7.Bánh chưng
Ngày tết đã đến, các Lạc Hầu, Lạc Tướng, Quan Lang và Mỵ Nương hôm nay được mời vào hoàng cung cùng với thân thích của họ để xem vua Hùng gói bánh chưng và làm bánh dầy cúng Tết. Ngày mai là ngày mùng một.
Vua Hùng vương đệ nhị là một ông vua rất vui tính. Sở dĩ vua có được nhiều người hiền tài ra giúp vua làm việc nước cũng nhờ đức tính hoan hỉ ấy. Vua cũng rất là độ lượng nữa: rất nhiều người lỗi lầm đã nhờ đức độ lượng ấy mà cải hóa và trở nên những người dân tốt. Vua sửa sang pháp độ, thiết lập nhiều thuần phong mỹ tục, làm cho nếp sống người Văn Lang càng ngày càng thanh nhã, sáng đẹp và nhân hậu thêm. Ai cũng biết là chính do quyết định của vua mà dân Văn Lang biết ăn cau trầu và dùng cau trầu trong các lễ cưới xin và thù tạc. Miếng trầu trở nên quan trọng và cần thiết; miếng trầu khiến cho không khí giao tiếp giữa mọi người trở nên vui tươi, đằm thắm và mặn mà hơn lên. Câu chuyện của hai người nhờ có miếng trầu trở nên đậm đà; thiếu miếng trầu hình như là thiếu sự đằm thắm: câu chuyện có thể trở nên lạt lẽo. Vì vậy, người ta nói: miếng trầu là đầu cây chuyện và ngạc nhiên thấy những tục lệ mới được vua Hùng đặt ra làm cho cuộc sống tươi thắm và đáng yêu hơn lên.
Đã năm sáu năm nay, dân chúng bắt chước vua Hùng làm bánh chưng và bánh dầy mỗi năm để cúng tổ tiên Lạc Long. Tục lệ này đã phổ biến khắp xứ. Nhà nào cũng đã biết làm bánh Chưng và bánh Dầy. Nhưng người ta đồn: bánh chưng do chính tay vua Hùng gói mới là bánh chưng đẹp. Các Lạc Hầu và Lạc Tướng tâu lại với vua lời đồn đãi ấy của dân chúng. Vua Hùng cười. Ngài mời các Quan Lang, các Mỵ Nương, các Lạc Hầu và Lạc Tướng cùng thân quyến họ tới dự một cuộc vui trong cung và chính ngài sẽ gói và nấu bánh Chưng trước mặt mọi người. Nhưng ngài ra điều kiện: những người tham dự phải ở lại cho đến khi bánh làm xong và nấu chín. Mọi người được yêu cầu có mặt trong cung từ giờ tan chầu buổi chiều để cùng ăn cơm với vua trước khi dự vào cuộc vui.
Các em bé được tham dự rất lấy làm sung sướng. Chính những cháu nhỏ còn được ẵm trên tay cũng được phép đến dự cuộc vui. Những em bé đã lớn đều mặc áo đẹp và đi hài cỏ mới.
Khi những người khách đầu tiên đến thì Hoàng hậu và Mỵ Nương Thanh Dung cũng đã sắp đặt xong mọi việc. Mỵ Nương Thanh Dung là công chúa yêu nhất của Hùng Vương. Dung nhan nàng diễm lệ không kém gì dung nhan của một tiên nữ. Cùng với mẹ, nàng đã trang hoàng cung điện rất tráng lệ trong dịp lễ đầu năm này. Tay nàng ôm một quả trầu sơn đỏ; khách nào tới nàng cũng mở nắp quả để mời trầu. Còn với các em bé nàng đem theo kẹp dừa và bánh chuối của nàng làm ra để đãi các em. Bọn trẻ tíu tít quanh nàng như một bầy chim.
