Dưới mái chùa hoang
HSĐV - Tập truyện Dưới Mái Chùa Hoang là tập truyện kể về những tư tưởng sống thực tế mà chúng ta bắt gặp trong thiền môn. Cũng có thể chúng ta cho là những câu chuyện làm hoen ố thiền môn, nhưng ở một góc độ nào đó chúng ta thấy qua cái nhìn của Phật học là lý duyên sinh. Giữa vạn loại hữu tình này có vô số ý niệm của hạt giống chúng sanh, qua đó để cho chúng ta những cái thấy của thiền định và trí tuệ . . . . Và sau đây là câu chuyện: Dưới Mái Chùa Hoang mời quý độc giả cùng tham khảo . . . .
Truyện gồm 4 câu chuyện:
- Dưới Mái Chùa Hoang
- Tuyết Lan
- Sầu Vương Mớ Tóc
- Nặng Nợ Trần
Dưới Mái Chùa Hoang
Cạnh con đường mòn, ven sườn núi tại Ngọc Nam, có một ngôi chùa nhỏ hoang vắng, nằm im lìm giữa một nơi hẻo lánh và quạnh quẽ. Mùa xuân năm ấy, giặc dã và trộm cướp nổi lên, dân chúng miền phụ cận đã chạy tản mác đi nơi khác, vị trụ trì trong chùa cũng bỏ trốn, chỉ để một mình ông già “ tứ cố vô thân” ở lại đèn hương sớm tối.
Hết xuân sang hạ, khí trời trở nên mát mẻ, tối hôm ấy, như thường lệ, ông già dọn dẹp các nơi xong, đang định vào căn phòng nhỏ phía sau Phật điện nghỉ ngơi, bỗng nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ vang lên ở phía ngoài, ông đi ra mở cửa thì thấy một vị sư áo quần lam lũ, râu ria xồm xoàm, tay cầm chiếc thuyền trượng (cái gậy), trên lưng đeo một cái đãy nhỏ đang đứng dưới thềm cửa trước chùa.
- Ngài cần việc gì? Ông già hỏi.
- Tôi đi vân du đến đây thì trời tối, không có chỗ trọ, định vào quý tự xin tá túc một đêm.
- Chùa đây không phải chốn tùng lâm, không tiện tá túc. Vả lại, sư cụ trụ trì đi vắng, tôi chỉ là người trông nom đèn hương trong chùa, xin sư cụ từ mẫn cho. Ông già uyển chuyển đáp khéo.
- Tôi cũng biết chùa đây không phải chốn tùng lâm. Vị khách tăng nói. Song đến đây không còn thấy nơi nào có thể ngủ trọ được. Giờ trời đã tối, xin lão vui lòng cho tôi nghỉ tạm một đêm.
Sau một lát ngần ngừ, ông già nói:
- Trong chùa vẫn còn một căn phòng nhỏ bỏ không, sư cụ có thể nghỉ tạm. Song chỉ hiềm là không có chiếu chăn gì cả, mà lương thực cũng eo hẹp lắm!
- Điều đó không ngại, tôi ngồi được rồi, không cần chiếu chăn. Còn thức ăn thì tôi đã có mang theo lương khô đây, không dám phiền bàn đến lão.
- Vậy thỉnh cụ vào, nhưng xin cụ cho biết pháp danh và cụ ở đâu tới?
- Tôi là Vân Không, từ Triết Giang đến.
Ông già đưa sư cụ Vân Không vào. Khi đi qua Phật điện, ông thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ lên, rồi dẫn sư cụ vào căn phòng phía sau đối diện với phòng của ông. Căn phòng bỏ không, nhưng ở góc phòng có một đống cỏ khô chất gần đến mái nhà, mùi cỏ khô tỏa ra khắp căn phòng.
Ông già vừa nhìn sư cụ vừa nói:
- Xin cụ lượng thứ, thỉnh cụ hãy tạm nghỉ ở đây!
- Ồ, không sao!Tôi đã sống qua nhiều ngày thế này rồi, ở đây tương đối còn khá lắm!
Sư cụ để chiếc gậy và cái đãy vào góc phòng, rồi nói với ông già:
- Thôi, mời lão đi nghỉ. Để mặc tôi, tôi còn lên lễ Phật.
Ông già đi về phòng riêng. Vừa mới ngồi xuống giường, đột nhiên lại thấy tiếng gõ cửa từ đằng trước vọng vào. Lần này, tiếng gõ cửa rất gấp và cứ thình thình. Ông thấy trong lòng run sợ, còn đang phân vân không biết có nên ra mở cửa hay không thì chợt thấy sư cụ Vân Không tiến đến cửa phòng.
- Có người gọi cửa phía ngoài.
- Tôi nghĩ không nên mở. Ông già nói. Họ gõ chán, không thấy mình ra, tất họ phải đi.
- Tại sao không mở? Sư cụ ngạc nhiên hỏi.
- Bạch cụ, cụ không biết, chứ ở vùng này lộn xộn lắm, trộm cướp vô khối. Tiếng gõ cửa liên hồi như thế, tôi chắc bên ngoài phải có nhiều người. Chả biết họ đến làm gì, tôi không dám cho họ vào đâu!
- Ông với tôi thì có gì đâu mà sợ họ cướp? Và chắc đâu đã phải là cướp? Cứ ra xem nào!
- Thảng hoặc họ là cướp thật và cái gì cũng muốn vơ vét. Tôi còn mấy chiếc quần áo và chút ít tiền, nếu họ lấy mất thì sao?
- Ông đem giấu tiền đi, còn quần áo thì họ sẽ không thấy đâu!Nếu thật là cướp thì còn có tôi đây, lão đừng sợ. Ví phỏng họ muốn ăn thì cho họ ăn, tôi còn lương khô đây, ăn hết sẽ hay!
Ông già do dự nói:
- Họ gõ cửa đã lâu mà mãi bây giờ mới ra mở. Giả sử họ là cướp, chắc chắn khi vào họ sẽ cho tôi một trận nên thân chứ chẳng chơi!
- Tôi đi với lão và để tôi mở cửa cho!
- Bạch cụ. Ông già nhíu mày nói. Nếu chỉ là một người khỏe mạnh, mình đối phó được còn khó thay!Huống hồ lại nhiều người, họ sẽ nuốt sống mình mất.
- Một người khỏe mạnh cũng không sợ, mà có bao nhiêu người cũng không sao, đã có tôi ở đây!
Sư cụ Vân Không đến bên ông già và cầm tay kéo ông đi:
- Đây là một nơi hoang vắng, chắc có người lỡ đường muốn vào chùa xin nghỉ trọ, nên cho họ vào, nếu họ đói thì cho họ ăn. Ở đời, việc nên làm thì làm, chứ đừng so đo cân nhắc nhiều quá!
Ông già bị sư cụ kéo đi, đành cũng phải theo người. Khi họ ra tới cửa thì tiếng gõ cũng vừa tắt. Sư cụ mở cửa ra, trời đã tối hẳn. Dưới ánh sáng lờ mờ của mấy vì sao lấp lánh rọi xuống, sư cụ thấy một người đang nằm gục trên bậc cửa.
Ông già vội đến trước hỏi:
- Giờ này, ông còn đến chùa làm gì?
- Tôi đi qua đây, không biết bị con gì cắn, xin cho tôi vào nghỉ nhờ một lát!
Nói xong, không đợi ông già đáp, người ấy tiến vào cửa, nhưng vừa khỏi cửa thì lại ngồi quỵ xuống. Ông già vội đỡ dậy, hỏi:
- Tại sao lại ngồi đây, mời ông vào chùa nghỉ.
- Bắp chân tôi đau quá, không đi được nữa!
- Tôi đỡ ông vào vậy!Ông già nói.
- Để tôi bế ông ấy vào!
Vừa nói, sư cụ Vân Không vừa gạt ông già ra, rồi đỡ người ấy dậy và cõng vào chùa.
Sư cụ nhìn chỗ người ấy bị cắn một lát, rồi nói vội:
- Chết chửa!Bị rắn độc cắn, vết thương tuy nhỏ song nọc rắn độc lắm. Ở đây, giờ không tìm được thuốc, làm thế nào?
Dứt lời, sư cụ cúi ngay xuống, rồi để mồm vào chỗ bị rắn cắn và dùng hết sức để nún; cứ nún đến đâu lại nhổ ra đến đấy; một lúc lâu mới đứng dậy đi vào phòng lấy ra một gói thuốc bột rắc vào chỗ vết thương.
- Xin đừng động đậy!Ông bị cắn lâu chưa?
- Cách đây độ một tiếng đồng hồ.
- Lâu quá như thế thì phương thuốc này vẫn chưa đủ. Không những chỉ rắc thuốc ở ngoài mà còn phải uống thuốc nữa mới được, nhưng trong đãy của tôi lại không có thứ thuốc ấy!
Nói xong, sư cụ Vân Không quay sang hỏi ông già:
- Có tiệm thuốc nào gần đây không?
- Mãi trên khu chợ mới có, cách đây ba cây số. Ông già đáp.
- Tiệm thuốc e rằng cũng không có thứ thuốc ấy. Sư cụ nói. Vả lại, đường xa thế, đi về sợ lâu quá!Phàm chỗ nào có rắn thì đều có thứ lá trị rắn độc, nhưng cần phải đi tìm mới được!
- Nhưng ai biết thứ lá đó? Ông già hỏi.
- Tôi biết. Sư cụ đáp.
Người bị rắn cắn đang nằm phục trên chiếc chiếu, cố ngẩng lên quay sang nói với sư cụ:
- Xin sư cụ cứu tôi!Ơn ấy, tôi xin ghi lòng tạc dạ.
- Ông cứ yên tâm, tôi sẽ đi tìm thuốc cho ông!
- Xin sư cụ cho biết quý danh.
- Tôi là Vân Không.
- Tôi muốn biết tên tục của sư cụ.
Sư cụ cười và đi ra cửa:
- Tôi họ Trần, ở cùng xóm với ông.
Rồi sư cụ ngoảnh lại nói với ông già:
- Bên ngoài tối quá, xin lão cho tôi một bó đuốc!
Ông già đi xuống bếp, một lát sau đưa lên một bó thanh nứa đã đốt sẵn, trao cho sư cụ rồi đưa sư cụ ra ngoài cửa, đoạn trở vào Phật điện nói chuyện với ông khách lạ.
- Xin ông cho biết quý danh.
- Tôi là Đoàn Quốc Hùng.
- Hiện giờ, ông thấy trong người thế nào, có bớt đau không?
- Đau thì không đau lắm, chỉ buôn buốt, nhưng giờ đã đỡ nhiều rồi.
- Nếu không đau mà thấy buốt thì đúng là rắn độc cắn. Sư cụ Vân Không coi bộ thạo về môn này lắm!Thế là ông đã gặp được vị cứu tinh, nhưng mong sao Ngài tìm ra thuốc mới được.
Đoàn Quốc Hùng nói:
- Thưa lão, tôi đang băn khoăn suy nghĩ để biết xem sư cụ Vân Không đây trước khi xuất gia là người thế nào.
- Tôi cũng như ông, chẳng hiểu gì cả!Nhưng điều đó có gì quan hệ? Ông già lấy làm lạ, hỏi. Công việc trọng yếu của ông hiện giờ là phải điều trị nọc độc. Ông với sư cụ tình cờ gặp nhau như cánh bèo trên mặt nước. Sư cụ chữa khỏi vết thương cho ông rồi ngày mai lại trôi giạt mỗi người mỗi phương. Nếu ông muốn đền đáp ơn người thì cứ ghi nhớ tên người là Vân Không để sau này tìm cách báo đền. Còn như trước khi xuất gia, người làm gì hoặc tên tuổi của người là gì thì thiết tưởng điều đó ông không nên băn khoăn. Hay ông hoài nghi trước kia người không là thầy thuốc nên sẽ không dám uống thuốc của người?
- Đây không phải là vấn đề thuốc thang, tôi còn mang nặng một tâm tư khác. Tôi và vị sư ấy không phải tình cờ gặp nhau. Tuy đã nhiều năm không thấy nhau, hai chúng tôi đều đã già. Vả lại, người mặc tấm áo nâu và râu ria bờm sờm che kín mặt, song tôi vẫn hơi nhận ra người, nhất là khi sư cụ cho tôi biết sư cụ họ Trần và theo lối nói thì hình như sư cụ cũng đã nhận ra tôi. Đúng sư cụ là Trần Phán!Giữa tôi và sư cụ có một mối oan cừu mà mười năm qua không lúc nào tôi ăn ngon ngủ yên.
