Vấn Đề Cầu Siêu Cúng Cơm
Thắc mắc thứ nhất:
Chúng tôi thường thấy những gia đình đạo Phật đến chùa làm lễ cầu siêu cúng cơm cho thân nhân đã chết hoặc những dịp đám giỗ, vân vân. Vậy xin hỏi rằng những vụ cầu siêu cúng cơm như thế, thân nhân đã chết có được hưởng gì không?
Thắc mắc thứ hai:
Nếu nhờ cầu xin mà được, vậy thì không cần siêng làm các điều thiện, cứ thoải mái làm các việc ác, miễn sao có nhiều tiền, khi chết nhờ quý tăng ni làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ, được không ạ. Mẹ chúng tôi thì tin tuyệt đối vào khả năng “làm Phật sự độ chúng sinh” của các thầy, nên không niệm Phật tụng kinh, chỉ đến chùa làm công quả những ngày cuối tuần, cho là khi chết sẽ có các thầy lo”
VẤN ĐỀ CẦU SIÊU CÚNG CƠM
THÂN NHÂN QUÁ VÃNG CÓ ĐƯỞNG HƯỞNG KHÔNG
Về thắc mắc thứ nhất, chúng tôi xin nhắc lại phần trình bày của chúng tôi trong một kỳ phát thanh trước đây, như sau:
“Theo Phật giáo, cái chết là sự chấm dứt của đời sống tâm-vật lý của cá nhân. Chết là sự diệt tắt của sinh lực, tức là đời sống tâm linh và vật lý, cùng với hơi nóng và thức".
Chết không phải là sự tiêu diệt hoàn toàn của một chúng sanh, mặc dầu kiếp sống chấm dứt. Cái tiềm lực làm sống chúng sanh không bị tiêu diệt.
Cũng như ánh sáng đèn điện là biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy của luồng điện vô hình, chúng ta là biểu hiện bề ngoài của luồng nghiệp vô hình. Bóng đèn có thể vỡ và ánh sáng có thể tắt, nhưng luồng điện vẫn tồn tại, và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cũng như thế, sự tan rã của thể xác không làm xáo trộn luồng nghiệp lực, và sự chấm dứt của thức hiện tại dẫn đến sự phát sanh mới. Tuy nhiên, không có gì trường tồn bất biến, như một thực thể đơn thuần, "chuyển" từ hiện tại sang tương lai.
Trong trường hợp nêu trên, nếu người chết tái sanh trở lại vào cảnh người, chập tư tưởng cuối cùng tất nhiên là một loại tâm thiện. Thức-tái-sanh là từ tâm thiện ấy phát sanh, tự nhiên chuyển đến cái trứng và tinh trùng tương xứng trong cảnh người.
Như thế có nghĩa là cho đến lúc chết, luồng nghiệp lực vẫn luôn luôn trôi chảy, không có một điểm thời gian gián đoạn. Ngay lúc chết những chập tư tưởng vẫn liên tục kế tiếp như trong đời sống.
Hiện tượng chết và tái sanh diễn ra tức khắc, dầu ở bất cứ nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh, không trải qua một trạng thái chuyển tiếp nào. Phật giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai.”
Trên đây là quan điểm của Phật giáo Nguyên Thủy, hay còn gọi là Nam Tông, trích trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp do Hòa Thượng Narada biên soạn.
Về phía Phật giáo Bắc Tông, hay còn gọi là Đại Thừa, thì quan niệm rằng không hẳn là tất cả mọi người sau khi chết đều tái sinh ngay lập tức. Trường phái này cho là những người có nghiệp rất thiện thì ngay sau khi chết sẽ sanh vào các cõi Tịnh, thí dụ cõi Tây Phương Tịnh Độ, Đông Phương Tịnh Độ, vân vân, và những người có nghiệp rất ác thì sau khi chết sẽ sanh ngay vào các cảnh giới ác, như Địa Ngục, Ngạ Quỷ hoặc tái sinh thành các loài súc sinh. Trường hợp đó gọi là “chết đây sinh kia”. Ngoài các trường hợp đó, sau khi chết, người ta có thể còn lưu tâm thức lại một thời gian trong trạng thái gọi là Thân Trung Ấm, và mơ màng trong cảnh giới này từ 1 lần 7 ngày, cho tới 7 lần 7 ngày, là 49 ngày. Trong thời gian đó, nhất là 21 ngày đầu, người đã qua đời vẫn còn có ấn tượng mạnh mẽ về kiếp sống vừa qua. Và chính từ niềm tin này, người ta coi trọng sự cầu nguyện để giúp chuyển hóa tâm trạng người chết khiến cho thần thức của họ hòa nhập được vào các cõi an lành.
Như vậy thì cả hai truyền thống Phật giáo, Bắc Tông và Nam Tông đều không nói đến những hình thức cúng kiếng cho người đã chết từ lâu, hàng năm trời, mà chỉ có thể giúp cho người mới chết, qua những lời khai thị, những bài kinh, thốt lên từ tấm lòng chí thành thanh tịnh của chư vị chân tu và thân nhân, hy vọng thần thức của Thân Trung Ấm cảm được, mà tiêu dung được các tâm niệm xấu, cởi mở được các nỗi oán hờn.