Khách đã đến đông đủ, mỗi người đều có ghế ngồi. Mọi người đều ăn trầu. Ai nấy mặt mày rất tươi và câu chuyện nở như bắp rang. Đây đó trong sảnh đường có những chiếc ống nhổ xòe miệng bằng đồng sáng loáng. Các ông các bà thỉnh thoảng lại kê miệng nhổ nước cốt trầu vào những ống nhổ cao lớn ấy.
Bổng có tiếng của cận vệ vọng lên:
Đức vua Hùng ngự giá.
Mọi người đều đứng dậy. Trẻ em cũng im phăng phắc. Từ cửa ngoài, Hùng Vương bước vào phòng, theo sau là một vị Lạc Hầu phụ tá. Vua mặc áo đại triều rất đẹp, trên ngực có thêu rồng. Chiếc mũ của vua lóng lánh châu ngọc kết thành hình chim Lạc. Áo vua màu vàng, chân vua đi hài đỏ. Vua đưa hai tay mời mọi người:
Xin mời các vị ngồi xuống, cứ tiếp tục chuyện trò vui vẻ như bình thường.
Mọi người tuân lệnh. Không khí trong sảnh đường vui nhộn trở lại, nhưng có một vài người đưa mắt theo dõi cử chỉ của vua Hùng. Ngài đi khắp sảnh đường, hỏi thăm từng Lạc Hầu, Lạc Tướng, nói chuyện với từng phu nhân, vuốt tóc từng em bé. Giọng ngài ôn tồn và hòa nhã. Cuối cùng ngài đến ngồi ở ghế dành cho ngài nơi giữa sảnh đường. Thức ăn được quân hầu mang ra từ nhà bếp ngự. Đây là bữa ăn đơn giản chỉ gồm có một món xôi đậu phụng và một món cháo. Đức vua cũng dùng cùng một món như tất cả mọi người.
Cơm xong, thị vệ dọn ra giữa sảnh đường một bàn dài, trên đó có các vật dụng làm bánh được trình bày sẵn sàng. Khách đến quan sát thì cũng chỉ thấy những vật liệu thông thường: lá dong và lá chuối rất xanh, gạo nếp còn nguyên những hạt dài vút sạch và để ráo nước, nhân bánh bằng các thứ đậu màu vàng đã được làm sẵn. Những vật liệu này, ai cũng đã biết, là để dùng làm bánh chưng cúng Tết; ai cũng chỉ thao thức muốn học cách gói bánh khéo của vua mà thôi.
Bỗng thấy thị vệ khiêng ra giữa sảnh đường một chiếc thùng lớn, và thiết lập bếp lửa ngay tại giữa gian phòng rộng bao la. Hỏi ra mới biết vua Hùng định luộc bánh chưng ngay tại giữa sảnh đường. Bếp lửa đốt lên; không khí càng trở nên ấm áp tươi vui. Mùa đông ở Phong Châu khá lạnh.
Vua Hùng xuất hiện bên cạnh bếp lửa, lần này ngài đã thay áo, gọn gàng và giản dị. Mọi người yên lặng khi ngài mở lời:
Các Lạc Hầu, Lạc Tướng, các vị phu nhân, các anh, chị, em, các con và các cháu: hôm nay ta mời quý vị đến đây để kể lại một câu chuyện xưa, câu chuyện đã làm cho ta và quý vị trở nên thân thiết như ngày hôm nay. Làm thức ăn để cúng giỗ tổ tiên, việc đó người nội trợ nào cũng biết làm, cũng có thể làm; cho đến làm bánh Chưng và bánh Dầy, quý vị cũng đã biết. Ta biết có thể ta không làm bánh đẹp và ngon được bằng các bà nội trợ ngày nào cũng quen tay với việc bếp núc; sở dĩ hôm nay ta mời quý vị là cốt để bày tỏ một tình cảm mà ta tin rằng đất nước chúng ta và dân tộc chúng ta cần phải bồi đắp và duy trì: đó là sự yêu thương.
