8.Gieo hạt ngày trước
An Tiêm nắm tay con trai là bé Hảo chạy chơi trên bãi cát mịn. Hảo mới lên sáu tuổi. Hai cha con còn chờ mẹ của Hảo từ trên chòi xuống để cùng đi thăm vườn dưa.
Chạy một lát mệt, Hảo bắt bố ngồi xuống trên cát. Đứa bé hỏi bố:
Chừng nào thuyền của người ta mới trở lại nữa, hả bố?
Thuyền đây là thuyền buôn ngoại quốc. Từ ngày hai vợ chồng An Tiêm và đứa con ra ở đảo này, cách đây đã một năm, chỉ mới có một chiếc thuyền buôn ghé đảo. Lúc đó Hảo được gặp thật nhiều người; những người khách buôn nói tiếng nói rất lạ chỉ có bố nó mới hiểu được, còn má nó và nó chẳng hiểu được trời đất gì hết. Tuy vậy nó rất mong có thuyền ghé lại đảo để trông thấy nhiều người. Ở đảo chẳng có ma nào hết, chỉ trừ bố mẹ nó và nó.
Đây là chiếc đảo nhỏ cách của biển Nga Sơn khoảng ba trăm hải lý. Trước khi vợ chồng An Tiêm tới hải đảo, không có ai đặt chân tới đây làm gì, bởi trên đảo đã không có nguồn lợi gì mà cũng không có dân cư sinh hoạt. Hơn một tháng trước đây có một thuyền buôn ngoại quốc ghé tới để sửa chữa cột buồm bị gãy, vì thế mà gia đình nhà An Tiêm mới có dịp được thấy mặt, người trên đất liền.
An Tiêm không trả lời con vì chàng đang nghĩ tới mẹ của đứa bé mà hai cha con đang trông đợi. Nàng đang may nốt những đường chỉ cuối cùng để hoàn tất chiếc áo của Hảo, trước khi xuống bãi cùng hai cha con đi thăm vườn dưa say trái. Nàng là con nuôi của vua Hùng Vương thứ ba. Nàng tên là Oanh và cũng được tước hiệu Mỵ Nương của các công chúa con vua. Vậy mà bây giờ nàng phải gánh chịu một cuộc đời vất vả cơ cực vì chàng, vì sự “cứng cổ cứng đầu” của chàng. Thế nhưng chưa bao giờ nàng tỏ ý trách móc chồng. Nàng khuyến khích và an ủi An Tiêm khiến chàng cảm thấy có thể chịu đựng hết mọi gian lao để có thể đi tới thành công. Hai vợ chồng đã bị vua Hùng đày ra đảo sống trơ trọi với đứa con sáu tuổi. An Tiêm nhớ lại quãng đời thơ ấu của chàng, và cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, không trách cứ ai, giận dỗi ai. Đối với vua Hùng, người đã đày gia đình chàng ra hải đảo này, chàng cũng không thấy có niềm oán hận.
Hồi bảy tuổi, nghĩa là vào tuổi con chàng bây giờ, An Tiêm đã mất cả cha lẫn mẹ. Chàng được cho đi theo thuyền buôn để học nghề thủy thủ. Chàng thông minh, lanh lợi nên được mọi người yêu mến. Thuyền buôn thường đem theo vải, lụa, thuốc men, đường, v.v… đến bán tại cửa biển nước Văn Lang và mua trầm, quế, hạt đồi, hạt tiêu, v.v… để mang về. An Tiêm được đi theo những người chủ thuyền lên ra mắt vua Hùng. Vua thấy An Tiêm diện mạo đoan chính, lại nghe nói chàng mồ côi cha mẹ, nên đem lòng thương yêu, nuôi làm con nuôi. Lớn lên, An Tiêm được vua đem Oanh gả cho làm vợ. Chàng nói tiếng Văn Lang giỏi như người Văn Lang. An Tiêm được vua tin dùng trong công việc giao tiếp với những nhà buôn ngoại quốc thành thạo. Chàng giao thiệp rộng rãi, lại có địa vị trong triều đình, nên trở nên giàu có rất mau chóng. Tuy vậy chàng không bao giờ nhận những tiền của phi nghĩa, chỉ muốn phát triển cơ nghiệp trên khả năng và sức làm việc của mình mà thôi. Vậy mà cũng có người ganh ghét chàng, cho rằng sở dĩ chàng làm nên cơ nghiệp đó là hoàn toàn nhờ dựa vào vua, chứ riêng chàng, thì chẳng có tài cán gì hết.