- Thế việc đó ra sao? Ông già hỏi.
- Sư cụ và tôi là người cùng xóm. Trần Quốc Hùng hạ giọng nói. Lúc còn trẻ, ông ở sát cạnh nhà tôi. Ông làm nghề đi bán các trò chơi. Ông nuôi nào khỉ, nào chuột, nào rắn và luyện tập chúng biểu diễn các trò. Nhất là rắn, lớn bé hơn mươi con, cứ thay đổi luôn luôn. Do đó, người trong làng mới đặt cho ông tên là Trần Xà Nhân. Trần Xà Nhân chỉ có một người con gái còn nhỏ tuổi, thường theo cha đi biểu diễn các trò. Bấy giờ, tôi rất ghét ông ta ở cạnh nhà tôi, vì những con vật ông ta nuôi, sau khi luyện tập thành thục, ông ta cứ thả ra. Có lúc những con khỉ chạy sang vườn phá phách hoa quả của tôi, còn rắn thì lúc nào cũng nằm cuộn tròn trên cành cây trước nhà ông ta, những cành cây vươn ra sát đầu tường hoa nhà tôi. Tuy rắn không bò qua tường bao giờ, nhưng ở bên nhà tôi trông rất rõ và rất đáng sợ. Tôi đã từng cảnh cáo ông ta và cũng có khi ông ta bồi thường thiệt hại về hoa quả cho tôi, nhưng nghề nghiệp của ông ta bắt buộc phải làm bạn với khỉ và rắn, rốt cuộc là tôi không thể chịu đựng được nữa. Cuối cùng, tôi bảo ông ta phải dọn nhà đi nơi khác. Nhưng ông ta nói là nhà của ông bà để lại nên không dám bán, mà đi nơi khác mua cũng không dễ dàng gì!Bảo ông ta dọn nhà không có kết quả, tôi bèn thuê người đến sinh sự phá phách. Nhưng ông ta rất giỏi võ, những người tôi thuê đều bị ông ta đánh bại và bị thương. Tôi liền đi thưa quan huyện để vu khống ông ta là cố ý đả thương. Tôi là người giàu có và thuộc giòng dõi quý tộc rất có thế lực, nên quan huyện cũng nể và sai người về bắt Trần Xà Nhân giải lên huyện và bị tống giam. Còn mỗi đứa con gái ở nhà không đi biểu diễn được và cũng không đủ sức trông nom những con vật, nên sau khi ông ta bị bắt mấy hôm thì khỉ, rắn và chuột đều bỏ đi. Đứa con gái vào nhà giam báo cho ông ta biết. Ông ta đành phải chịu dọn đi nơi khác. Khi về tới nhà, thấy súc vật đã đi hết và đứa con gái tiều tụy sau hai tháng trời sống lây lất, Trần Xà Nhân liền bỏ nhà dẫn con ra đi. Sau khi ông ta đi khỏi, tôi liền sang chiếm cứ nhà ông ta. Phía sau, tôi cho người làm ở; còn phía trước thì làm chuồng trâu và chuồng ngựa. Như thế, qua nửa năm, bỗng một hôm, Trần Xà Nhân đưa con về. Ông ta thấy nhà mình hoàn toàn đổi khác, trong nhà đầy người ở. Sau khi biết tôi đã chiếm cứ, ông ta liền sang kêu van tôi trả lại nhà cho ông ta. Tôi không trả lời và bảo ông ta cứ đi thưa quan huyện. Ông ta đứng ngoài kêu nài mãi, nhưng tôi vẫn tảng lờ như không nghe thấy. Đột nhiên, ông ta trợn mắt nhìn tôi một cách dữ tợn và lẩm bẩm nói: “ Món nợ này sau sẽ thanh toán !”. Dứt lời, ông ta nhảy một cái qua tường hoa để về nhà bên kia. Tôi kinh ngạc, chạy vội ra cổng xem thì thấy Trần Xà Nhân đang ung dung dắt con đi. Từ đó, ông ta không trở về nữa. Cũng từ đấy, lòng tôi bắt đầu thấy sợ hãi không yên, nhất là ánh mắt dữ tợn của ông ta nhìn tôi trước khi ra đi đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi. Bất cứ lúc nào tôi cũng thấy ánh mắt trừng trừng nhìn tôi và câu nói của ông ta trước khi ra đi lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi, nhất là trong đêm tối hoặc trong mộng mị, tôi vẫn cứ nghe câu nói ấy, giọng nặng nề và rùng rợn. Có khi tôi thấy trong góc nhà và bốn chung quanh tường, những ánh mắt đang nhìn tôi. Đó là ánh mắt của Trần Xà Nhân nhìn tôi lúc ra đi, nhưng lúc này còn dữ tợn hơn nữa.
Tôi sợ hãi như thế nên không lúc nào dám ngồi một mình trong nhà, cũng không dám lên giường ngủ. Tôi cần nhiều người đứng xung quanh và bắt họ la thét vang lên để trấn áp những lời chú thuật và che ánh mắt dữ tợn của Trần Xà Nhân. Tôi lại sợ Trần Xà Nhân nhảy qua tường hoa như hôm nào, nên sai người xây cao thêm lên. Song vô ích, vì từ khi Trần Phán đi rồi thì không ai còn thấy tung tích hay hình bóng ông ta đâu nữa!Ông ta không trở về để nhảy qua tường hoặc dùng bất cứ một phương pháp nào khác để vào nhà tôi. Chỉ có ánh mắt và lời nguyền rủa của ông ta luôn luôn theo sát tôi khiến tôi không có chỗ trốn tránh. Bản tính tôi vốn sợ rắn. Khi Trần Xà Nhân đi rồi, tôi cứ nghĩ đến rắn là lòng lại run lên. Nếu thấy con rắn nào thì tôi lại tưởng đó là rắn của Trần Xà Nhân nuôi và sai về để cắn tôi. Bởi thế, ngoài sự tưởng tượng đến ánh mắt và lời nguyền rủa của Trần Xà Nhân, tôi còn tưởng tượng cả rắn; đến nỗi thấy một vật gì dài, nhỏ và uốn khúc hoặc một cái bóng ngoằn ngoèo, tôi đều sợ hãi. Vì khổ sở như thế, nên tôi chỉ thích đến những nơi huyên náo đông người, thậm chí cả nơi cờ bạc để mong những tiếng ồn ào ấy sẽ đàn áp sự sợ sệt của tôi. Nhưng khi tan canh ra về thì lại ghê rợn vô cùng, tôi sợ gặp Trần Xà Nhân giữa đường hoặc gặp rắn của ông ta sai phục sẵn bên đường để chờ tôi. Bởi thế, bao nhiêu người đi theo hộ vệ tôi và la thét ầm ỉ. Vì thế, tôi đã đam mê cờ bạc, gia cảnh cũng dần dần suy sụp, thanh danh giảm bớt. Người ta không còn kêu tôi là “ thân sĩ ” hoặc “ trí thức ” mà họ gọi tôi là “ đồ cờ bạc ”. Sức khỏe mỗi ngày một kém, kết quả là mọi người đều cho tôi đã mắc chứng “ bệnh tinh thần ”.
Để giải trừ nỗi oan cừu ấy, tôi đã đăng lời rao trên các báo chí tìm Trần Phán, nói rõ là xin bồi thường tất cả những sự tổn thất. Nhưng từ bấy đến nay, vẫn không một hồi âm. Vô pháp khả thi, tôi chỉ còn cách ra đi tìm kiếm, mong được gặp ông ta để tạ tội và xin bồi thường thiệt hại. Tôi tưởng rằng ông ta vẫn làm nghề cũ, nên không một đám biểu diễn trò chơi nào mà tôi không vào xem, nhưng tuyệt không thấy Trần Xà Nhân hay con gái ông ta trong đó. Trên đường tìm kiếm, hôm nay đến nơi hoang vắng quạnh quẽ này, không ngờ tôi lại bị rắn cắn!
Vị sư cụ vừa chữa vết thương cho tôi lúc nãy, thoạt nhìn đôi mắt, tôi đã nhận ra đó là cặp mắt của Trần Xà Nhân. Bởi thế, tôi mới hỏi tên tục của người, nhưng người chỉ cho tôi biết người họ Trần mà không nói tên. Song nghe đến họ Trần, tôi đã tin chắc đó là Trần Xà Nhân, nhất là người lại bảo ở cùng xóm với tôi. Vậy không phải “ ông ta ” thì còn là ai? Tôi cứ suy nghĩ mãi tự nãy đến giờ là nếu “ ông ta ” nhận ra tôi thì tại sao “ ông ta ” lại chữa cho tôi? Tôi đang băn khoăn tự hỏi khi “ ông ta ” đưa thuốc về thì tôi có nên uống hay không?
Nghe xong, ông già nói:
- Sư cụ này cũng mới vào đây xin tá túc trước khi ông đến chừng mấy phút thôi. Bởi thế, tôi cũng không hiểu biết gì về sư cụ hơn ông mấy!Nhưng nếu người tìm được thuốc thang về, làm sao ông có thể từ chối không uống? Không uống, tất không có hy vọng trừ hết nọc rắn độc. Theo tôi, khi sư cụ để mồm vào vết thương hút nọc độc ra chắc không phải có ý giả dối đâu!Trên đời này, không có ai đối với kẻ thù của mình bằng cử chỉ ấy. Còn họ Trần thì rất phổ thông, chắc trong số bạn bè của ông cũng có nhiều người mang họ Trần. Ông hãy cứ tưởng tượng sư cụ là một người họ Trần khác đi, chứ nhất định không phải Trần Xà Nhân. Ông cũng coi như là người không nhận ra ông. Nếu thật người đã nhận ra ông là kẻ oan gia đối đầu với người, chắc người đã khoanh tay đứng nhìn, chứ đâu lại khổ công lo chữa cho ông? Người đã chịu cực hút nọc rắn độc để cứu ông thì người đâu còn dùng thuốc độc để hại ông nữa!
Đoàn Quốc Hùng nghe ông già nói xong, gật gật đầu, nhưng vẫn cứ phân vân. Đúng lúc ấy, có tiếng gõ cửa bên ngoài, ông già liền đi ra mở cửa. Sư cụ Vân Không, một tay xách bó cỏ, tay kia cầm cây đuốc đã cháy gần hết, đang đứng trên bậc cửa. Ông già vội đỡ lấy bó cỏ từ tay sư cụ, rồi hai người cùng tiến vào Phật điện. Đoàn Quốc Hùng thấy sư cụ đã vào, cố gượng ngồi dậy, nhưng sư cụ cản lại:
- Ông đừng cử động!Người bị rắn cắn càng nằm yên càng tốt. Ông bị cắn lâu mới chữa, tuy tôi đã hút máu ra, song sợ chưa hút hết được nọc độc. Bởi thế, ông cần phải uống thuốc trong và rịt thuốc ngoài. Thuốc ngoài tôi đã rịt rồi, bây giờ tôi sắc cho ông uống!
Đoàn Quốc Hùng lại nằm xuống và duỗi thẳng hai chân ra. Sư cụ Vân Không đi vào phòng, cầm chiếc thuyền trượng ra, rồi để bên người; sau đó lấy một phần bó cỏ thuốc và rải ra mặt đất trên nền chùa.
Ông già đến trước hỏi:
- Bạch cụ, cụ định giã lá thuốc?
- Vâng, phải giã thật nát mới rịt được!
- Cụ để tôi giã đỡ!
Ông già đến cầm lấy chiếc thuyền trượng đặt trên chốc chiếu, lúc đó mới biết chiếc thuyền trượng làm bằng sắt. Ông già nhấc một tay không nổi, liền dùng cả hai tay cũng vẫn không nhấc bổng lên được. Ông đành lắc đầu, lè lưỡi.
- Ông đi sắc thuốc đi!Sư cụ Vân Không nói. Còn việc giã thuốc để đấy tôi làm cho!
