Vô ngã vị tha
Ngày đăng: 10:48:46 27-02-2019 . Xem: 1684
Phát xuất từ tình thương vô bờ bến đối với con người và các loài hữu tình phải gánh chịu vô vàn nỗi khổ niềm đau trong vòng xoay của sinh tử luân hồi, Đức Phật đã xuất gia, từ bỏ cuộc sống quyền uy hạnh phúc, Ngài dấn thân trên con đường cát bụi để tìm phương cách giải thoát cho tất cả muôn loài.
Ngài đã thực tập các pháp do nhiều Đạo sư chỉ dạy, trong đó có hai tư tưởng triết học chính yếu thống trị xã hội Ấn Độ bấy giờ là Veda và Upanishad. Truyền thống Veda tôn sùng một Thượng đế toàn năng hay Brahma nắm quyền sáng tạo và an bài số phận cho con người cùng mọi vật trong toàn vũ trụ. Upanishad chủ trương có một Atman, nghĩa là tự ngã hay một linh hồn bất tử trong mỗi con người.
Đức Phật không chấp nhận lý giải về sự hiện hữu một đấng tạo hóa toàn quyền sinh sát. Ngài cũng không nhìn nhận một Atman bất tử và bác bỏ quan niệm trí tuệ con người có được là nhờ Thượng đế mặc khải qua Atman. Theo Ngài, những quan niệm nói trên tiêu hủy trí tuệ và khả năng của con người.
Đức Phật dạy rằng con người là chủ nhân ông của chính mình và con người đứng đầu trong các loài, vì con người mới có điều kiện để tự giải thoát cho mình và cho mọi người ra khỏi trầm luân sinh tử.
Vì vậy, Ngài đã rời bỏ các Đạo sư và đến Bồ Đề Đạo Tràng. Sau 49 ngày tư duy thiền quán, Đức Phật đã nhận ra ý nghĩa đích thực của pháp vô ngã hoàn toàn trái ngược với chủ trương có một bản ngã thường hằng bất biến theo Bà-la-môn giáo.
Đức Phật dạy rằng con người hiện hữu do nhân duyên kết hợp của ngũ uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Sắc thân con người từ mới sanh đến già nua cho thấy rõ ràng thân tứ đại luôn sanh diệt, thay đổi, không phải là Ta. Kế đến là cảm giác, nghĩ tưởng, hành sử trong tâm và hiểu biết (Thọ, tưởng, hành và thức) cũng biến đổi liên tục, không ngừng, nên không phải là Ta. Nói chung, ngũ uẩn không phải là Ta, kinh gọi là ngũ uẩn giai không, tức không thực, hay không có thực thể. Vì vậy, ngũ uẩn không thực là ý nghĩa của vô ngã theo đạo Phật.
Và ý thức các pháp đều vô ngã, vì do nhân duyên sanh, nên hành giả không chấp ngã, tức bỏ được tâm chấp có Ta và vật sở hữu của Ta, thì không còn phiền não, không tham lam, không bực tức, không si mê.
Sau khi quán ngũ uẩn giai không thuần thục, hành giả đạt đến trạng thái tịch diệt tướng là Không tướng, tức Niết-bàn, bấy giờ tất cả các pháp là Không, hoàn toàn vắng lặng. Nhưng người ta thường lầm tưởng rằng tướng vắng lặng là không có gì. Hiểu như vậy là sai, vì rơi vào đoạn kiến và thấy tất cả là không, khiến người ta dễ làm việc ác.
Thực sự đạt được pháp Không đúng nghĩa là đạt đến sở đắc mà Tổ Huệ Năng diễn tả rằng trong “Không” có tất cả gọi là “Chân không diệu hữu”, nên Ngài khẳng định rằng “Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài”. Thật vậy, trong cái “Không” còn có trí tuệ quý báu vô cùng là Diệu pháp. Vì vậy, có trí tuệ thấy tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh thì người có trí biết kết hợp các duyên tốt để tạo thành các pháp tốt là tạo thiên đường, Niết-bàn, Cực lạc an vui hoàn toàn. Vì vậy, khi thực chứng pháp chân không, tức có trí tuệ quán sát được nhân duyên tốt đẹp giữa mình và mọi người, hành giả mới giúp người cứu đời được, gọi là vị tha vô ngã.