“Hồi ta còn bé, vì mẹ ta nghèo, nên tuy là con vua mà ta chẳng được sống đầy đủ về mặt vật chất như các anh chị khác. Mẹ ta lại không cần đến sự giàu sang nên không hề than nghèo với vua cha… Bà lại còn dạy ta nên sống đơn giản để có thì giờ tìm học những gì hay và đẹp trong cuộc đời.
“Một hôm vua cha ra lệnh cho tất cả Quan Lang là người nào cũng phải biện ra những phẩm vật để đem đến hoàng cung cúng giỗ tổ tiên, dặn rằng phẩm vật phải được chế biến và soạn sửa rất chu đáo để tỏ lòng hiếu kính và biết ơn những vị đã khai sáng ra trăm họ. Phẩm vật phải được mang tới hoàng cung sáng mồng một Tết.
“Có cả thảy hai mươi vị Quan Lang, con trai của vua, mà có một vài vị hiện đang có mặt hôm nay trong sảnh đường này, dự vào hàng Lạc Hầu và Lạc Tướng, đang cùng góp sức với ta để giữ gìn việc nước.
“Ta là người Quan Lang nghèo nhất, lại không ở gần cung điện, cho nên được lệnh rất trễ. Thêm nữa, mẹ ta vừa mới mất, nên ta không có ai để thưa hỏi về những việc liên hệ tới triều đình.
“Ta nghĩ: vua cha ra lệnh này giống như là bắt con cháu dự vào một cuộc thi; hễ ai biện được phẩm vật quý giá nhất và ngon lành nhất để cúng dâng tổ tiên là người ấy được ban khen, chưa chừng còn được truyền ngôi báu cho nữa. Ta hơi buồn cười, tự bảo mình chẳng nên dự vào cuộc thi này, một cuộc thi có tính chất khoe khoang sự giàu sang và sự khéo léo về nghề nấu nướng. Quốc gia có đẹp đẽ và hùng mạnh hay không là nhờ những người có lòng, có đức, có hiểu biết, chớ không phải là nhờ những người có nhiều tiền bạc có thể sắm đủ các thứ trân cam mỹ vị và có tài làm bếp khéo. Nghĩ vậy ta bèn bỏ đi chơi, rồi chiều về nhịn đói mà ngủ, trong lòng hơi buồn vì cuộc thi mà vua cha đã đặt ra. Ta nghĩ dù ta có hải vị quý giá vào bậc nhất, ta cũng sẽ chẳng tham dự vào cuộc thi đầu năm tại triều đình.
“Nhưng đêm ấy trong giấc mộng, ta thấy mẹ ta. Mẹ ta cười rất hiền, và nói với ta: “Này Liêu, con đã hiểu lầm ý phụ vương. Cha con không đòi hỏi sự giàu sang, cũng không đòi hỏi một tài nấu bếp khéo. Cha con chỉ đòi hỏi một tấm lòng, và con thì mẹ biết con có tấm lòng đó.”
“Ta định hỏi thêm ý mẹ, nhưng mẹ chỉ mỉm cười, một tay chỉ vào đồng lúa, và một tay chỉ lên trời xanh, không nói thêm gì. Rồi ta tỉnh dậy.
“Ta suy nghĩ lại lời mẹ, và thấy rằng mẹ ta có lý. Một ông vua thông minh và hiền đức như cha ta, há lại không có chủ tâm sâu xa trong cuộc thi tài mà bề ngoài có vẻ tầm thường như thế? Ta liền nghĩ: mở nước, dựng nước là công trình của tổ tiên, làm sao để có thể tỏ bày lòng biết ơn đó đối với tổ tiên, đồng thời biểu lộ ý chí muốn giữ gìn và bảo vệ đất nước mà tổ tiên đã gây dựng ra? Không lẽ bỏ tiền mua sơn hào hải vị là có thể làm được việc đó?