Ông già vâng theo, đứng dậy cầm lấy nửa bó cỏ rồi đi xuống bếp. Sư cụ Vân Không nhấc chiếc thuyền trượng lên và nện xuống sàn chùa. Tiếng kêu côm côm vang lên trong Phật điện, long cả tai. Đoàn Quốc Hùng nhắm nghiền mắt lại, vùi đầu xuống chiếu. Sau khi giã nát thuốc, sư cụ lấy tay cầm đắp vào vết thương trên ống chân Đoàn Quốc Hùng, rồi xé một miếng áo của mình để buộc vết thương lại. Đang buộc, bỗng nhiên sư cụ hỏi:
- Ông thấy đau nhức hay sao mà run thế?
Đoàn Quốc Hùng ngóc đầu dậy, nhìn sư cụ Vân Không như muốn nói, nhưng hễ mở miệng ra lại thôi, lâu lắm mới hơi thốt lên những lời líu nhíu:
- Bạch cụ, tôi cảm ơn cụ lắm!Song thật cụ có nhận ra tôi là ai không?
- Tôi nhận ra. Sư cụ vừa nói vừa cười. Ông là Đoàn Quốc Hùng.
Đoàn Quốc Hùng ngồi nhỏm dậy, tỏ vẻ kinh hoảng và bi thương nhìn Vân Không:
- Thế ra sư cụ là Xà nhân Trần Phán?
- Đó là tên họ ngày xưa. Sư cụ mỉm cười.
- Bạch cụ. Đoàn Quốc Hùng lại nằm xuống và nước mắt trào ra. Trước đây mười năm, sư cụ muốn thanh toán tôi. Tôi còn nhớ mãi câu nói ấy!Bất cứ ở đâu và giờ phút nào, tôi cũng phảng phất như thấy ánh mắt sư cụ nhìn tôi trước khi bỏ đi. Đã mười năm qua, ánh mắt ấy cứ theo tôi như bóng với hình. Không một thời khắc nào mà tôi thấy lòng được bình yên và thanh thản!Lúc nào tôi cũng sống trong hồi hộp và lo sợ. Tôi muốn sám hối tội ác tôi đã gây nên nhưng chưa gặp cơ hội, ngày đêm tôi mong sư cụ về để trả thù tôi nhưng vẫn bặt tin. Tôi. Tôi đã đăng tin trên các báo chí để tìm sư cụ, nói rõ là tôi đã ăn năn và đau đớn. Song không được hồi âm của sư cụ, cuối cùng tôi đành bỏ nhà ra đi tìm sư cụ. Dù có bị sư cụ thanh toán, tôi cũng đỡ khổ. Hôm nay, ta gặp nhau ở đây, chính là dịp để sư cụ trả cho xong mối oan cừu năm xưa. Nhưng trái lại, sư cụ vẫn cứu tôi. Tôi cứ tưởng sư cụ đã quên tất!Đã biết tôi là Đoàn Quốc Hùng, tại sao sư cụ lại nhọc công cứu tôi? Thật tôi không hiểu dụng ý của sư cụ, hay chữa khỏi rồi mới trả thù?
- Món nợ ấy, tôi không còn tính nữa!Vân Không bình tĩnh nói. Lúc ông vừa vào cửa chùa, tôi đã nhận ra ông. Nếu tôi còn nghĩ đến thù oán, tôi cứ đứng khoanh tay nhìn ông đau đớn đến chết, chứ vạ gì tôi phải chịu bẩn thỉu để cứu ông? Giờ đây, tôi là Vân Không hòa thượng, chứ không phải Trần Xà Nhân. Xin ông cứ tin như thế!
Đúng lúc ấy, ông già từ dưới bếp đang bưng lên một tô thuốc vừa sắc xong. Ông từ từ tiến vào Phật điện, trao bát thuốc cho Đoàn Quốc Hùng. Hùng đỡ lấy để xuống chiếu, chờ cho thuốc nguội bớt. Một lúc sau, Hùng bưng bát thuốc lên uống một hơi, đoạn lại nằm xuống.
Sư cụ Vân Không nói:
- Lát nữa, nọc độc trong người ông sẽ tiêu hết!Ông đi tìm tôi và đã gặp tôi ở đây, song người hiện đang ngồi trước mặt ông là Vân Không hòa thượng chứ không phải Trần Xà Nhân. Ngày mai, ông cứ yên tâm trở về, đừng đi lang thang nữa!
- Bạch cụ, như vậy là cụ đã tha thứ cho tôi?
- Còn hơn cả tha thứ nữa!Sư cụ Vân Không nói. Lòng tôi đối với tội ác không còn sầu hận, chỉ có thương xót mà thôi!
- Việc này phải nhìn theo hai khía cạnh để giải quyết. Giọng Trần Quốc Hùng bi thảm. Tâm sư cụ tuy không còn cừu hận, song lòng tôi vẫn ăn năn sợ hãi. Mười năm qua, tôi đã luôn luôn sống trong tâm trạng ấy. Nhiều khi tôi có một hy vọng kỳ quặc là hy vọng sư cụ về để thanh toán tôi cho hết mối cừu hận, cho lòng tôi được yên ổn. Nhưng tôi vẫn không thấy hình bóng của sư cụ xuất hiện. Bởi thế, tôi mới quyết định đi tìm sư cụ và sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho sư cụ cả về vật chất lẫn tinh thần. Xin sư cụ về Thượng Hải với tôi có được không?
- Về Thượng Hải làm gì? Vân Không ngạc nhiên hỏi.
- Trước khi ra đi, tôi đã sắp sẵn một số tiền để bồi thường cho sư cụ. Nhưng vì đường xa, đi một mình nên tôi không dám mang theo, tôi phải gửi số tiền ấy ở ngân hàng tại Thượng Hải. Sư cụ đòi bao nhiêu, tôi xin trả bấy nhiêu! Nhưng sư cụ không ở đâu nhất định, ngày mai chia tay rồi sẽ khó gặp lại sư cụ. Bởi thế, tôi muốn mời sư cụ về Thượng Hải để tôi trả cho xong món nợ đó!
- Ý ông muốn trả tiền tôi? Tôi lấy tiền làm gì? Tôi không cần tiền.
- Tôi cũng biết món nợ đó không phải hoàn toàn trả bằng tiền mà xong, nhưng vẫn còn nợ tinh thần nữa. Chẳng hạn tôi đã vu khống sư cụ đến nỗi sư cụ phải bị tù đày một cách oan uổng trong hai tháng trời.
- Ô, điều đó đối với tôi có một tác dụng luyện tập!Tôi không cho đó là “tai vạ tù đày”.
- Không những thế, sau khi sư cụ bị giam cầm, những rắn, khỉ và chuột của sư cụ đã bỏ đi hết!
- Khỉ, rắn và chuột đều bị tôi bắt buộc đi theo biểu diễn, chứ tự chúng không muốn. Khỉ luôn luôn nhớ rừng, rắn muốn trở về bụi rậm và chuột mong được về hang tổ của chúng. Sau khi tôi bị giam, chúng đều được tự do và giải thoát. Như thế càng tốt chứ sao?
- Còn con gái của sư cụ?
- Nó đã lập gia đình cách đây năm năm, nghe nói đời sống cũng dễ chịu.
- Vì tôi ức hiếp mà sư cụ đi tu?
- Điều đó chính tôi phải cảm ơn ông!Sư cụ vừa cười vừa nói. Tôi bây giờ cũng tự do và giải thoát như những khỉ, rắn và chuột của tôi vậy!
- Còn nhà của sư cụ mà tôi đã chiếm đoạt để làm chuồng trâu, chuồng ngựa?
- Nhà cửa đều là không. Giả sử ông trả nhà lại hay bồi thường cho tôi thì đó chỉ là lụy cho tôi.
- Vậy thì biết làm thế nào? Giọng Đoàn Quốc Hùng khổ sở. Một người mang nợ muốn trả cho hết nợ mà chủ nợ lại không nhận mình là chủ nợ, lại còn phủ nhận cả nửa cuộc đời trước của mình. Tâm sư cụ lâng lâng và thanh thoát, nhưng lòng tôi thì một cái “ nút ” trói buộc suốt đời tôi.
- Nút gì? Trói buộc ở chỗ nào? Sư cụ hỏi
- Tội nghiệt là “ nút ” trói buộc tâm tôi!
- Ông đưa cái “ nút ” và cái “ tâm ” bị trói buộc ra đây cho tôi xem để tôi cởi trói cho ông.
- Tội nghiệt và tâm đều không phải thực chất, làm thế nào tôi có thể nắm lấy mà đưa ra được?
- Như thế là hết trói buộc rồi!Sư cụ Vân Không phá lên cười.
- Bạch cụ, cụ cho là hết trói buộc, chứ tôi vẫn thấy còn bị buộc.
- Tôi cũng biết thế!Sư cụ nói. Xin hỏi ông ngoài việc đó ra, ông còn thắc mắc điều gì không?
- Dĩ nhiên là còn và còn nhiều hơn nữa!
- Nếu bình sinh ông gây tội nghiệt cho tôi và coi đó là một món “ nợ tinh thần ”, một cái “ nút ”, ông tìm đến chủ nợ để thanh toán. Như thế là hết nợ rồi!Giả sử ông mắc nhiều nợ tinh thần mà chủ nợ không phải chỉ có một người, trường hợp đó thì ông tính sao?
- Tôi sẽ lần lượt trả hết, nhưng phải tìm đến người chủ nợ thứ nhất cho xong đã.
- Ông tìm được tôi rồi, nhưng con người tôi đã đổi khác!Từ Trần Phán đổi thành Vân Không, cho đến cái tâm cũng đổi khác. Nhưng hãy cứ tưởng tượng rằng ông đi tìm mà không gặp chủ nợ thì ông làm thế nào? Sư cụ hỏi. Nói thí dụ: Chủ nợ đã chết?
- Tôi tìm con cái của người ấy.
- Nếu họ không có con thì ông tìm ai? Thí dụ ông mang nợ một con rắn mà con rắn đó đã chết, ông biết con rắn nào là con cái của nó để mà trả?
Đoàn Quốc Hùng khổ sở không biết nói sao!
- Ông nên biết!Sư cụ nói tiếp. Ông mang nợ oan nghiệt nhiều hay ít, xét đến ngọn nguồn thì đó đều là việc của ông. Chủ nợ không nhất định sẽ đến đòi ông, mà cũng không cần chủ nợ phải đến đòi, chỉ cái “ nợ ” ấy trói buộc ông thôi!Song cái nợ đó vốn không có thực chất, đúng như lúc nãy ông nói “ tội nghiệt ” trói buộc cái tâm của ông không phải là một vật có thực chất, mà cái “ tâm ” bị trói buộc cũng không phải cái cục thịt trong người ông. Ông không thể nắm bắt được!Trong khi ông thấy rõ như thế thì cũng như ông vừa tỉnh mộng, nợ cũng không còn là nợ nữa!
- Những lời đó cao siêu mầu nhiệm quá, tôi không hiểu nổi!Xin sư cụ giảng giải tường tận một chút nữa.
Sư cụ Vân Không cầm một sợi dây buộc bó cỏ thuốc lúc nãy, thắt lại thành cái nút, rồi giơ ra trước, hỏi Quốc Hùng:
- Đây là cái gì?
- Cái nút
- Nút là cái gì?
- Nút là nút chứ còn là cái gì bây giờ? Quốc Hùng cười.
- Ngoài sợi dây ra, còn có cái “ nút ” tồn tại không?
- Ngoài dây thì dĩ nhiên không có “ nút ” tồn tại riêng biệt.
- Như vậy nút là cái gì? Vân Không hỏi dồn.
Đoàn Quốc Hùng chịu không đáp được. Sau đó, Vân Không chỉ vào cái nút, nói:
- Nút là do nhiều vòng dây thắt lại mà thành, nhưng những vòng dây không có thực thể, chỉ là giả tướng mà thôi!Nhiều vòng dây tập hợp lại mà thành nút, lúc chưa thành thì không có nút và khi cởi ra rồi thì nút cũng không còn. Sư cụ vừa nói vừa cởi cái nút ra.
- Hiện giờ còn nút không?
Đoàn Quốc Hùng lắc đầu nói:
- Sư cụ nhìn sự vật như mộng ảo. Nếu tất cả đều là giả tướng thì còn có gì gọi là nhân quả? Sư cụ định tạm dùng những lời huyền diệu ấy để mở rộng lòng cho kẻ tội ác này chăng?