Nhà Phật quan niệm rằng các loài hữu tình chúng sinh tiếp xúc được với thế giới bên ngoài là nhờ ở ba thành phần, gọi là “bộ ba Căn, Trần cảnh và Thức”.
Căn, là bộ phận cơ thể,
Trần cảnh, là đối tượng nhận thức của Căn
Thức, là phần tâm thức vô hình, vốn từ Chân Tâm vọng khởi mà chuyển thành, cũng tràn ngập khắp không gian như Chân Tâm, là cầu nối giữa Căn và Trần cảnh, tức là cầu nối giữa bộ phận cơ thể của chúng sinh và thế giới mà chúng sinh nhận thức, “cảm” hoặc “thấy” được.
Đối với một cơ thể đã chết, bộ phận cơ thể, là Căn, đã ngưng hoạt động, có nghĩa là bộ ba đã mất một phần, thế thì những sinh hoạt về vật chất như ăn uống, hiển nhiên là không thể tiếp tục.
Có người cho rằng sau khi đã qua đời, người chết vẫn còn ăn, gọi là Thức thực. Như chúng ta đã biết, Thức vốn vô hình, nếu có Thức thực thì cũng chỉ là “cảm” được những tâm niệm thương ghét, an ủi, v.v... không thể “ăn” được món ăn vật chất.Nếu quả thật là còn có sự thèm ăn, thấy thân nhân bầy những món ngon, mà thần thức lại không thể ăn được, thì chỉ thêm thèm thuồng đau khổ mà thôi!
Sau đây là câu hỏi thứ hai:
“ Nếu nhờ cầu xin mà được, vậy thì không cần siêng làm các điều thiện, cứ thoải mái làm các việc ác, miễn sao có nhiều tiền, khi chết nhờ quý tăng ni làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ, phải không ạ. Mẹ chúng tôi thì tin tuyệt đối vào khả năng “làm Phật sự độ chúng sinh” của các thầy, nên không niệm Phật tụng kinh, chỉ đến chùa làm công quả những ngày cuối tuần, cho là khi chết sẽ có các thầy lo”.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề “làm Phật sự độ chúng sinh” và niềm tin “làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ”, chúng tôi xin gửi tới quý vị lời giải thích ghi trong bộ Giáo Khoa Phật Học cấp 2, do Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam ấn hành, như sau:
...” ... Về tập tục tụng kinh siêu độ cho người chết, theo hòa thượng Đạo An, vốn không phải là một tập tục truyền thống của Phật giáo. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung Quốc từ đời nhà Đường. Điều này có thể đúng vì theo sử chép, thì năm 738, vua Đường Huyền Tông đã ban sắc lệnh cho toàn quốc, ở mỗi quận đều xây một ngôi chùa, đều đặt tên là chùa Khai Nguyên (Khai Nguyên là niên hiệu thứ nhì của vua Huyền Tông). Đó là chùa công, do các quan lại địa phương trông coi, dùng làm nơi tổ chức các lễ tiết quốc gia, cầu quốc thái dân an. Việc làm này vừa có ý nghĩa đem ân huệ của Phật ban đến quốc dân, cũng vừa để biểu thị quyền uy của chính quyền trung ương. Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành, khiến vua Huyền Tông phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân triều đình dẹp yên giặc loạn. Trong một năm chiến tranh này, số người chết -- chiến sĩ của cả hai bên và thường dân --, nhiều vô kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ cho tất cả các chùa Khai Nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức, thiết lễ tụng kinh siêu độ cho chiến sĩ và thường dân đã chết trong cuộc chiến vừa qua, đồng thời an ủi các gia đình nạn nhân.
Dân chúng thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư tăng tụng kinh siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết trở thành một tập tục trong dân gian.”
Nhân đây, chúng tôi cũng xin kính gửi tới quý thính giả quan điểm của lão pháp sư Tịnh Không về vấn đề “làm Phật sự độ chúng sinh” và niềm tin “làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ” này.
Lão hòa thượng Tịnh Không là một vị cao tăng Trung Hoa đương thời, rất có uy tín, với một quá trình giảng kinh thuyết pháp gần năm chục năm. Ngài là người đi tiền phong trong việc sử dụng hệ thống truyền thanh, truyền hình vệ tinh, mạng lưới thông tin toàn cầu và những phương tiện truyền thông hiện đại khác trong việc truyền bá Phật pháp trên khắp thế giới. Trong giới tu hành, nhiều người suy tôn ngài như một vị Tổ của tông Tịnh Độ. Ngài nói:
“Trong Phật pháp, nói Phật sự là giúp đỡ tất cả chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, những sự việc này đều gọi là Phật sự.
Vậy còn hiện nay thì sao?
Hiện nay thì thời gian tiếp xúc với kinh điển cơ hồ ít hơn, nhìn thấy trong cửa Phật phần nhiều đều là lấy kinh sám “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong Phật giáo xuất hiện rất trễ ..., rất trễ. Thời xưa ở Ấn Độ chẳng có. Khi Phật giáo được truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có. Vậy sự việc này xảy ra như thế nào?