“Ta bỗng nhớ lại dáng điệu của mẹ ta, một tay trỏ vào đồng lúa nếp xanh rờn, một tay trỏ vào bầu trời xanh ngắt. Đúng rồi, đồng lúa vuông vắn kia là biểu hiện của đất, vòm xanh kia là biểu hiện của trời. Trời thì che, đất thì chở, đó là vốn liếng của tổ tiên để lại. Ta phải chứng tỏ được là ta có khả năng tiếp nhận và bảo vệ gia sản đó của cha ông.
“Ta ngồi bên bờ ruộng, trầm ngâm hết buổi sáng. Đến giữa trưa ta bỗng thấy tâm tư bừng sáng. Ta đứng dậy, đi về nhà, đem gạo nếp ra chọn lấy toàn những hạt nếp còn nguyên vẹn và ngâm nước. Ta cũng đi ngâm các thứ đậu. Và ta đi ra rừng, hái rất nhiều ngọn lá dong to bản, thật xanh. Ta muốn làm một thứ bánh hình vuông, tượng trưng cho đất, gói bằng lá xanh, tượng trưng cho màu cây cỏ xanh tươi trên mặt đất. Bánh làm bằng gạo nếp, là thứ thực phẩm quý nhất, nhưng cũng là phổ thông nhất trong dân gian, ai cũng có và nghèo đến mấy cũng có. Ở giữa bánh, ta để nhân đậu và các thứ hành thơm, tượng trưng cho những sản phẩm mà đất mẹ cung hiến cho con người. Ta gói bánh lại rất vuông, rồi dùng lạt tre để cột bánh. Xong, ta bỏ vào nồi lớn và luộc cho chín.
“Trong khi nồi bánh đang sôi, ta đi nấu cơm nếp. Nấu chín, ta bỏ cơm vào cối gỗ, lấy chày gỗ giã thật nát, thật nhuyễn. Sau đó ta lấy cơm nếp ra, nắn thành bánh hình tròn đẹp, tượng trưng cho trời. Ta cắt lá tròn để lót ở dưới cho xinh đẹp. Cả hai thứ bánh đều làm bằng những vật liệu không tốn kém, những vật liệu cần thiết cho sự sống của dân chúng Văn Lang.
“Khi bánh chín, ta bóc thử một chiếc để xem. Màu xanh của lá đã in một lớp xanh trên màu trắng của nếp. Tét bánh ra bằng một sợi lạt tước nhỏ, ta thấy nếp và nhân bánh đưa lên một mùi thơm rất quen thuộc và ngon lành. Ta biết cái bánh này có thể tượng trưng cho đất mẹ một cách xứng đáng, và rất hài lòng. Khi cầm đến chiếc bánh tròn màu trắng, ta thấy nó đã cứng chắc lại. Màu trắng tinh tuyền của nếp và hình thái tròn trịa của bánh làm cho bánh có tính cách tinh khiết tròn đầy của bầu trời. Ta chọn mỗi thứ mười chiếc, để riêng ra rồi đi ngủ.
“Đêm ấy, ta lại nằm mơ thấy mẹ ta. Bà không nói gì, chỉ nhìn ta mỉm cười, có vẻ bằng lòng.
“Sáng hôm sau, ngày mồng một Tết, ta mặc áo chỉnh tề, bỏ bánh vào hai chiếc rổ, và gánh vào triều chào vua cha. Ta thấy các anh ta nhiều vị đã đến trước, và trình bày lên nhiều loại phẩm vật rất là tinh tươm. Ta nghĩ ta là đồ khùng, đã đem đến những phẩm vật có thể làm cho mọi người phì cười khi trông thấy.
“Nhưng giờ cúng giỗ đầu năm đã đến. Ta cũng liều dâng các thứ bánh của ta lên bàn thờ và lùi xuống để cho Phụ Hoàng bắt đầu mở đầu cuộc hành lễ.