Từ sự chứng ngộ lý nhân duyên sanh các pháp, sau khi thành đạo, Đức Phật đã quán nhân duyên giữa Ngài và năm anh em Kiều Trần Như cùng ba anh em Ca Diếp, Ngài đến khai thông bế tắc cho họ. Không phải Ngài liều mạng tới chỗ mà họ không thèm tiếp Ngài, thậm chí sẵn sàng hại Ngài, nhưng Phật nắm chắc rằng trí lực, đạo lực và phương tiện lực của Ngài sẽ cảm hóa được tâm ác của họ, giúp họ nhận ra sai lầm và sống theo pháp giải thoát thực sự của Phật chỉ dạy. Không bao giờ Phật bảo người khác làm liều, hy sinh thân mạng vì bất cứ việc gì, nên điều quan trọng, Phật dạy phải có trí tuệ thấy được việc lợi ích cho mình và cho người thì mới làm, thấy người nên tiếp xúc mới tiếp xúc. Vì vậy, Phật độ ba anh em Ca Diếp thuộc hàng ngoại đạo cực ác, nhưng không phải ngoại đạo nào Phật cũng độ. Nhờ biết kết hợp những người có duyên với Ngài, Phật mới xây dựng được thế giới thanh tịnh, an lành tuyệt đối ngay từ bước chân du hóa đầu tiên, với 1.250 Thánh đệ tử. Trái lại, hành động sai lầm vì tham vọng, không kết hợp với người tốt, lại kết hợp với người xấu, chắc chắn phải bị phiền lụy, bất an, khốn khổ.
Đức Phật thể hiện rõ nét việc cứu giúp người, tức vị tha có trí tuệ chỉ đạo. Vì vậy, mặc dù Ngài chỉ dạy tinh thần bình đẳng và cũng thực hiện sự bình đẳng qua việc giáo hóa Sunita làm nghề hốt phân đắc A-la-hán, nhưng rõ ràng chỉ có một Sunita đắc La-hán, còn các anh hốt phân khác làm thế nào dạy họ thành A-la-hán được. Hoặc chỉ có một kỹ nữ Ma Đăng Già được Phật giáo hóa đắc A-la-hán. Nếu thấy vậy rồi kiếm người lôi thôi để độ, làm sao độ được, còn bị nhiều liên lụy phiền não. Phật thấy người có duyên mới tới độ và Ngài cũng phải tới đúng lúc, chẳng hạn đối với sát nhân Vô Não, Phật cũng phải chờ đúng thời điểm tâm trí của ông tràn ngập máu người vô tội do ông sát hại khiến ông mới hồi tâm và buông dao được. Nếu bắt chước làm như vậy, chắc hẳn khó sống với những tên sát nhân diên cuồng.
Các pháp do nhân duyên sanh và người có trí tuệ thấy nhân duyên tốt thì đến giúp đỡ mới thành công. Vì vậy, Phật dạy rằng thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Phật. Còn người vô minh, bực tức, sai lầm chỉ kết hợp duyên xấu sẽ tạo thành thế giới phiền muộn, khổ đau cho chính mình.
Trên căn bản quán nhân duyên đúng như thật, Đức Phật nhận thấy giữa Ngài và các loài có mối tương quan tương duyên cộng tồn rất mật thiết và sự hiện hữu tốt hay xấu đều do mình quyết định. Vì vậy, Phật quyết định xây dựng con người vì muôn loài, nói cách khác, xây dựng người là xây dựng mình, cứu giúp người chính là cứu giúp mình. Lo cho chúng sanh tốt, trong đó có mình cũng được hưởng sự tốt đẹp; đó chính là ý nghĩa đúng đắn của vị tha vô ngã.
Không phải có cái ngã riêng biệt, rồi lo giữ cái của mình dẫn đến làm xấu cuộc đời thì cuộc đời xấu, mình cũng phải bị xấu lây. Thí dụ ngày nay loài người khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm trái đất này bị ô nhiễm gây ra nhiều bệnh trầm trọng và rút ngắn thọ mạng của con người. Vì mục đích vị kỷ, chỉ muốn làm giàu cho bản thân, nhiều người đã hủy hoại môi trường sống, trong đó có sự sống của họ tất yếu cũng không thể thoát khỏi tác động xấu. Thiết nghĩ thể hiện pháp vị tha vô ngã trong thời hiện đại đồng nghĩa với bảo vệ môi trường sống của muôn loài và cũng là thiết thực bảo vệ sự sống của chính mình.
Tóm lại, vì tầm quan trọng của sự hiểu biết đúng đắn, Đức Phật dạy rằng cần phải có trí tuệ thấy đúng như thật mới thấy được việc đáng làm, người đáng giúp. Từ đó, mới có thể dấn thân tu Bồ-tát đạo, làm lợi ích cho nhiều người, thể hiện đúng đắn pháp vị tha vô ngã.
Chính Đức Phật đã trải qua vô số kiếp thành tựu hạnh Bồ-tát, mới tạo được phước đức trí tuệ vẹn toàn và Ngài sử dụng phước đức trí tuệ để cứu độ chúng sanh muôn loài một cách viên mãn. Tinh thần vị tha vô ngã của Đức Phật vẫn mãi là ngọn đuốc sáng soi đường dẫn bước cho nhân loại sống thanh bình, hòa hợp, an lạc, hạnh phúc trên khắp năm châu bốn biển.