Năm trước, trong buổi Phật học giảng tọa tại trường Đại Học ở Đài Loan do lão pháp sư Đạo An chủ trì, đã có một sinh viên nêu vấn đề này ra để hỏi lão pháp sư. Hôm đó tôi cũng có mặt nên cũng đã có nghe. Lão pháp sư nói rằng sự việc này có thể là bắt nguồn từ giữa niên hiệu Khai Nguyên triều đại nhà Đường. Vào thời gian đó, có loạn An Lộc Sơn tạo phản, giặc giã nổi lên khắp nơi. Nhờ có danh tướng Quách Tử Nghi tài giỏi mới bình định được nội loạn.
Khi an ninh đã được vãn hồi, nghĩ tới những linh hồn chết thảm còn vất vưởng lang thang nơi đồng hoang cỏ cháy không ai thờ cúng, triều đình cho xây tại mỗi bãi chiến trường một ngôi chùa đều lấy tên niên hiệu Khai Nguyên để đặt làm tên, rồi thỉnh quý vị cao tăng từ khắp các nơi về các chùa Khai Nguyên này để tụng kinh cầu siêu độ cho các vong hồn. Từ đó, tại mỗi bãi chiến trường lớn đều có một chùa Khai Nguyên. Nguồn gốc Khai Nguyên Tự như lão pháp sư Đạo An đã nói, là do triều đình đề xướng, mở hội truy điệu, thỉnh những vị cao tăng đại đức tụng kinh cầu siêu độ.
Từ đó về sau, trong dân gian, khi gia đình có người qua đời, thì cũng thỉnh mời tăng ni đến tụng kinh cầu siêu. Như vậy là đối với Phật pháp, đây chính là việc phụ thêm, chẳng phải là công việc chủ yếu của Phật môn, chẳng phải !
Nhưng hiện nay thì nó lại đã trở thành chủ yếu mất rồi ! Hiện nay tại rất nhiều đạo tràng, người ta lấy việc này làm công tác chủ yếu. Cho dù có giảng kinh thì thời gian làm Phật sự chính yếu này cũng rất ngắn, rất ít. Có những chùa một năm giảng kinh bốn lần, trong bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa giảng một tuần, một năm giảng bốn tuần, chia cho bốn mùa. Cho nên Phật sự chính thức là giảng kinh thuyết pháp để chuyển mê khai ngộ cho dân chúng thì lại đã biến thành việc phụ, còn việc bái sám, cầu siêu đã biến thành “Phật sự” chủ yếu mất rồi.
Điều này chúng ta phải có nhận thức rõ ràng, vào thời trước, Phật sự là giảng kinh thuyết pháp”
Đối với việc cúng bái cầu siêu, chúng tôi xin nhắc lại ý kiến mà chúng tôi đã đề ra trong một kỳ trước, rằng người Đông Phương chúng ta, từ thời xa xưa, vốn đã có truyền thống cúng bái người đã qua đời, nhất là cúng bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ, coi như một hình thức báo hiếu, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ chư vị đã khuất, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành, cũng như mỗi quốc gia đều có những ngày kỷ niệm Chiến Sĩ Trận Vong, để nói lên lòng nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước vậy. Chúng ta có từ ngữ “Đạo Ông Bà”, nghĩa là theo truyền thống từ thời xa xưa, khi ông bà, cha mẹ, thân nhân qua đời, gia đình đem hình ảnh và bát hương bày lên bàn thờ, quanh năm hương khói, đến ngày giỗ thì làm cơm cúng, đó là tập tục của hầu hết những dân tộc Đông Phương, nhất là tại những quốc gia ảnh hưởng đạo Khổng.
Như vậy, theo phong tục cổ truyền, việc cúng giỗ cũng là điều tốt, coi như là ngày kỷ niệm, tưởng nhớ người đã khuất. Chúng ta có thể tổ chức cúng giỗ tại nhà, hoặc tại chùa. Nếu đủ phương tiện để có thể làm lễ trên chùa thì rất tốt. Trước nhất, đây là một duyên lành giữa thân nhân người chết đối với nhà Phật, có dịp cho họ tiếp cận với các vị Sư, nhân đó, có thể hiểu thêm về Phật pháp. Thứ nữa là thân nhân người chết có thể tạo chút phước qua việc cúng dường Tam Bảo, để nhà chùa có thêm khả năng ấn tống kinh sách, phổ biến Phật pháp rộng rãi, thêm phương tiện để hoàn thành các Phật sự. Các vị Sư là những Trưởng Tử Như Lai, là những Đạo Sư, có nhiệm vụ hoằng dương Chánh Pháp song song với việc tu tập bản thân. Phật tử cũng vậy, cũng cần tu tập bản thân và giúp phương tiện cho các Đạo Sư trong công cuộc hoằng truyền và bảo vệ sự trong sáng của đạo Phật.
Ban Biên Tập TVHS