Một hôm vua Hùng triệu chàng vào cung hỏi:
An Tiêm, có người nói với ta rằng con là một người vô ơn bạc nghĩa, bởi vì con đã từng nói với họ: con có địa vị ngày hôm nay không phải vì do ta giúp đỡ và gây dựng. Có phải vậy chăng?
An Tiêm tâu vua:
Thưa vua cha, con của vua cha không phải vô ơn bạc nghĩa. Con biết con đã nhờ ơn đức của cha mẹ nuôi mới có được ngày nay. Nhưng con nói rằng: những gì con hưởng trong kiếp này cũng là do những việc làm của con trong kiếp trước. Con nhớ hồi nhỏ đã được học bài kệ sau bằng tiếng Phạn:
Muốn biết hạt đời trước
Thì xem trái đời này
Muốn biết trái đời sau
Thì xem hạt đời này
Con còn nhớ mãi bài kệ đó và hiện giờ con vẫn còn tin ở luật nhân quả.
Vậy con có tin rằng sở dĩ con được gặp ta và được ta nuôi nấng trong đời này là vì con đã gây hạt giống tốt trong đời trước của con chăng?
Tâu Vua Cha, con nghĩ như vậy.
Vua Hùng suy nghĩ một lát rồi nói:
Vậy giả sử ta cho con ra một cái đảo vắng ngoài khơi mà ở với vợ con, lại không cho mang con theo một người giúp việc nào, thì con nghĩ con có thể sống được hay không? Nếu quả đời trước con có gieo hạt tốt thì đời này, dù ở ngoài đảo hoang một mình, con cũng có thể gặt hái những trái đẹp, có phải vậy không?
Tâu Vua Cha, con nghĩ như vậy.
Vậy thì ta cho con, vợ con và con con ra ở ngoài đảo Sa Châu, ngoài khơi cửa biển Nga Sơn trong một thời gian một năm, thử xem con có chứng minh được cái thuyết “hạt trái” của con hay không.
An Tiêm cương quyết thưa:
Con xin vâng mệnh.
Thế là vợ chồng chàng bị đày ra hoang đảo. Vua Hùng ra lệnh cho chàng khởi hành trong ngày kế đó. Ngày mai, khi An Tiêm cùng vợ con lên thuyền đi đày, chàng nhận thấy trên thuyền có một số lương khô đủ để gia đình chàng sống trong vòng bốn tháng ngoài đảo hoang. Thuyền đưa gia đình chàng lên tới bến cát mỏm đảo. Sau khi thủy thủ khiêng xuống những thùng lương khô của vua ban, thuyền lập tức lên buồm chạy trở lại đất liền.
Oanh đã khóc như mưa sau giờ phút ấy. Nhưng An Tiêm không nao núng. Chàng bảo nàng:
Em chớ nên lo. Nếu chúng ta đã gieo hạt tốt thì chúng ta cũng sẽ gặt trái tốt. Còn nếu chúng ta đã gieo hạt xấu thì dù than khóc đến mấy chúng ta cũng không thay đổi được tình trạng. Chúng ta còn bàn tay và trí khôn; thế nào chúng ta cũng sống. Với lại em không nghe người ta nói: “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hay sao?
Nhưng Oanh chỉ khóc có một lần ấy mà thôi. Nàng vốn có đức tin nơi chồng.
Hai người khuân những thùng lương tìm chỗ cất giấu cho khỏi ướt, và chặt cây gác thành một túp lều để trú ngụ. Tối hôm ấy trời mưa, mái lều còn đơn sơ, nên mọi người bị ướt, nhưng ngày mai lại, An Tiêm cùng vợ đã chặt nhiều lá kè và lợp được hai mái lều rất kín đáo.
Họ ăn lương khô, và đi thám thính quanh đảo. Không có một loài trái cây nào có thể giúp cho gia đình sinh sống. Không có một loại rau nào, cũng không có một loại hạt nào có thể thay thế cho hạt lúa hạt đậu. Hai người vẫn kiên tâm tìm kiếm. Họ tìm ra được phương pháp chài lưới. Họ tìm được đá lửa. Họ tìm được cách phơi khô hoặc un khói những cá tôm đánh được. Điều họ ao ước nhất là có một ít hạt giống để có thể trồng tỉa và gặt hái.