- Trong cái rỗng không, có gì ngăn lại nhân quả? Vân Không đáp. Chẳng hạn cái nút này do nhiều vòng dây thắt lại mà thành, nhưng vòng dây không có tự tính, cho nên nút cũng không có tự tính. Bây giờ, cởi nút ra làm cho vòng dây thẳng lại thì cái thẳng đó cũng không có tự tính. Nói đến rốt ráo thì chính sợi dây này cũng không thật có, dây là do các thứ cỏ bện thành. Khi cỏ chưa sinh thì không có cỏ và dĩ nhiên cũng không có dây, lúc cỏ chưa được bện lại thì cũng không thành dây, nếu đem đốt dây đi thì cuối cùng còn gì? Song ông tưởng trong cái rỗng không ấy không có nhân quả? Nếu tôi đem sợi dây không có thực thể thắt chặt vào cổ hư giả của ông, ông sẽ thấy đau đớn khó chịu. Nhưng sự đau đớn ấy cũng chỉ là ảo giác, cũng như dây và cổ đều không có tự tính. Vậy cứ gì trong cái chân thật mới có nhân quả?
- Tuy sư cụ chỉ dạy cho như thế, nhưng tôi vẫn không thể lĩnh hội được, biết làm thế nào? Giọng Quốc Hùng bi ai.
- Tôi không trông mong ông lĩnh hội một cách triệt để. Đối với người còn trong mộng, không có cách nào làm cho họ hiểu được cảnh giới lúc thức; trong cảnh mộng tuy giả dối không thực nhưng không có gì ngăn trở người ta làm ác, chịu báo, sám hối hoặc làm thiện; nhưng khi người ta tỉnh dậy thì mới biết tất cả việc làm lúc trước đều là chiêm bao; đã thoát ly được cảnh mộng, trở về cảnh giác thì hết thảy đều rỗng rang và thanh tịnh; lúc đó thì thiện còn chẳng làm, huống chi là ác!
Nghe đến đây, Đoàn Quốc Hùng phủ phục xuống lạy sư cụ. Ông già đứng bên cạnh, coi bộ cũng hiểu được phần nào. Đoàn Quốc Hùng nói với sư cụ Vân Không:
- Tôi không muốn trở về nữa, xin cho tôi theo sư cụ xuất gia.
- Nếu trong lòng ông thật đã giác ngộ thì hà tất cứ phải xuất gia như tôi!Bỏ mộng, trở về giác đều có nhân duyên. Không nên câu chấp hình thức!
Dứt lời, sư cụ Vân Không trở vào phòng riêng. Đoàn Quốc Hùng không dám theo vào, nằm trên chiếc chiếu và trằn trọc mãi quá nửa đêm cũng không thể ngủ được. Đến khi nghe tiếng gà gáy, trời đã sắp sáng, Hùng mới đứng dậy đi vào phòng định bày tỏ thêm nỗi lòng mình với sư cụ, nhưng khi tới nơi thì thấy căn phòng vắng lạnh. Vân Không hòa thượng đã bỏ đi tự lúc nào mà không ai biết! (hết)
2. Tuyết Lan
Một ngày mùa đông năm Dân quốc thứ 25, trên tòa giảng trong chùa Cổ Lâm tại Nam Kinh, Hòa thượng Tuệ Học đang giảng kinh “Bát Đại Nhân Giác”. Ngôi giảng đường chìm ngập trong bầu không khí yên lặng hoàn toàn. Người ta chỉ còn nghe thấy pháp âm của vị Hòa thượng như một tiếng hồng chung ngân nga, tràn lan rồi vang dội vào lòng thính chúng.
Sau khi tan buổi giảng, mọi người chen lấn nhau để vào lễ tạ Hòa thượng. Tuyết Lan nghĩ thầm: “Vạ gì mà phải chen lấn thế kia cho khổ thân, hãy vào thư viện đọc sách một lát, chờ cho họ về hết thì mình vào lễ tạ Hòa thượng cũng được ”. Bởi thế, nàng tiến vào thư viện. Tòa thư viện được xây hai tầng: Tầng trên tàng trữ ba Tạng kinh điển và chỉ dành riêng cho các sư, còn tầng dưới bày đủ các loại sách dành cho công chúng vào xem.
Tuyết Lan vô ý đẩy cửa đánh rầm một cái, làm cho Đức đang vùi đầu vào quyển sách ở bàn bên kia phải giật mình. Chàng ngẩng lên nhìn nàng, Tuyết Lan cảm thấy hơi thẹn vì cử chỉ thô bạo của mình nên cặp má nàng ửng hồng. Nàng khẽ cúi đầu bẽn lẽn, nói câu “xin lỗi “rồi lướt qua mặt Đức, đến ngồi ở một chiếc bàn gần đấy. Nhưng lòng nàng cứ rạo rực, hình ảnh của Đức đang ngồi ở bàn bên kia cứ quay cuồng trong đầu óc nàng, nên tuy đọc sách, song tâm nàng lại nghĩ vẩn vơ và tự hỏi: “Lạ thật! Sao từ trước đến giờ, mình không thấy anh ta? Hay lần này anh ta mới đến lần một?”.
Rồi thỉnh thoảng nàng lại liếc trộm Đức. Diện mạo của Đức khôi ngô tuấn tú, cặp lông mày đen và dài, vầng trán cao rộng và chiếc mũi thẳng tỏ ra là một thanh niên thông minh, trầm mặc và ít nói. Tuyết Lan thấy ngồi đọc sách không yên.
Mọi người lũ lượt kéo nhau ra về. Tuyết Lan thấy có thể vào bái kiến Hòa thượng được rồi, nên nàng lại lướt qua mặt Đức và mở cửa bước ra. Song Đức vẫn cứ cặm cụi đọc sách, chàng đọc như say mê và không hề để ý đến Tuyết Lan khi nàng đi qua.
Lúc đến trước Hòa thượng, Tuyết Lan vái ba vái, Hòa thượng vừa vẫy tay vừa mỉm cười nói:
- Thế nào, con nghe có hiểu không?
Tuyết Lan đứng bên cạnh, nhìn Hòa thượng và đáp:
- Bạch Hòa thượng, Hòa thượng giảng dễ hiểu lắm. Theo con, tất cả mọi người đều nên đọc tụng kinh “Bát Đại Nhân Giác”.
Tuyết Lan vừa dứt lời, lúc đó Đức bỗng đi vào. Chàng cung kính vái Hòa thượng rồi đứng sang một bên. Thấy hai người có vẻ lúng túng, Hòa thượng tươi cười nói:
- Ơ kìa! Các con không quen nhau à?
Thế rồi Hòa thượng giới thiệu họ với nhau:
- Đây là Tuyết Lan, vừa thi vào Đại học Trung ương. Còn đây là Chu Đức, sinh viên năm thứ ba Đại học Trung ương. Các con sẽ cùng học một trường. Từ nay, các con hãy coi nhau như anh em, phải giúp đỡ và khích lệ nhau cả về phương diện học vấn lẫn đạo đức.
Hòa thượng nói xong, Chu Đức hơi cúi đầu chào Tuyết Lan. Cặp mắt sáng quắc của chàng làm cho Tuyết Lan ngây ngất. Nàng khẽ hỏi Hòa thượng Tuệ Học:
- Bạch Hòa thượng, anh ấy quy y đã lâu chưa ạ?
- Lâu rồi, chừng mười năm nay. Sức học Phật pháp của anh ấy khá lắm, lòng tin cũng vững chắc và lại chịu khó tu niệm. Người rất có chí.
Tuyết Lan nhìn Chu Đức, nói:
- Sau này, xin anh chỉ dẫn cho em.
- Không dám! Không dám!
Trước mặt con gái, xưa nay Đức vốn nói năng vụng về, cho nên hiện giờ đứng trước Tuyết Lan, người thiếu nữ vừa mỹ lệ vừa hoạt bát, chàng lại càng cảm thấy bối rối, cứ lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ biết khiêm tốn vâng vâng dạ dạ và gật đầu lia lịa. Hòa thượng Tuệ Học bảo họ ở lại dùng cơm trưa. Mãi xế chiều, họ mới cáo biệt Hòa thượng ra về.
Từ đó, ngày nghỉ nào, họ cũng gặp nhau ở thư viện. Đôi khi có nhiều điểm về Phật học, Tuyết Lan không hiểu, lại đem hỏi Đức, mà Đức thì rất giỏi về Phật học. Chàng giảng thao thao bất tuyệt, hình như ngoài việc giảng về Phật học, chàng không biết nói chuyện gì khác. Cứ như thế, họ gần gũi nhau, nên dần dần họ đã hiểu nhau và cảm tình giữa họ càng tăng thêm. Mỗi ngày nghỉ học, họ cùng đến chùa thăm Hòa thượng, rồi dắt nhau vào thư viện. Sau khi đọc sách xong, họ lại cùng đưa nhau về.
Thời gian đi như bay, thấm thoắt đã hết đông sang xuân. Một hôm, Tuyết Lan hỏi thử Đức:
- Anh Đức ạ, có người nói mùa xuân là mùa đọc sách. Theo anh, câu nói ấy có đúng không?
- Rất đúng! Theo tôi, đời người quá ngắn ngủi. Không những chỉ đọc sách trong mùa xuân mà mùa nào cũng cần phải đọc cả!
Cái học của Đức đã ảnh hưởng sâu xa đến tính tình của chàng. Về phương diện ái tình, chàng rất vụng về. Thời gian qua, tuy chàng mến Tuyết Lan và chàng cũng biết Tuyết Lan thật mến chàng, song chàng cứ thản nhiên và vô tình như không biết gì cả! Có lẽ nào chàng không hiểu ý nghĩa thầm kín trong câu hỏi của Tuyết Lan? Thế nhưng, chàng vẫn trả lời một cách đứng đắn đàng hoàng.
- Thật anh chịu khó ghê! Anh muốn trở thành một vị lão tăng hay sao đấy? Em tưởng ngày nào chúng ta cũng cứ vùi đầu vào sách vở, không học bài nhà trường thì lại học Phật, toàn những thứ khô khan thế này thì đến mụ người đi mất! Em đề nghị tuần tới, chúng ta phải đi chơi một hôm. Anh có bằng lòng không nào?
Vừa hỏi, nàng vừa nhìn Đức với ánh mắt khẩn cầu.
- Tôi xin chìu lòng Tuyết Lan, nhưng chúng ta sẽ đi đâu?
- Lên núi Ngũ Đài. Tuyết Lan mỉm cười. Người ta bảo mùa xuân thì vùng ấy toàn là hoa, đi đến đâu cũng chỉ thấy hoa, đủ mầu sắc; hơn nữa trên núi còn có ngôi chùa rất cổ kính và trang nghiêm. Vậy chúng ta vừa đi xem cảnh vừa được lễ Phật.
- Thế thì chúng ta nhất định đi!
Đức không nói gì thêm, chàng lại bắt đầu nhìn vào quyển sách. Còn Tuyết Lan thì sung sướng và thầm mong chóng đến ngày nghỉ tuần tới như một đứa trẻ mong chóng đến Tết để được mặc áo mới.
Khi lên đến núi Ngũ Đài, họ vào chùa lễ Phật, rồi đi vòng ra phía sau chùa, tới một dòng suối nhỏ, nước trong vắt và chảy róc rách. Tuyết Lan hớn hở nói:
-Thôi, đừng đi nữa anh ạ! Hãy ngồi đây nghỉ chân một lúc!
Vừa nói, nàng vừa trải tấm dạ ra, rồi ngồi xuống. Nàng đưa mắt nhìn trời một lát và nói:
- Chỗ này đẹp quá, anh nhỉ? Trời mây thăm thẳm, non nước một mầu, phong cảnh thật nên thơ, thanh thoát đúng như thế giới Cực Lạc vậy!
- Thế giới Cực Lạc, đất toàn bằng vàng. Còn ở đây hiện giờ, tôi ngồi trên phiến đá và em ngồi trên tấm dạ. Khác xa lắm chứ!