Ngài đã thực tập các pháp do nhiều Đạo sư chỉ dạy, trong đó có hai tư tưởng triết học chính yếu thống trị xã hội Ấn Độ bấy giờ là Veda và Upanishad. Truyền thống Veda tôn sùng một Thượng đế toàn năng hay Brahma nắm quyền sáng tạo và an bài số phận cho con người cùng mọi vật trong toàn vũ trụ. Upanishad chủ trương có một Atman, nghĩa là tự ngã hay một linh hồn bất tử trong mỗi con người.
Đức Phật không chấp nhận lý giải về sự hiện hữu một đấng tạo hóa toàn quyền sinh sát. Ngài cũng không nhìn nhận một Atman bất tử và bác bỏ quan niệm trí tuệ con người có được là nhờ Thượng đế mặc khải qua Atman. Theo Ngài, những quan niệm nói trên tiêu hủy trí tuệ và khả năng của con người.
Đức Phật dạy rằng con người là chủ nhân ông của chính mình và con người đứng đầu trong các loài, vì con người mới có điều kiện để tự giải thoát cho mình và cho mọi người ra khỏi trầm luân sinh tử.
Vì vậy, Ngài đã rời bỏ các Đạo sư và đến Bồ Đề Đạo Tràng. Sau 49 ngày tư duy thiền quán, Đức Phật đã nhận ra ý nghĩa đích thực của pháp vô ngã hoàn toàn trái ngược với chủ trương có một bản ngã thường hằng bất biến theo Bà-la-môn giáo.
Đức Phật dạy rằng con người hiện hữu do nhân duyên kết hợp của ngũ uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Sắc thân con người từ mới sanh đến già nua cho thấy rõ ràng thân tứ đại luôn sanh diệt, thay đổi, không phải là Ta. Kế đến là cảm giác, nghĩ tưởng, hành sử trong tâm và hiểu biết (Thọ, tưởng, hành và thức) cũng biến đổi liên tục, không ngừng, nên không phải là Ta. Nói chung, ngũ uẩn không phải là Ta, kinh gọi là ngũ uẩn giai không, tức không thực, hay không có thực thể. Vì vậy, ngũ uẩn không thực là ý nghĩa của vô ngã theo đạo Phật.
Và ý thức các pháp đều vô ngã, vì do nhân duyên sanh, nên hành giả không chấp ngã, tức bỏ được tâm chấp có Ta và vật sở hữu của Ta, thì không còn phiền não, không tham lam, không bực tức, không si mê.
Sau khi quán ngũ uẩn giai không thuần thục, hành giả đạt đến trạng thái tịch diệt tướng là Không tướng, tức Niết-bàn, bấy giờ tất cả các pháp là Không, hoàn toàn vắng lặng. Nhưng người ta thường lầm tưởng rằng tướng vắng lặng là không có gì. Hiểu như vậy là sai, vì rơi vào đoạn kiến và thấy tất cả là không, khiến người ta dễ làm việc ác.
Thực sự đạt được pháp Không đúng nghĩa là đạt đến sở đắc mà Tổ Huệ Năng diễn tả rằng trong “Không” có tất cả gọi là “Chân không diệu hữu”, nên Ngài khẳng định rằng “Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài”. Thật vậy, trong cái “Không” còn có trí tuệ quý báu vô cùng là Diệu pháp. Vì vậy, có trí tuệ thấy tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh thì người có trí biết kết hợp các duyên tốt để tạo thành các pháp tốt là tạo thiên đường, Niết-bàn, Cực lạc an vui hoàn toàn. Vì vậy, khi thực chứng pháp chân không, tức có trí tuệ quán sát được nhân duyên tốt đẹp giữa mình và mọi người, hành giả mới giúp người cứu đời được, gọi là vị tha vô ngã.