“Sau buổi lễ, người ta mang xuống từng phẩm vật để cho Vua Cha thẩm xét, như đã định trước. Đức Phụ Hoàng đã dừng lại tỷ mỷ hỏi về lai lịch của từng phẩm vật một. Có thứ chỉ có thể tìm ra trong rừng sâu núi cao; có thứ chỉ có thể kiếm được dưới lòng sông đáy biển. Khi phụ vương thấy những chiếc bánh ngài hỏi của ai, và ta thưa là do chính tay ta làm lấy. Ngài hỏi tỷ mỷ về những chi tiết, cách làm ý nghĩa của hình vuông, hình tròn, và ngài nhìn ta rất lâu, khiến ta phát thẹn. Ta ăn mặc chẳng được tươm tất lắm, có đâu được như các vị Quan Lang khác. Ngài bảo cắt hai thứ bánh cho ngài nếm thử, và gật đầu khen ngon. Thế rồi ngài tiếp tục đi khảo sát các phẩm vật khác, tới đâu cũng hỏi thăm tỷ mỷ.
“Sau đó một tháng, ta được chiếu chỉ của ngài triệu vào cung. Ngài bảo ta là người có lòng, có hiếu, và có khả năng giữ gìn đất nước nối nghiệp tổ tiên, và sẽ được ngài truyền ngôi giữ nước. Ta ngạc nhiên hỏi lại vì sao. Ngài bảo chính những chiếc bánh Chưng và bánh Dầy mà ta làm và đem dâng cúng hôm Tết đã giúp cho ngài đi đến quyết định chọn lựa ta để trao truyền ngôi báu. Ngay chiều hôm ấy ngài ban chiếu cho thần dân biết về quyết định truyền ngôi. Trong các hàng Quan Lang, không có vị nào tỏ ý gì ganh ghét.
“Bây giờ đây, trong lúc chúng ta có mặt giữa chốn cung điện thì trên khắp nước Văn Lang nhà nào nhà nấy đang chuẩn bị cúng lễ tổ tiên. Ta biết nhà nào cũng bắt chước nấu bánh Chưng và làm bánh Dầy để sáng mai này dâng cúng. Ta đã ban chiếu về việc làm bánh Chưng và bánh Dầy, cũng như ta đã ban chiếu về việc dùng cau trầu trong các hôn lễ. Mấy năm nay, việc dâng cúng bánh Chưng bánh Dầy đã trở nên tập tục.
“Tuy nhiên ta muốn các khanh hiểu rằng chính lòng hiếu kính, niềm tin tưởng, sự yêu thương đất nước và ý nguyện bảo vệ đất nước mới chính là những phẩm vật quý giá nhất mà ta có thể dâng cúng lên tổ tiên. Làm bánh Chưng và bánh Dầy dù đẹp hoặc ngon đến mấy nhưng nếu không đủ lòng hiếu kính, niềm tin tưởng, sự yêu thương và ý bảo vệ thì cũng vẫn chưa đẹp và chưa ngon như ta mong ước.
“Vậy tối nay, các lạc hầu, lạc tướng, các anh chị, các con và các cháu hãy cùng ta, đem lòng yêu thương mà gói bánh chưng, giã bánh dầy để sáng mai này các phẩm vật xứng đáng dâng lên tổ tiên của giống nòi. Ta tin rằng chúng ta sẽ làm được những chiếc bánh rất đẹp.”
Vua Hùng nói xong, mời mọi người đến gói bánh. Ai cũng cảm động, ai cũng thấy mình cùng chung một giống nòi, một đất nước. Vua tôi đều cười vang trong không khí cởi mở của một gia đình lớn.
Năm ấy, tất cả các lạc hầu, lạc tướng, Quan Lang, Mỵ Nương và thân quyến đã ở lại trong hoàng cung suốt đêm. Họ đã đợi cho bánh Chưng chín, vớt đem lên bàn thờ để dâng cúng một lần với bánh Dầy. Mọi người đã cùng với đức Vua thân yêu của họ cúng lễ giao thừa trong niềm hân hoan và tin tưởng ở tương lai đất nước.