Hai người cùng cười, nụ cười bí ẩn biểu lộ sự giao cảm giữa hai tâm hồn. Không hiểu tại sao ánh mắt của họ chạm nhau như một luồng điện và ánh mắt ấy khó che giấu được tâm tư thầm kín của họ! Họ đều cảm thấy một khích động khác lạ trong lòng. Tuyết Lan sung sướng, nhưng cảm giác sung sướng ấy tiêu tan ngay khi nàng nhận thấy trước mặt nàng chỉ là một thanh niên có thái độ uy nghiêm, đạo mạo và rất vụng về trước việc tán tỉnh. Một nụ cười đâu có thể diễn tả được hết tâm trạng của chàng! Gió xuân đưa đến cho người ta bao tình nồng đượm và gợi lên bao niềm mơ ước trong lòng người. Làm sao Đức có thể tránh khỏi những rạo rực và ham muốn của tuổi trẻ? Song chàng đủ năng lực kềm chế tình cảm và tự chủ lòng mình. Chàng không muốn dùng lời nói khéo để chinh phục lòng người. Nói chuyện với một thiếu nữ ngây thơ, thật thà và hiền hậu mà dùng những lời phù phiếm thì đó chỉ là tội ác. Bầu không khí yên lặng bao quanh họ. Một hồi lâu, Đức mới chậm rãi nói:
- Con đường đời chỗ nào cũng đầy chông gai và sỏi đá. Bởi thế, nhân loại mới khổ sở và bất an. Mục đích tin Phật của chúng ta là mong làm thế nào để biến cải thế giới đầy hầm hố hiểm nguy này thành một cảnh giới yên vui và phẳng lặng, trong đó con người không còn tham sân si, chém giết, giành giật và cướp bóc lẫn nhau.
- Vâng, đại nguyện của các bậc Bồ tát bao giờ cũng thế! Các Ngài cứu độ chúng sinh, hóa cõi đời nhơ nhớp thành một nơi trong sạch và vĩnh viễn xa lìa mọi phiền muộn.
- Tôi nguyện noi gương của các Ngài, học theo hạnh từ bi và trí tuệ của các Ngài.
- Anh đã học được cái phong độ uy nghiêm trang trọng của một vị lão Hòa thượng rồi! Chỉ cần tiến thêm một bước nữa là anh có thể trở thành gỗ đá.
Nghe xong, Đức hơi nhếch mép cười và khẽ nói:
- Đúng rồi! Em nói phải lắm! Tôi là một vị lão tăng ngây ngô như gỗ đá.
Một cảm giác buồn rầu dâng lên trong lòng Tuyết Lan. Tại sao Đức lại không hiểu câu so sánh đầy tình tứ và âu yếm của nàng? Có lẽ chàng không yêu nàng! Rồi nàng lại thấy Đức phóng tầm mắt ra xa và lẩm bẩm như nói một mình:
- Trong lúc tâm hồn chan hòa với thiên nhiên, một cảnh giới lâng lâng siêu thoát cũng phát hiện và đó mới là sự thụ hưởng vi diệu nhất của con người. Nhưng sự thụ hưởng ấy chỉ có thể tự mình cảm lãnh, chứ không thể dùng lời nói để miêu tả hoặc truyền cảm cho người khác.
Tuyết Lan vờ như không nghe thấy. Nàng cúi đầu yên lặng, đưa tay ngắt mấy ngọn cỏ bên cạnh tấm dạ. Một lát sau, nàng ngẩng đầu nhìn Đức, thấy chàng vẫn đăm chiêu vời vợi như đang thả hồn đến một thế giới cao siêu mầu nhiệm nào với dáng điệu vô cùng thanh thoát. Bất giác, nàng cảm thấy hổ thẹn vì đã có một ý nghĩ không được thanh cao lắm đối với một tâm hồn hoàn toàn trong trắng.
*****
Những trận mưa thu rả rích liên miên mấy ngày đêm không ngớt.Tuyết Lan đứng trong cửa sổ nhìn ra, phía ngoài trời vẫn mưa lất phất, thỉnh thoảng một trận gió lùa qua các cây, mấy chiếc lá vàng quay cuồng trong không khí rồi lả tả rơi xuống đất. Một người đàn ông cao lớn, mặc áo mưa, đang lù lù tiến đến và Tuyết Lan, như một cái máy, chạy vội ra mở cửa.
- Ô, anh Trung! Sao anh lại về vào giờ này? Vào mau, không ướt hết bây giờ!Trung cởi chiếc áo mưa, mắc ngoài cửa rồi đi vào phòng khách. Chàng hỏi vội:
- Má có nhà không?
- Không, đi khỏi rồi!
Thấy Trung về bất thần, Tuyết Lan tỏ vẻ lo ngại:
- Anh, sao anh lại về vào giờ này? Nàng nhắc lại câu hỏi lúc nãy.
- Tình hình càng ngày càng trầm trọng. Lư Câu Kiều đã thất thủ, Thượng Hải cũng rất nguy cấp vì quân Nhật đang tiến tới. Sinh viên trường anh có người xin đầu quân, có người về quê. Bởi thế, anh mới về thăm em, thăm sư phụ và các bạn hữu vì kỳ nghỉ hè vừa rồi anh đã không về.
Dứt lời, Trung cố nở một nụ cười gượng gạo. Trung là bạn chí thân của Tuyết Lan. Từ khi còn thơ ấu, họ đã nô đùa với nhau và luôn luôn gần gũi nhau, đồng thời lại cùng quy y Hòa thượng Tuệ Học, nên họ coi nhau như anh em. Trung vốn xấu trai, vóc người chàng cao lỏng khỏng, cặp mắt ti hí, chiếc mũi hếch, đôi môi dày và cái mồm rộng hoác. Tuy chàng yêu Tuyết Lan tha thiết, song tự biết mình xấu xí, nên không dám hé răng mở miệng để bày tỏ nỗi niềm. Hiện giờ, nụ cười gượng lại càng làm cho bộ mặt của chàng khó coi hơn!
- Thế có nghĩa là anh sẽ không trở về trường nữa?
- Có về cũng không thể yên tâm và cũng không đủ số để học, vì lớp của anh giải tán gần hết, cả giáo sư cũng có mấy vị nghỉ.
- Chao ôi! Sắp mạt kiếp rồi sao đây? Con người cứ chém giết nhau hoài.
Tuyết Lan than thở, rồi cả hai người đều ngồi yên lặng. Ngoài hiên, những giọt mưa rơi tí tách nhịp nhàng, trong lòng họ có bao ý nghĩ thầm kín muốn bộc lộ, nhưng họ không dám nói lên.
Qua mấy phút trầm mặc, Trung nói:
- Thế nào, mọi sự đều như ý cả chứ em? Em có năng lên thăm sư phụ không?
- Cảm ơn anh, em vẫn thường. Sư phụ nhắc đến anh luôn đấy!
- Ồ, hôm nay trời mưa lớn, chắc không đi được! Hơn một năm rồi, chùa Cổ Lâm chắc cũng có thêm nhiều giáo hữu. Mai chúng ta cùng lên thăm sư phụ, em nhé?
- Vâng, nhưng …
Tuyết Lan định nói lại thôi. Nàng muốn đem chuyện của nàng và Đức nói cho Trung nghe, nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Bởi thế, nàng cúi gằm mặt xuống và hai bàn tay cứ mân mê tà áo.
Điều đó khiến Trung hoài nghi tâm sự của nàng, mới gần một năm không gặp mà Tuyết Lan đã thay đổi rồi! Tính ngây thơ của nàng trước kia giờ đã biến thành tính e lệ, chứa đựng một ý nghĩa khó hiểu. Mới mấy tháng trời mà trông Tuyết Lan lớn hẳn lên và cũng đẹp hơn trước. Chàng hạ giọng nói:
- Tuyết Lan, có điều gì em cứ nói. Chúng ta lớn khôn cả rồi và như là anh em, có gì đáng ngại?
Tuyết Lan bẽn lẽn, cặp má hồng hồng và đôi môi khẽ rung rung:
- Em nói, anh đừng cười em cơ!
- Không, anh không cười, nói đi!
- Em biết anh rất thương mến em nên xưa nay có điều gì buồn lòng, em đều nói với anh. Anh thường an ủi và khích lệ em, song hiện giờ em có một tâm sự thấy khó nói quá!
- Tâm sự gì thì cứ nói mau lên!
- Từ khi gặp chàng ở chùa Cổ Lâm, em đã đem lòng yêu chàng.
- Chàng là ai kia chứ? Nói rõ xem nào! Đừng ngại, anh có phải người xa lạ đâu!
- Chàng là Đức, chàng quy y đã lâu hơn chúng ta nhiều, chàng đang học năm thứ ba tại Đại học Trung ương. Chàng đứng đắn lắm, ít cười nói. Phật pháp đã đào tạo cho chàng một tính tình nghiêm khắc. Chàng chẳng hiểu gì về phương diện ái tình cả, rất dè dặt và thường nói yêu là nguồn gốc của mọi khổ não. Chàng đối với em thường tỏ vẻ thờ ơ. Do đó, em thấy buồn khổ. Giờ anh đã về, mong anh giúp em! Nếu sau này lập gia đình, em không lấy được chàng thanh niên ấy thì em quyết ở vậy, chứ nhất định sẽ không lấy ai!
Trung thất vọng, người mà chàng thầm yêu trộm nhớ mấy năm nay giờ đã yêu người khác. Chàng tự biết mình xấu xí nên bấy lâu vẫn không dám thổ lộ tâm tình. Những lời của Tuyết Lan vừa nói như một tiếng sét giáng vào đầu chàng, nhưng nhờ được bồi bổ theo tinh thần Phật giáo nên Trung nghĩ thầm: “Yêu cũng có nhiều thứ khác nhau: Có người yêu hoa lại ngắt hoa, người yêu chim đem nhốt chim trong lồng. Cũng có kẻ muốn hủy hoại vật mình yêu, nhưng tình yêu cao cả nhất là tình yêu không biên giới và không ích kỷ. Con người cao quý bởi nhân cách, đạo đức và tư tưởng. Tuy người mình yêu đã yêu người khác, song mình phải khoan thứ, rộng lượng, yêu tất cả, đã yêu Tuyết Lan thì phải yêu cả người tình của nàng ”.
Tuyết Lan đưa đôi mắt trong sáng nhìn chàng, chờ đợi và hy vọng. Trung suy nghĩ một lát rồi mạnh dạn nói:
- Được, anh sẽ cố gắng giúp em, làm cho em sung sướng. Nhưng em muốn anh giúp em bằng cách nào?
Tuyết Lan cảm ơn chàng, rồi bày phương pháp cho chàng. Nghe xong, Trung cương quyết gật đầu.
Từ đấy, Đức và Trung trở thành đôi bạn thâm giao, vì họ cùng một tín ngưỡng và cùng một tư tưởng nên họ rất chóng hiểu nhau. Họ và Tuyết Lan thường đến chùa Cổ Lâm tụng kinh, đọc sách, có lúc họ vào xin Hòa thượng chỉ dạy cho những điều họ không hiểu. Cứ như thế, họ sống qua những ngày tháng êm đềm và thích thú.
Một hôm, chỉ có Đức và Trung ngồi với nhau, không biết vô tình hay hữu ý, Trung bỗng hỏi Đức:
- Anh Đức này, tôi xem ý Tuyết Lan đối với anh tốt lắm. Hơn nữa, nó là người có nhân phẩm, có học thức. Sao anh không ngỏ lời đính ước với nó? Có lẽ anh cho là nó không xứng đáng?
Đức suy nghĩ một lát rồi thản nhiên đáp:
- Tuyết Lan là người thiếu nữ ngoan ngoãn ít có. Tôi rất mến nàng.
Trung phá lên cười và thôi thúc:
- Thế thì anh hãy bạo dạn lên một chút nữa. Tôi cứ tưởng anh có ý định xuất gia nên mới thờ ơ. Nếu đã vậy thì từ nay anh phải tỏ ra hoạt bát, linh động và nói những lời tình tứ thắm thiết với nó; chứ đừng nên có thái độ “bát phong xuy bất động “mãi như thế!
- Anh Trung, anh không hiểu nỗi khổ tâm của tôi. Theo tôi, tình bè bạn có thể tùy thời mình cho hay lấy lại được; chứ tình yêu thì không thế! Nói đến tình yêu tất phải có trách nhiệm. Vả lại, chúng ta là Phật tử, cần phải nhận chân rằng sự sinh tử là việc hệ trọng; ái tình ràng buộc con người và là nguyên nhân của khổ não; người có trí nếu chưa xa lìa hẳn được thì cũng phải dập tắt dần dần, chứ không nên đắm đuối quá!