Đến tháng tư, lương khô đem theo gần cạn, họ chỉ mới tạo được thêm một ít tôm và cá khô, bù lại được phần nào cho sự tiêu thụ. Đang lo lắng thì bổng một buổi trưa họ khám phá ra một đám dây leo xanh lá to bản mọc trên bãi cát phía tây hoang đảo. Tới gần họ nhận ra đấy là một loại dưa rất lạ. Họ khám phá thấy đám dưa đã có mấy mươi trái, trái nào cũng lớn bằng hai hoặc ba trái dừa. Mừng rỡ, họ bổ thử một trái ra xem; ruột dưa đỏ như son, hạt dưa đen tuyền.
Nếm thử, An Tiêm thấy mùi vị thơm tho ngọt ngào, ăn vào sảng khoái cả tinh thần. An Tiêm đưa cho Oanh và Hảo cùng nếm. Ba người ăn hết cả một trái dưa lớn. Trời nắng chang chang, nhưng ba người cảm thấy mát mẻ và khỏe khoắn lạ thường.
An Tiêm nhớ lại cách đây mấy tháng, một hôm có mấy con chim hạc trắng từ phương Tây bay lại. Chúng kêu mấy tiếng khiến chàng và vợ chàng chú ý, và nhả xuống sáu bảy cái hạt đen xuống bãi cát. Ai ngờ đó là những hạt dưa quý báu, một loại dưa trước đây chưa bao giờ chàng được nếm qua, ở đất nước chàng sinh ra cũng như ở đất nước chàng nhận làm quê hương.
Chiều hôm đó hai vợ chồng tìm một khoảng đất rộng có lẫn nhiều cát, và đi gieo những hạt dưa đen nhánh.
Thì vài hôm sau đó, chiếc thuyền buôn Tây Vực ghé vào đảo để chữa lại cột buồm gãy. Một trận bão đã xảy ra lúc giữa đêm vào khi thuyền đi ngang qua đảo. Cột buồm gãy, thủy thủ tìm cách cho thuyền ghé bến. An Tiêm đã nói chuyện với những người ngoại quốc da ngăm ngăm đen. Chàng giúp họ vật liệu để sửa chữa cột buồm, giúp họ làm đầy nước ngọt các bình chứa nước trong thuyền. Chàng hái một trái dưa lạ, bổ ra và cắt thành nhiều khoanh để khoản đãi các thủy thủ.
Người nào cũng tỏ vẻ ngạc nhiên khi được nếm dưa. Ai cũng công nhận đây là một thứ dưa thơm ngon lạ kỳ. Họ hỏi chàng còn nhiều dưa chăng? Chàng nói còn độ ba chục quả. Họ đề nghị đổi gạo, đậu, bột, muối, đường và các thứ khác để lấy dưa. Chàng vui mừng nhận lời ngay.
Chàng nói với họ rằng nếu bốn tháng sau họ ghé đến, chàng có thể giao cho họ ít ra là năm trăm quả dưa. Họ có thể đem ngũ cốc và các hóa phẩm khác tới đổi dưa để đem bán. Họ nhận lời. Chàng trân trọng dặn họ kỳ sau nhớ đem cho chàng hạt giống lúa nếp và đậu xanh. Sau khi nhận lời giao kết, họ căng buồm ra đi.
Giờ đây ruộng dưa đã chín, đúng vào thời kỳ mà thuyền trở lại. Không những chàng đã trồng thêm dưa, chàng lại đã trồng thêm một ít lúa mạch và đậu đỏ, những thứ hạt mà chàng đã đánh đổi được trong chuyến ghé đầu tiên của chiếc thuyền buôn. Dù thuyền không trở lại thì gia đình chàng cũng đã nắm được tương lai sống còn trong tay rồi. Chàng lại có phương tiện đánh cá; chàng có thể canh tác trồng lúa mạch và đậu đỏ; chàng lại có bao nhiêu dưa trong ruộng. Chàng thấy tương lai mình đã được bảo đảm. Chàng nhìn con và mỉm cười nói với vợ:
Ta sẽ đặt tên cho thứ dưa lạ này. Ta sẽ lấy tên con để đặt cho dưa. Phải rồi, con ta là ngày mai, mà chính trái dưa này đã bảo đảm ngày mai cho chúng ta, nên ta sẽ đặt cho dưa này là “dưa Hảo”.