Từ sự chứng ngộ lý nhân duyên sanh các pháp, sau khi thành đạo, Đức Phật đã quán nhân duyên giữa Ngài và năm anh em Kiều Trần Như cùng ba anh em Ca Diếp, Ngài đến khai thông bế tắc cho họ. Không phải Ngài liều mạng tới chỗ mà họ không thèm tiếp Ngài, thậm chí sẵn sàng hại Ngài, nhưng Phật nắm chắc rằng trí lực, đạo lực và phương tiện lực của Ngài sẽ cảm hóa được tâm ác của họ, giúp họ nhận ra sai lầm và sống theo pháp giải thoát thực sự của Phật chỉ dạy. Không bao giờ Phật bảo người khác làm liều, hy sinh thân mạng vì bất cứ việc gì, nên điều quan trọng, Phật dạy phải có trí tuệ thấy được việc lợi ích cho mình và cho người thì mới làm, thấy người nên tiếp xúc mới tiếp xúc. Vì vậy, Phật độ ba anh em Ca Diếp thuộc hàng ngoại đạo cực ác, nhưng không phải ngoại đạo nào Phật cũng độ. Nhờ biết kết hợp những người có duyên với Ngài, Phật mới xây dựng được thế giới thanh tịnh, an lành tuyệt đối ngay từ bước chân du hóa đầu tiên, với 1.250 Thánh đệ tử. Trái lại, hành động sai lầm vì tham vọng, không kết hợp với người tốt, lại kết hợp với người xấu, chắc chắn phải bị phiền lụy, bất an, khốn khổ.
Đức Phật thể hiện rõ nét việc cứu giúp người, tức vị tha có trí tuệ chỉ đạo. Vì vậy, mặc dù Ngài chỉ dạy tinh thần bình đẳng và cũng thực hiện sự bình đẳng qua việc giáo hóa Sunita làm nghề hốt phân đắc A-la-hán, nhưng rõ ràng chỉ có một Sunita đắc La-hán, còn các anh hốt phân khác làm thế nào dạy họ thành A-la-hán được. Hoặc chỉ có một kỹ nữ Ma Đăng Già được Phật giáo hóa đắc A-la-hán. Nếu thấy vậy rồi kiếm người lôi thôi để độ, làm sao độ được, còn bị nhiều liên lụy phiền não. Phật thấy người có duyên mới tới độ và Ngài cũng phải tới đúng lúc, chẳng hạn đối với sát nhân Vô Não, Phật cũng phải chờ đúng thời điểm tâm trí của ông tràn ngập máu người vô tội do ông sát hại khiến ông mới hồi tâm và buông dao được. Nếu bắt chước làm như vậy, chắc hẳn khó sống với những tên sát nhân diên cuồng.
Các pháp do nhân duyên sanh và người có trí tuệ thấy nhân duyên tốt thì đến giúp đỡ mới thành công. Vì vậy, Phật dạy rằng thấy nhân duyên là thấy pháp và thấy pháp là thấy Phật. Còn người vô minh, bực tức, sai lầm chỉ kết hợp duyên xấu sẽ tạo thành thế giới phiền muộn, khổ đau cho chính mình.
Trên căn bản quán nhân duyên đúng như thật, Đức Phật nhận thấy giữa Ngài và các loài có mối tương quan tương duyên cộng tồn rất mật thiết và sự hiện hữu tốt hay xấu đều do mình quyết định. Vì vậy, Phật quyết định xây dựng con người vì muôn loài, nói cách khác, xây dựng người là xây dựng mình, cứu giúp người chính là cứu giúp mình. Lo cho chúng sanh tốt, trong đó có mình cũng được hưởng sự tốt đẹp; đó chính là ý nghĩa đúng đắn của vị tha vô ngã.
Không phải có cái ngã riêng biệt, rồi lo giữ cái của mình dẫn đến làm xấu cuộc đời thì cuộc đời xấu, mình cũng phải bị xấu lây. Thí dụ ngày nay loài người khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm trái đất này bị ô nhiễm gây ra nhiều bệnh trầm trọng và rút ngắn thọ mạng của con người. Vì mục đích vị kỷ, chỉ muốn làm giàu cho bản thân, nhiều người đã hủy hoại môi trường sống, trong đó có sự sống của họ tất yếu cũng không thể thoát khỏi tác động xấu. Thiết nghĩ thể hiện pháp vị tha vô ngã trong thời hiện đại đồng nghĩa với bảo vệ môi trường sống của muôn loài và cũng là thiết thực bảo vệ sự sống của chính mình.
Tóm lại, vì tầm quan trọng của sự hiểu biết đúng đắn, Đức Phật dạy rằng cần phải có trí tuệ thấy đúng như thật mới thấy được việc đáng làm, người đáng giúp. Từ đó, mới có thể dấn thân tu Bồ-tát đạo, làm lợi ích cho nhiều người, thể hiện đúng đắn pháp vị tha vô ngã.
Chính Đức Phật đã trải qua vô số kiếp thành tựu hạnh Bồ-tát, mới tạo được phước đức trí tuệ vẹn toàn và Ngài sử dụng phước đức trí tuệ để cứu độ chúng sanh muôn loài một cách viên mãn. Tinh thần vị tha vô ngã của Đức Phật vẫn mãi là ngọn đuốc sáng soi đường dẫn bước cho nhân loại sống thanh bình, hòa hợp, an lạc, hạnh phúc trên khắp năm châu bốn biển.
Theo HT. Thích Trí Quảng
Các Tin Khác