- Anh nói đúng! Song Đức Phật cũng cho phép những đệ tử tại gia sống cuộc đời yêu đương chính đáng, chứ Ngài không bắt buộc ai cũng phải xuất gia diệt dục. Tôi xem Tuyết Lan thương yêu anh lắm, chỉ còn đợi anh thổ lộ tâm tư mà thôi. Có lẽ nào tim anh không biết rung cảm?
- Tôi rất thâm cảm tấm chân tình của Tuyết Lan đối với tôi, nhưng anh nên biết rằng ở đời không có gì bền vững, con người hợp để mà tan, bông hoa tươi thắm rồi cũng có lúc tàn tạ, hạnh phúc ở đời bao giờ cũng kèm theo đau khổ, tình yêu của thế gian là do động cơ nhục dục và tự tư thúc đẩy. Bởi thế, tình cảm của tôi đối với Tuyết Lan từ trước đến nay là một tình bạn cao quý và thanh khiết.
Trung gật gật đầu, lòng chàng thầm phục và càng kính trọng Đức. Thảo nào mà sư phụ thường khen sức học Phật của Đức. Trung nhìn chàng đăm đăm, cảm thấy thái độ của chàng thật nhu mì và đạo đức khiến cho ai thấy cũng phải kính mến chàng.
- Nếu vì hạnh phúc của Tuyết Lan, sau này giả sử anh không xuất gia thì anh có săn sóc nó không?
Đức mỉm cười:
- Dĩ nhiên! Tôi đã chả nói là tôi mến nàng lắm là gì?
Đức ngừng một lát rồi chậm rãi nói tiếp:
- Song tất cả đều do nhân duyên định đoạt. Chúng ta không thể nói trước.
- Thế thì tôi yên lòng rồi! Tôi hy vọng lúc nào anh cũng lưu tâm đến Tuyết Lan.
- Anh nói gì kỳ vậy? Chúng ta là Phật tử mà lại sợ không có người lưu tâm săn sóc? Ví phỏng sau này cả anh và tôi đều không thể săn sóc Tuyết Lan thì vẫn có Đức Phật che chở nàng kia mà! Song điều tôi mong muốn nhất là tất cả chúng ta đều có thể thoát ly vòng ân ái để xuất gia học đạo. Đó là lý tưởng cao đẹp hơn cả!
- Tôi thì có hy vọng xuất gia được lắm, vì tướng mạo tôi xấu xí, người con gái nào thèm để ý đến tôi? Xấu người lại càng dễ tu! Sau này chỉ một chiếc bát đi vân du khắp đó đây, há không siêu thoát lắm ru?
Hai người nhìn nhau cùng cười, tiếp đó Đức nói:
- Anh nói coi bộ dễ quá, chưa biết đâu anh lại “quẵm “một cô, rồi vài năm sau là con cái quấn quít ngay đấy mà!
- A Di Đà Phật! Trung chắp hai tay đặt lên chiếc mũi hếch của chàng. Quẵm ai?
- Quẵm Tuyết Lan! Đức thẳng thắn nói. Tôi nhận thấy anh là người chồng tương lai mà Tuyết Lan có thể tin cậy suốt đời. Còn tôi, tôi không hiểu tâm lý đàn bà. Hơn nữa, tâm hồn tôi lại mơ ước một cảnh giới cao siêu khác, một ngôi chùa tịch mịch thanh u để …
- Nói nhảm. Trung cắt ngang câu nói của Đức. Cư sĩ tại gia cũng tu hành được chứ sao? Như ông Duy Ma và bà Thắng Mạn đều là đệ tử tại gia của Đức Phật, nhưng họ cũng thành tựu được hạnh nguyện cao cả của Bồ tát đó thôi!
Đến đây, Trung hạ thấp giọng và nói chậm hơn:
- Vì tôi xấu xí nên Tuyết Lan chỉ coi tôi như anh ruột của nó, còn đối với anh thì lại khác!
- Sao anh lại bắt chước thói đời, chỉ nhận xét và phán đoán con người theo hình thức bề ngoài? Riêng tôi, tôi nhận thấy anh là người thanh niên có khí phách, lòng anh cao đẹp lắm và đó mới là vẻ đẹp chân chính. Tôi chắc Tuyết Lan phải hiểu điều ấy.
- Buồn cười chưa! Tôi đến khuyên anh, song lại bị anh khuyên. Nhưng, như anh đã nói, tất cả đều do nhân duyên.
Hôm ấy, Đức và Trung cùng đưa Tuyết Lan lên lễ Phật trên núi Ngũ Đài. Sau khi lễ xong, sắp sửa ra về thì Đức đưa mắt nháy Trung, ý muốn bảo Trung đem quyết định của hai người nói cho Tuyết Lan biết. Trung hiểu ý, nên lúc họ vừa bước ra khỏi cửa chùa, Trung nói với Tuyết Lan:
- Hãy còn sớm, chúng ta đi ra phía sau chùa, ngồi trên bờ suối nghỉ chân và ngắm cảnh một lúc đi!
- Ý kiến anh Đức thế nào? Tuyết Lan hỏi.
Đức gật đầu:
- Cũng được! Anh Trung còn có chuyện muốn nói với em.
Khi tới bờ suối, ba người cùng ngồi trên một phiến đá lớn. Trung bắt đầu:
- Tuyết Lan à, Bình Tân thất thủ, em có thấy chiến sự ở Thượng Hải trở nên khẩn trương lắm không?
- Có, em có đọc tin tức trên báo.
- Trong lúc quốc gia lâm nguy như thế, là thanh niên, các anh phải làm gì?
Tuyết Lan đã linh cảm trước, nên hỏi lại:
- Thế các anh tính sao?
- Các anh đã quyết định mai lên đường tòng quân.
- Thật à? Tuyết Lan vội hỏi Đức.
Đức gật đầu. Tuyết Lan kinh ngạc. Ba người cùng yên lặng. Bầu không khí nặng nề như muốn nghẹt thở. Cuối cùng, Tuyết Lan hỏi qua giọng u uất:
- Sao các anh không cho em biết sớm?
- Sợ em bịn rịn. Đức đáp.
- Em sẽ không ích kỷ, em sẽ không ngăn cản chí nguyện cứu quốc của các anh.
Những giọt lệ tràn ra mí mắt và lăn xuống hai gò má của nàng.
- Thế thì em giỏi lắm! Trung nói. Mong em ở nhà hãy giữ gìn sức khỏe. Khi nào thắng lợi, các anh trở về. Lúc đó, chúng ta sẽ lại gặp nhau.
- Biết bao giờ mới được tái ngộ?
Đức nói an ủi nàng:
- Luật nhân quả của Phật đã dạy: “Kẻ tàn bạo không bền ”. Em cứ yên tâm, quân phiệt Nhật không thể dày xéo đất nước này lâu được!
- Mong các anh sẽ về sớm!
Khi thốt ra những lời ấy, Tuyết Lan đặc biệt nhìn Đức. Đức gật đầu.
Tuyết Lan lau nước mắt rồi theo Đức và Trung đi xuống núi. Khi họ về tới Nam Kinh, mọi nhà đều đã thắp đèn.
Ngay tối hôm ấy, Tuyết Lan tìm đến nhà Đức. Nàng mang theo một bức tượng Đức Quan Âm bằng vàng, trao cho Đức và nói:
- Đây là bức tượng Đức Quan Âm mà em thường mang ở cổ. Em tặng anh để anh mang theo trong người, vừa để cầu Ngài phù hộ cho anh, đồng thời cũng để kỷ niệm nữa.
- Cảm ơn em, anh nhìn thấy hình tượng Bồ tát Quan Âm cũng như nhìn thấy em vậy!
Nói xong, Đức và Tuyết Lan lại đến Trung để cùng lên chùa Cổ Lâm bái biệt Hòa thượng Tuệ Học. Sau khi biết ý định của họ, Hòa thượng nói:
Các con là thanh niên, lúc quốc gia lâm nguy mà biết lập chí cứu nước như thế, thầy cũng khen cho chí nguyện của các con. Dù các con có vì nước mà hy sinh thì đó là sự quang vinh của người thanh niên vậy!
Được Hòa thượng khuyến khích mấy câu, họ lại kiên quyết và tin tưởng hơn. Sau đó, vì đêm đã khuya nên họ bái biệt Hòa thượng rồi kéo nhau ra về.
Sáng hôm sau, Đức và Trung lên đường. Giờ phút chia ly mới ai oán làm sao! Tuyết Lan thấy lòng quặn đau và không thể nào ngăn được dòng lệ thảm.
******
Đúng vào lúc Đức và Trung tham chiến trên các mặt trận thì địch quân cũng mở các cuộc tấn công dồn dập và mãnh liệt để chiếm các căn cứ trọng yếu. Tiếng liên thanh, đại bác nổ vang rền; lửa từ mũi súng lóe lên như những lằn chớp giật, đạn bay như mưa, khói đen mù trời. Quân đội hai bên lần lượt xung phong và tiếp nhau ngã gục trước những ngọn súng đang nhả từng loạt đạn. Chiến tranh diễn tiến một cách vô cùng khốc liệt.
Tiếng súng thưa dần và cuối cùng chiến trường đã trở lại bình tĩnh. Từ cạnh một mô đất nhỏ, Trung lóp ngóp bò dậy, toàn thân lấm láp như người vừa dưới nấm mồ chui lên. Quân đội đã rút hết, chàng đưa mắt nhìn tứ phía, nhưng không thấy bóng quốc kỳ tung bay. Chàng thất vọng và biết chắc rằng lát nữa đây thế nào địch quân cũng sẽ đến quan sát và lục soát. Chàng sờ vào mình, bỗng chàng có cảm giác như người vừa tỉnh mộng. Đức, đồng bạn của chàng đâu? Trước mặt chàng như có những bóng đen lờ mờ đang lướt tới. Chàng không thể chạy được, chàng phải đi tìm Đức trong những xác chết nằm ngổn ngang trên mặt đất. Người thì gãy tay đứt chân, kẻ thì vỡ sọ, thủng bụng, máu me lênh láng như một dòng suối đỏ ngầu. Bầu không khí chết chóc bao trùm trên trận địa hoang lương thê thảm. Trung đang vội vàng tìm Đức, bỗng chàng nghe có tiếng rên rỉ ở đâu vang lên. Trung lắng hết sức để nghe, cuối cùng chàng nhận ra tiếng than thở văng vẳng từ một đống thây ma gần đấy. Lập tức, Trung chạy lại và dùng hết sức lực để bới đống xác người chồng chất lên nhau thì thấy một bộ mặt nhợt nhạt bị vùi ở dưới.
- Ô, còn sống, may quá! Trung sung sướng nói một mình. Chỉ bị thương ở đùi thôi, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng máu ra nhiều quá!
Vừa nói, Trung vừa xé một mảnh áo của chàng, rồi buộc vết thương lại để máu khỏi chảy. Lâu lắm, Đức mới hé cặp mắt lờ đờ nhìn Trung, mắt chàng mở to dần và khi chàng nhận ra Trung thì một cảm giác sung sướng tràn ngập lòng chàng. Nhưng chàng cố nói một cách yếu ớt và thương thảm:
- Tôi không có hy vọng sống được đâu, hãy chạy mau đi!
- Không! Hễ về được trạm cứu thương là anh sẽ sống.
- Thôi, xin anh đừng bận bịu vì tôi, mang theo một người bị thương vượt qua khu vực của địch là một việc vô cùng khó khăn. Sư phụ đã nói đem thân đền nợ nước là một vinh quang của chúng ta. Hiện giờ, tôi còn sống để được nhìn anh lần cuối cùng, thế là tôi thỏa mãn lắm rồi!
- Không! Tôi không thể bỏ anh.
- Đi đi! Anh chạy mau đi. Nếu không, chúng ta sẽ chết cả! Đức quả cảm nói. Xin anh về báo cho cha mẹ tôi, báo cho sư phụ và Tuyết Lan, nói là tôi đã đi theo chư Phật. Xin đừng thương xót và đau buồn.
Mấy giọt lệ anh dũng tràn ra mí mắt Đức và chàng nghẹn ngào thổn thức nói:
- Mong anh hãy săn sóc Tuyết Lan, đem bức tượng Đức Quan Âm này trả lại nàng.