Oanh đồng ý với chồng. Nàng nhớ nhà, nhớ nước, nhớ người. Nhưng nàng tin tưởng nơi chồng. Nàng cũng tin như chàng là một ngày kia vợ chồng nàng và con nàng sẽ được trở về đoàn tụ với xã hội. Với cuộn vải đổi được của thuyền buôn, nàng may áo cho chồng, cho con và cho nàng.
Bố ơi, chừng nào thuyền mới ghé nữa, hở bố?
An Tiêm giật mình. Chàng vẫn chưa trả lời câu hỏi của con, vì nhìn ra biển, chàng thấy một chấm đen hiện ra ở chân trời. Chàng đứng dậy đưa tay che trán để nhìn cho rõ.
Trong khi đó, Oanh chạy như bay từ trên đồi xuống, tay cầm mảnh áo đang khâu dở của Hảo. Nàng kêu lên:
Thuyền đến! Thuyền đến!
Hảo cũng đứng dậy nhìn theo bố mẹ ra phía cửa biển. Chiếc thuyền càng lúc càng thấy lớn dần. Cả ba người đưa tay lên vẫy.
Chẳng mấy chốc chiếc thuyền ghé bến. An Tiêm gặp những người quen cũ. Chàng mời họ lên đảo, cùng đi thăm vườn dưa. Những trái dưa nằm khuất trong lá, tròn trĩnh trên đất cát mịn, da xanh màu ngọc thạch. Họ hái dưa, sắp lại thành đống lớn và đếm được trên sáu trăm trái.
Kỳ đấy, An Tiêm đổi được hạt giống, nhiều loại thực phẩm và vật dụng cần thiết khác. Tất cả chàng đều khiêng vào cất chứa trong một động đá.
Những ruộng dưa trên đảo từ ngày đó trở đi càng ngày càng được mở rộng. Đất trên đảo rất thích hợp với loại dưa này. Thuyền buôn từ đây cứ mỗi tháng ghé một lần để mua dưa và bán hàng hóa. Dưa rất được ưa chuộng, có bao nhiêu bán hết bấy nhiên.
Chẳng bao lâu, An Tiêm đã làm được nhà cửa to lớn, khai khẩn được nhiều đất đai để trồng lúa tỉa đậu, nuôi được nhiều loại gia súc và thuê được từ đất liền một vài người ra giúp việc. Một lần, chàng gửi theo thuyền buôn hai mươi quả dưa thật lớn, thật đẹp, để dâng lên vua Hùng, nhắn rằng đấy là quà của con nuôi vua từ đảo gửi về tiến ngự.
Bận việc triều chính ngày này sang ngày khác, vua Hùng đã quên đi việc An Tiêm bị đày. Thấy những quả dưa màu xanh như ngọc và nghe nhắc tới An Tiêm, vua bổng giật mình. Hơn bốn năm trời đã đi qua từ khi vua đày An Tiêm ra đảo Sa Châu. Lập tức ngài ra lệnh cho thuyền ra đảo để xem tình trạng của An Tiêm ra sao. Sau khi nghe nói An Tiêm đã lập nên sự nghiệp phồn thịnh ngoài đảo, vua lẩm bẩm một mình:
Những lời nó nói về hạt và trái ba đời quả là đúng. Đây không phải là sự vong ơn mà chỉ là một niềm tin của con người nơi trách nhiệm hành động của mình.
Vua bèn ra lệnh triệu gia đình An Tiêm về, phục cho chức cũ. Từ đó giống dưa Hảo được gieo khắp xứ Văn Lang. Và câu chuyện về nhân quả tiền thân của An Tiêm được mọi người nhắc lại mỗi khi ăn dưa. Lâu ngày, người ta đọc dưa Hảo trại đi thành dưa Hấu.
Đảo hoang mà ngày xưa An Tiêm ở được gọi là đảo Sa Châu An Tiêm, và những người ngoại quốc lần đầu tiên được ăn dưa ở phía bãi Tây của đảo thì gọi là dưa Tây, và gọi An Tiêm là “bố mẹ của dưa Tây”, danh xưng của chàng được truyền tụng và tồn tại với giống dưa vỏ xanh, ruột đỏ thắm và hạt đen nhánh như răng mới nhuộm của các cô thiếu nữ.