Chuyện ngụ ngôn: Tôi chính là người hoàn mỹ nhất
Một hôm, Thần Dớt – chúa tể của các vị Thần – tuyên bố: “Tất cả mọi loài vật hãy lắng nghe đây! Nếu ai có ý kiến gì về diện mạo và hình thể của mình, ngày hôm nay có thể nêu ra, ta sẽ nghĩ cách để sửa chữa lại cho!”.
Một hồi không thấy loài vật nào lên tiếng, Thần Dớt mới nói với Khỉ:
– Này Khỉ, hãy lại đây! Ngươi có hài lòng với hình dạng của mình không?
Khỉ trả lời:
– Tứ chi của tôi hoàn toàn tốt đẹp, dù có vạch lá tìm sâu cũng không thể tìm được bất cứ khuyết điểm nào trong diện mạo của tôi; tôi rất mãn ý. So sánh ra, tôi thấy chú em Gấu của tôi có tướng mạo thật thô kệch.
Lúc này, Gấu lù đù bước tới. Mọi người cho rằng Gấu sẽ thừa nhận diện mạo xấu xí khó coi của mình. Ngờ đâu, Gấu lại tâng bốc vẻ ngoài của bản thân là “hùng dũng”, “oai nghi”; đồng thời nhận xét rằng Voi nên giảm cân bởi vì cậu ta quá to béo.
Nghe vậy, Voi trả lời một cách khẩn thiết:
– Tôi thấy mình bụ bẫm, dễ thương đấy chứ! Dùng mỹ quan của tôi mà xét, thì Cá Voi ở dưới biển còn ục ịch hơn tôi rất nhiều!
Cá Voi tức thì quẫy sóng ngoi lên, nói:
– Tôi sống mấy chục năm nay mà chưa thấy chút gì bất tiện với cân nặng của mình cả. Trái lại, thân hình to lớn, dài và thon giúp tôi dễ dàng rẽ nước khi di chuyển. Nếu có ai đó cần sửa chữa, thì hẳn là chị Kiến vì chị ấy quá bé nhỏ.
Kiến nghe vậy thì cảm thấy nóng mặt, bèn cướp lời:
– Vi sinh vật là giống vô cùng nhỏ bé; so với chúng, có thể nói tôi là một người khổng lồ!
Các loài vật cứ thế chỉ trích lẫn nhau, thế nhưng không một loài nào chịu nói ra những chỗ thiếu sót của mình. Thần Dớt lắc đầu chán nản, đành phải xua tay để chúng ai về nhà nấy. Từ đó, các loài vật giữ nguyên hình dạng của chúng cho đến tận ngày nay [1].
Phạm Thuần Nhân, một học giả lỗi lạc thời nhà Tống thường xuyên nhắc nhở các con mình rằng: “Dù là kẻ ngu dốt nhất, người ấy cũng có thể là hết sức sáng suốt khi quở trách người khác. Còn người thông minh cực kỳ cũng có thể vô cùng hồ đồ trong lúc tự tha thứ cho lỗi lầm của bản thân mình. Vì vậy, nếu các con có thể tự xét tìm những lỗi lầm của bản thân như khi phán xét lỗi lầm của người khác, và khoan dung cho người khác như khi tha thứ cho chính bản thân mình, thì các con chắc chắn có thể trở thành bậc Thánh hiền”.
Theo Thanh Ngọc