- Không! Anh không đi thì tôi cũng không đi. Chúng ta cùng chết với nhau!
Trung lại thúc giục và khuyên giải thêm:
- Nếu ở lại đây, chúng ta sẽ bị quân địch bắt làm tù binh, như thế thì càng tủi nhục hơn! Nào, đứng lên! Tôi cõng anh đi.
Đức cúi đầu yên lặng. Trung bế chàng dậy. Một cảm giác đau đớn nhức nhối chạy khắp người chàng, toàn thân chàng như tan rã. Bám trên lưng Trung, chàng khổ sở nói:
- Anh Trung, xin anh để tôi ở lại đây! Tôi không thể đi được. Hơn nữa, đi như thế này thì nguy hiểm cho anh lắm!
- Thôi, anh đừng nói nhiều.
Trung cặm cụi cõng Đức đi. Khi họ tới bờ sông, trời đã nhá nhem tối. Trung đặt Đức ngồi nghỉ một lát trên bờ sông và để quan sát địa thế. Con sông nhỏ hẹp không sâu lắm và cây cối um tùm hai bên bờ, tạo thành một hàng rào phòng ngự thiên nhiên. Bên kia sông, chắc là ít quân địch.
Trung tìm một khúc nông và hẹp, rồi cõng Đức qua sông. Họ vừa mới lóp ngóp lên được bờ sông bên kia thì bỗng một tràng liên thanh vang lên từ phía bên này sông. Hai người vội nằm sát xuống đất, nín thở để nghe ngóng và họ yên lặng trong một hồi lâu.
Màn đêm đã phủ kín, gió lạnh, sương mờ, bốn bề tịch mịch hoang lương, lòng họ luôn luôn thầm niệm danh hiệu Phật.
- Anh Trung ơi! Địch quân đã biết mục tiêu của ta rồi. Anh hãy bỏ tôi đây, một mình anh chạy mau đi!
-Chỉ cần qua được giai đoạn khó khăn tối hậu này là chúng ta nhất định trở về đến đồng đội.
-Bây giờ, ta đi về phía tay mặt; qua ba cánh đồng thì sẽ tới một hào lũy và qua hào lũy ấy là đến dinh trại, thế là an toàn rồi!
Đường đất gập ghềnh khó đi. Trung cõng Đức mò từng bước trong đêm tối. Thực sự, chàng thấy mệt mỏi vô cùng. Khi họ gần tới hào lũy, lại một loạt liên thanh vang lên, rồi tiếp sau đó là một ngọn đèn pha xanh lè từ một đồn bót nào gần đấy phóng ra, như một ngọn chổi, ánh sáng quét trên cánh đồng rồi dừng lại trên thân hình Đức và Trung. Một nhân viên từ đồn bót chiếu kính viễn vọng theo ánh đèn và thấy hai người mặc y phục quốc quân, liền ra lệnh cho mấy binh sĩ tiến đến để dò xét. Khi họ tới nơi thì phát giác Đức và Trung đang nằm bất tỉnh. Lập tức, họ đưa hai người về dinh trại cứu cấp.
Nhưng liền sau đó, Đức đã tỉnh. Chàng mở mắt tìm Trung thì thấy Trung đang nằm bên cạnh. Mặt Trung tái mét, máu thấm đầy ngực áo. Một cảm giác đau thương đã xâm chiếm cõi lòng Đức, toàn thân chàng run rẩy, nước mắt trào ra, chàng khẽ lay lay người Trung và gọi “Anh Trung! Anh Trung! ”, nhưng không thấy Trung trả lời. Đức ôm lấy Trung, hai hàng lệ ràn rụa ướt đẫm hai gò má hốc hác nhợt nhạt của chàng:
- Anh Trung! Tôi làm khổ anh, tôi đã hại anh, xin anh tha thứ cho tôi!
Dứt lời, Đức đổ người xuống. Một cơn đau đớn kịch liệt bộc phát, máu lại tuôn ra từ vết thương của Đức. Chàng cảm thấy như trăm ngàn mũi dao bén nhọn đang xỉa xói vào tâm can chàng. Chàng quờ quạng một lúc, rồi đôi mắt trợn lên và cũng trút hơi thở cuối cùng.
******
Sau khi Đức và Trung vĩnh biệt cõi đời, trong những di vật của Đức, người ta thấy một phong thư đã viết từ trước, đề gởi cho một người con gái tên Tuyết Lan; ngoài bì thư nói là nhờ viên đội trưởng mở ra xem rồi trao tận tay cho Tuyết Lan.
Bức thư của Đức viết như sau:
Tuyết Lan,
Đêm nay, ngoài tiền tuyến, anh đang ngồi trong một chòi gác nơi đèo heo hút gió để viết bức thư này cho em. Sự sống chết của các anh qua giờ nào biết giờ ấy, được ngày nào hay ngày ấy. Đối với em, anh vẫn còn ôm ấp một tâm sự trong lòng mà chưa bao giờ anh nói ra. Bởi thế, anh viết trước mấy hàng này để lại. Nếu anh được vinh hạnh hiến thân cho tổ quốc, mong rằng anh em đồng đội sẽ hiểu thấu nỗi lòng anh và sau khi thắng lợi sẽ mang bức thư này trao tận tay em.
Tuyết Lan ơi! Con người từ xưa đã ai tránh khỏi cái chết? Nhất là đối với chúng ta, những người Phật tử kiền thành, sự sống chết chẳng khác gì bọt trên mặt nước. Anh thú thật với em rằng khi anh ghi tên tòng quân, anh đã lập chí nguyện là sẽ chiến đấu và bỏ mình trên sa trường để đền nợ nước.
Điều đó không phải là không có lý do. Tuyết Lan ạ, mối tình thắm thiết và thầm kín của em đối với anh, anh đã hiểu từ lâu. Nhưng Tuyết Lan ơi, trước khi anh được quen biết em, cũng đã có một người mang lòng thầm yêu trộm nhớ em rồi! Người ấy tự cho mình xấu xí nên không dám thổ lộ tâm tình cùng em. Trái lại, chàng nuốt khổ, chịu đau và giúp đỡ em để mang lại mối tình khắng khít giữa chúng ta. Tâm hồn chàng cao cả như vậy, lẽ nào anh lại có thể ích kỷ và tự tư?
Tuyết Lan ạ, người ấy chính là Trung, bạn thâm tình của chúng ta.
Trung là một thanh niên có phẩm tính cao thượng. Trong quân ngũ, các anh vui buồn có nhau, hoạn nạn có nhau; các anh đối với nhau như tình ruột thịt. Trung cứ nhắc anh khi nào thắng lợi trở về thì phải kết hôn với em. Còn Trung, chàng nguyện trọn đời hiến thân cho Phật pháp. Tuyết Lan, anh biết nếu anh làm thế thì lương tâm anh sẽ cắn rứt suốt đời. Anh quy y Phật từ lâu, trong gia đình anh còn nhiều anh em, ba má anh đã dạy anh phải thương yêu người khác như thế nào? Anh yêu em và yêu cả Trung, tình yêu không nhất định cứ phải kết hôn. Yêu là hy sinh. Khi còn tu hành, chư Phật và Bồ tát đã thương yêu cả muôn loài, đem thân mệnh bố thí cho cọp đói. Trung và anh cùng một tín ngưỡng, cùng một tôn sư, sướng khổ có nhau, làm sao anh có thể cướp người mà Trung hằng yêu thương?
Tuyết Lan, anh mong em đừng xét người theo bề ngoài. Nếu anh có hy sinh cho tổ quốc và khi quân đội trao bức thư này đến tay em, anh xin em hãy sớm kết duyên với Trung. Nếu được như vậy, anh sẽ ngậm cười nơi chín suối và chúc mừng hạnh phúc của các em.
Ngày 4 tháng 3 năm Dân quốc thứ 29
CHU ĐỨC
Viên đội trưởng xem xong bức thư, tỏ vẻ rất cảm động. Ông giao phong thư cho một nhân viên tình báo, dặn phải tìm đến trao tận tay Tuyết Lan hiện bị kẹt trong khu vực do địch kiểm soát, đồng thời viết thêm một bức thư gửi kèm theo để báo cho nàng biết là Đức và Trung đều bỏ mình ngoài mặt trận.
Ít lâu sau, trong số các sư nữ ở am Tử Trúc tại Nam Kinh, người ta thấy một ni cô trẻ đẹp đã tốt nghiệp tại Đại học Trung ương và mới xuất gia, trông nàng như một người mẹ hiền. Nàng đã đem tình yêu Đức và Trung dâng lên Đức Phật và hiến cho hết thảy chúng sinh. Nàng lấy công việc từ thiện và cứu tế xã hội làm sự nghiệp.
Đáng tiếc là loạn ly lại phát khởi, không biết ngày nay ra sao? (hết)
3. Sầu Vương Mớ Tóc
Mưa thu rả rích, trời thu ảm đạm một màu, thỉnh thoảng một trận gió ào ào lùa qua khóm lá.
Con đường mòn dẫn đến đỉnh núi gập ghềnh, khúc khuỷu, nằm im lìm giữa những lùm cây rậm rạp. Một người lữ hành, đầu đội chiếc nón lá, đang lủi thủi bước những bước nặng nề đi lên. Bốn bề vắng lặng, những hạt mưa đập vào nón chàng, phát ra những tiếng lộp độp buồn tẻ.
Vóc người chàng cao và gầy, chiếc nón trùm lên đầu chàng và che luôn cả tuổi tác, nên người ta không nhận ra chàng là một ông già hay một người trẻ tuổi. Người ta chỉ biết chàng đang dầm mưa nhắm thẳng ngôi chùa trên đỉnh núi tiến lên. Ròng rã hai mươi năm qua, chàng đã đặt chân đến nhiều cảnh chùa, ai ngờ một người kép hát lại có thể là một tín đồ Phật giáo kiền thành, song vẫn chưa ai hiểu được nguyên nhân thầm kín khác.
Chàng bỏ chiếc nón xuống, để lộ ra một mái tóc ngắn, mượt và đã gần trở thành mầu hoa râm. Chàng kính cẩn đến quỳ trước Phật đài, chắp tay nhìn lên Đức Từ Tôn và đôi môi chàng khẽ rung rung.
Khoảng năm phút sau, chàng từ từ đứng dậy, đi đến chỗ để quyển sổ ghi công đức và nâng cây bút lên, chàng đề tên mình vào cuốn sổ. Buông cây bút xuống, chàng đưa mắt nhìn lơ đãng, cặp mắt sáng đẹp như có sức thu hút người ta, nhưng cũng chứa đựng một nỗi u buồn khó tả.
Rồi như không để ý đến mưa gió, chàng nhấc chiếc nón lên, nhưng bỗng mắt chàng dừng lại trên hình tượng Đức Phật một lần nữa. Chàng tiến đến Ngài, đăm đăm nhìn Ngài và đưa ngón tay dài nhỏ sờ vào bàn tay của Ngài. Một lát sau, chàng từ từ rút tay ra. Khi quay lại, chàng thấy một ni cô đang đứng sau chờ chàng lui ra để vào thắp hương. Chàng vừa đi được mấy bước thì bỗng nhiên như có sức gì lôi chàng ngoảnh lại: Hai cặp mắt nhìn nhau kinh ngạc, chiếc nón rơi khỏi tay chàng, chàng xăm xăm bước tới quỳ xuống bên chân ni cô:
- Lan Hương! Lan Hương! Đã hai mươi năm rồi, bây giờ anh mới tìm thấy em.
Ni cô lùi lại mấy bước, cau mặt nhíu mày và cố trấn tĩnh. Một hồi lâu, với giọng chìm và nặng, ni cô khẽ nói:
- Con người tất cả đều do duyên nghiệp định đoạt, chúng ta hãy vui vẻ nhận lấy. Anh … đi mau đi!
- Không! Không! Sao em tàn nhẫn thế? Em có thể đuổi anh đi? Anh tìm em đã hai mươi năm trời, thời gian hai mươi năm ngắn ngủi lắm sao? Lan Hương, em còn nhớ rặng tre năm xưa không? Em quên phiến đá ấy rồi à? Không biết bao nhiêu lần chúng ta đã ngồi và nô đùa trên phiến đá ấy. Và cũng bên cạnh phiến đá ấy, chúng ta đã nguyện ước trăm năm …
- Tôi đã hiến thân cho Phật pháp, đã hiểu rõ lý duyên sinh. Tôi đã phát nguyện noi theo tinh thần đại từ đại bi của Đức Phật, làm việc cứu độ mọi người, mở rộng lòng thương yêu tất cả … Hai mươi năm qua, tôi vẫn còn cất giữ một vật nhỏ, hôm nay có thể đưa cho anh mang về và coi như mối trần duyên của chúng ta đến đây là chấm dứt!
