nếp với nhau: Muối dùng trong lễ hỏi tượng trưng cho sự mặn mà, và cơm nếp ăn trong lễ hợp cẩn tượng trưng cho sự keo sơn bền chắc. Ở những đám cưới lớn, người ta còn đem tới tặng bánh làm bột cây quang lang và cây soa đồng. Tất cả những tập tục này, chàng nhớ, đều do Âu Cơ dạy bảo. Các cặp vợ chồng này không sinh ra những bọc trứng nữa. Họ sinh ra mỗi lần một hài nhi bé bỏng. Buổi đầu bà chúa Âu Cơ dạy họ lấy lá chuối tươi lót cho đứa bé nằm và cách thức nuôi dưỡng, bú mớm.
Trước kia, vì muối là một thức hiếm, Âu Cơ dạy các con lấy rễ gừng để làm muối. Sau này, chàng đã dạy các con phơi nước biển cho khô để làm muối. Nhờ có muối, họ làm được đủ thứ mắm và nước mắm để dành. Trong buổi đầu, Âu Cơ cũng đã dạy cho các con những khúc múa và những bài hát. Bây giờ, có những đêm dân chúng trong vương quốc tổ chức những cuộc múa hát sáng đêm. Những đêm múa hát thường được tổ chức tưng bừng quanh một đống lửa lớn. Nhạc khí đầu tiên được phát minh là trống, làm đơn sơ bằng gỗ và da thú vật. Những người tham dự, lớn hay bé, đều trang sức trên đầu bằng những chiếc lông chim trắng để tự nhận là dòng giống chim Lạc. Đệm theo tiếng trống tưng bừng là tiếng chày đá giã gạo đều đều. Từng cặp hai người, một trai và một gái, cầm những chiếc chày dài bằng đá cao tới vai, phía trên có trang sức lông chim. Họ giã chày vào một cái cối đá, tiếng giã thình thịch theo nhịp của những người đang múa hát xung quanh đống lửa.
Các thế hệ sau đó đã khám phá ra chất đồng, và thay thế những chiếc trống gỗ đơn sơ bằng những chiếc trống đồng, âm thanh vang như sấm động.
Tiếng hát của dân chài từ bãi biển vọng lên, làm Lạc Long chú ý nhìn xuống, trong lưới, hàng ngàn con cá bạc lấp loáng dưới ánh mặt trời. Ngư dân vừa đánh được một mẻ cá lớn. Bỗng nhiên, Lạc Long thấy cánh tay phải rung động. Chàng giật mình. Đúng rồi, đây là dấu hiệu phụ vương chàng, vua của loài rồng, từ thủy phủ gọi. Chàng biết đã tới thời hạn phải về thủy cung để lên ngôi Long Vương. Phụ vương chàng đã đến lúc muốn ẩn cư tu luyện và muốn trao ngôi báu cho chàng. Đã lâu quá, chàng không về thăm nơi cung điện. Lạc Long xao xuyến khi nghĩ đến lúc phải từ giã mặt đất để trở về dưới nước.
Có một bàn tay đặt nhẹ trên vai chàng. Lạc Long nhìn lên. Chàng thấy Âu Cơ đã đến và đứng tự bao giờ trên ghềnh đá. Nàng hỏi, tay vẫn để trên vai Lạc Long:
- Chàng suy nghĩ gì vậy?
Lạc Long đứng dậy, cầm tay nàng:
Phụ vương dưới thủy cung gọi ta về, ta phải đi ngay, nàng ở lại bảo vệ các con. Ta về thủy cung chịu lễ truyền ngôi, rồi sẽ trở lên sớm.
- Chàng cho em về cùng được không?
- Trời tròn, đất vuông, nước và lửa tương khắc. Nàng là giống tiên, ta là giống rồng. Tuy cuộc phối hợp chúng ta rất đẹp đẽ trên mặt đất này, nhưng ta không thể lên thăm cõi trời Phạm Thiên, cũng như nàng không thể xuống thăm thủy phủ. Ta ao ước được mời nàng xuống thăm cung điện dưới nước, chỉ tiếc là nàng không xuống được đấy thôi.
- Thiếp cũng biết điều đó. Nhưng sau này các con của chúng ta, loài người, có thể xuống thủy cùng được không?
Các con chúng ta, tuy thuộc về giống tiên, nhưng chúng cũng thuộc về giống rồng, vì vậy có thể xuống thăm thủy cung. Tuy vậy, nếu một trai một gái cùng đi sẽ dễ dàng, ít xung khắc hơn. Sau khi đã sắp đặt công việc dưới ấy xong xuôi, ta sẽ trở lên. Trong trường hợp cấp bách, muốn gọi ta, nàng hãy cho hai đứa xuống thủy cung tìm, người nào cầm trong tay vật này là có thể đi tới cung điện của ta, không sợ nguy hiểm.
Nói xong, Lạc Long nhả ra trên tay một viên ngọc sáng ngời, trao cho Âu Cơ. Chàng nói tiếp:
- Phụ vương lại giục nữa rồi, ta phải đi ngay mới được.
Từ ghềnh đá, chàng cầm tay Âu Cơ đưa nàng xuống bãi cát trắng. Trời đã đứng bóng; ngư dân đã về xóm. Lạc Long ngước nhìn bầu trời xanh bao la. Trời xanh quá. Trưa im lặng. Trong chiều sâu của không gian, chàng thấy bảy năm qua mau như một giấc mộng. Chàng cầm tay Âu Cơ, nhìn nàng trong hai mắt một hồi lâu. Và bỗng chàng cúi xuống hôn trên hai má nàng, rồi nghiêng mình biến thành một con cá nhỏ, lội vào biển xanh. Âu Cơ đứng ngẩn ngơ một hồi. Bỗng nàng ngước mắt nhìn ra biển xanh và gọi lớn tên chàng:
- Nãga! Nãgarãja
Nhưng Lạc Long đã đi. Chàng đã đi xa. Đáp lại lời gọi của nàng, chỉ có tiếng sóng biển mỗi lúc mỗi trở thành rào rạt.