Nói xong, ni cô phủi áo và nhẹ nhàng lướt vào hậu cung. Chừng mười phút sau, ni cô trở ra, tay cầm một gói giấy, phía ngoài buộc bằng một sợi băng lụa màu lam. Ni cô trao cho chàng:
- Đây là vật ngày trước anh muốn và tôi cũng đã bằng lòng cho anh. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn giữ bên mình. Hôm nay, điều ước mong duy nhất của tôi đã đến, đó cũng là nhờ sức giúp đỡ của các vị bồ tát. Song tôi xin anh về đến chỗ trọ hãy mở ra xem. Anh có bằng lòng thế không?
Giọng ni cô bình tĩnh và nghiêm trang. Chàng gật đầu và run rẩy, lòng chàng se lại. Chàng đưa tay ra đỡ lấy gói giấy:
- Lan Hương, hãy về với anh! Chúng ta không nên chối bỏ hạnh phúc để rước lấy khổ đau. Chúng ta còn có hy vọng, có tình yêu và tương lai của chúng ta còn dài. Em đừng vội chán nản cuộc đời.
- Tôi đã tin chư Phật và Bồ tát, tin luật nhân quả. Tôi sẽ vui lòng nhận tất cả những gì rủi ro và đau khổ. Trước kia, tôi cũng như anh, thường phán đoán một cách nông nổi và chủ quan. Tôi cũng đã cho rằng những người “đem mình gởi chốn am mây “là những người ru hồn trong cõi mộng, là những kẻ chán đời và trốn tránh thực tế. Nhưng nhờ sự học hỏi, tìm hiểu và sống theo giáo lý trong hai mươi năm qua, tôi thấy rằng đạo Phật không phải là đạo chán đời như người ta thường lầm tưởng, mà trái lại những người tu theo Phật giáo Đại Thừa là những người yêu đời vô cùng! Nếu nói đạo Phật chán đời thì chưa đủ. Phải nói rằng đạo Phật chán cuộc đời nhơ nhớp xấu xa, cuộc đời ích kỷ đê hèn và tham lam ngu dại; song đối với cuộc đời trong sạch sáng suốt, cuộc đời vị tha cao cả thì đạo Phật rất thiết tha yêu mến. Thôi đến giờ rồi, xin phép anh tôi đi vào.
Dứt lời, ni cô chắp tay chào chàng, rồi cúi đầu đi vào phía sau Phật điện. Chàng bước theo:
- Đừng! Lan Hương! Anh van em, hãy về với anh!
- Tuấn Khanh! Tôi đã nói duyên phận của chúng ta đã hết, tất cả đều qua rồi!
- Không thể qua được! Em hãy nghe anh nói đây …
- Nói gì? Thôi, sáng mai anh trở lại vậy, lúc đó hãy nói! Giọng ni cô lạnh nhạt.
- Anh không thể đợi đến ngày mai, anh đã sống trong đau khổ và sầu muộn qua bao nhiêu cái ngày mai rồi! Lan Hương! Giọng chàng cảm động. Ròng rã hai mươi năm trời, có lúc nào em nghĩ đến cuộc sống của anh ra sao không? Anh cũng chỉ tin tưởng ở Phật và Bồ tát, tin ở nghiệp duyên. Anh đã theo gánh hát đi khắp các thành thị. Anh chú ý đến từng người qua lại, song không có em, lúc đó em ở đâu? Lan Hương, cuối cùng anh chỉ còn biết đến các chùa lễ bái, xin chư Phật và Bồ tát chứng giám tấm lòng thành khẩn của anh. Giờ đây, anh đã tìm được em, sao em nỡ hắt hủi anh như thế?
Ni cô mím chặt đôi môi khô héo và đứng lặng người dưới bóng hình tượng Đức Phật.
- Lan Hương, hãy theo anh về, anh chỉ muốn lúc nào cũng được sống bên em, thế là đủ rồi! Hiện giờ, không còn ai ngăn trở chúng ta nữa. Anh sẽ đưa em đi lễ Phật, đi du ngoạn các nơi. Chúng ta sẽ ngồi trên phiến đá nhẵn bóng ấy để nói chuyện và cười đùa như những năm xưa. Lan Hương, hãy nói đi, tại sao em cứ yên lặng?
Đứng trước mặt người yêu đã xa cách hai mươi năm trường, tình cảm trong lòng chàng dào dạt như sóng biển.
Cõi lòng của ni cô như một quả núi, không một sức gì của người đời có thể làm rung động. Ni cô khẽ đáp:
- Độ mười giờ sáng mai, anh trở lên đây, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Giờ xin lỗi anh cho tôi đi vào.
Dứt lời, ni cô chuyển bước, lách mình qua cửa nách phía sau Phật điện để xuống nhà dưới. Chàng vội đi theo, nhưng vừa đến cửa thì một vị sư ni già bỗng xuất hiện.
- Đàng sau không tiện vào, xin ông dừng lại! Giọng vị ni già nghiêm nghị và như ra lệnh.
- Tôi vào tìm Lan Hương. Lan Hương là em họ của tôi.
- Người tu hành có bổn phận riêng. Mời ông hãy ra ngồi phía ngoài uống nước.
Vị sư già gầy guộc đứng chắn ngang lối đi của chàng như một bức tường sắt. Chàng đành nén tình cảm xúc động và ôm niềm hy vọng chờ đến ngày mai. Chàng nắm chặt lấy gói giấy, lặng lẽ bước ra khỏi Phật điện và thất thểu đi xuống núi. Chàng quên cả chiếc nón, quên cả mưa dầm. Tâm hồn chàng lúc ấy đã hoàn toàn bị hình ảnh của người mặc chiếc áo mầu khói hương ngự trị, hình ảnh trang nghiêm và lãnh đạm làm sao!
Về đến nhà trọ, chàng vào thẳng phòng, đóng chặt cửa lại rồi hồi hộp cởi dải băng lụa buộc ngoài gói giấy. Chàng dần dần nhận ra đó là vật mà hai mươi năm về trước chàng đã tặng nàng nhân dịp sinh nhật mười tám tuổi. Tim chàng bắt đầu đập mạnh, bàn tay chàng run rẩy mở từng vòng băng lụa mầu lam cũ kỹ, những vòng lụa xổ ra đến đâu thì chàng có cảm tưởng như từng khúc ruột của chàng cũng đang đứt theo. Cuối cùng, gói giấy được mở tung ra, trong đó có một lọn tóc dài cuộn tròn kèm theo một hàng chữ nhỏ: “Đây là mái tóc của em, nếu có ngày nào được giao đến tận tay anh thì coi đó là chút duyên phận cuối cùng của chúng ta ”. Chàng bùi ngùi đau đớn nhìn lọn tóc và hàng chữ. Những việc quá khứ lại lần lượt diễn ra trong ký ức của chàng.
Hồi ấy, chàng mới mười hai tuổi và vẫn còn học tiểu học. Một lần hết niên học, nhà trường tổ chức một buổi kịch nghệ. Lan Hương, bạn cùng lớp và cũng là em con cô con cậu của chàng, kéo chàng đi để cùng đóng vai tiên nữ với nàng, vì đến giờ trình diễn thì trong số nữ diễn viên thiếu một người bạn gái của nàng. Song một việc không ngờ đã xảy ra là chàng cải trang trông rất đẹp. Trên sân khấu, chàng nhảy múa mềm mại, uyển chuyển giống hệt như một cô con gái. Từ thầy giáo và phụ huynh cho đến các học sinh trong trường đều vỗ tay hoan hô khen ngợi chàng, chàng cảm thấy niềm sung sướng tràn ngập lòng. Từ đó, đối với những động tác và phục sức của phái đẹp, chàng càng ngày càng có hứng thú. Ai có ngờ đâu buổi biểu diễn tình cờ ấy đã quyết định lẽ sống và nghề nghiệp của đời chàng. Hai năm sau, cha mẹ chàng kế tiếp nhau qua đời. Một mình côi cút, không nơi nương tựa, chàng được đưa đến một đoàn hát lưu động để chính thức xin học nghề. Nhờ thông minh và có biệt tài, thêm vào đó là nhờ có cảm hứng và sức cố gắng nên chỉ trong vòng năm năm, chàng đã trở thành một nghệ sĩ rường cột của đoàn và đi trình diễn khắp nơi.
Song tính tình chàng trở nên trầm mặc. Mỗi khi tan buổi hát, chàng thường ngồi một mình suy nghĩ đăm chiêu như thả hồn vào cõi mộng. Trong những giờ phút ấy, cõi lòng chàng là một bãi sa mạc hoang vu trống lạnh. Người duy nhất có thể mang sinh thú đến cho chàng là Lan Hương. Nàng yêu chàng, hiểu chàng, an ủi chàng và sẵn sàng trở thành người bạn đồng hành trên con đường đời của chàng sau này, nhưng liệu chàng có xứng đáng không? Một anh kép hát có thể nào kết hôn với một nữ sinh trung học con nhà giàu có? Tuy cha mẹ Lan Hương là cậu mợ của chàng, song từ khi chàng gia nhập đoàn hát để kiếm miếng ăn, họ đã khinh rẻ chàng, thậm chí còn tỏ ra không muốn cho chàng đi lại với Lan Hương, nhưng chàng và nàng không thể chịu đựng được! Trái lại, nếu có cơ hội gặp gỡ, họ không bao giờ bỏ qua. Do đó, họ càng lén lút hẹn hò nhau. Nỗi khổ tâm của họ càng sâu xa thấm thía, càng đau khổ bao nhiêu thì tình cảm của họ càng trở nên chân thành bấy nhiêu! Họ yêu đương trong một hoàn cảnh cực kỳ tàn ác.
Một buổi chiều mùa hạ, chàng vừa vượt qua hai trăm cây số từ một thành thị nọ trở về. Chàng không đi đâu, chỉ đến thẳng rặng tre xanh bên bờ sông, ngồi trên phiến đá để đợi chờ. Chàng không dám về nhà cậu mợ. “Con gái tôi đâu có thể lấy một thằng kép hát ”, câu nói ấy đã như một mũi kim xuyên vào trái tim chàng từ lâu và hiện giờ vẫn còn đau nhói. Chàng ngồi trên phiến đá, hy vọng được gặp Lan Hương để trao tận tay nàng một vật mà chàng mang về tặng nàng nhân dịp sinh nhật, rồi lại lên đường trở về đoàn hát, trở về với ánh đèn mầu trên sân khấu.
Chàng hồi hộp phóng tầm mắt nhìn đám nữ sinh đang từ xa tiến tới. Chàng thấy Lan Hương khoác tay bạn nàng, nói cười vui vẻ. Ánh chiều tà còn rớt lại rọi vào mặt nàng, làm cho cặp má tròn trĩnh của nàng ửng hồng như trái dâu mọng đỏ; mái tóc dài, óng mượt, đen huyền chảy xuống hai bờ vai; chiếc mũi cao, thẳng; đôi mắt trong sáng và thân hình uyển chuyển. Tất cả đã tạo nên cho nàng một vẻ đẹp dịu dàng và quyến rũ. Chàng nhìn Lan Hương chằm chặp, nhìn ý trung nhân của nàng; chàng có cảm tưởng như tình yêu và hạnh phúc đã tuột khỏi tay chàng, đã rời xa chàng và người nắm bắt được Lan Hương, hình ảnh của hạnh phúc, nhất định sẽ không phải là chàng. Chàng, một anh kép hát chỉ mơ ước viển vông mà thôi!
Tà áo thướt tha và cặp mắt đen láy đã hiện ra gần trước mặt chàng, lòng chàng rạo rực, không che dấu được niềm hân hoan vui sướng, chàng khẽ cất tiếng gọi một cách bẽn lẽn:
- Lan Hương!
- Ai gọi? A, Tuấn Khanh! Lan Hương buông tay bạn ra, rồi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng, chạy đến trước chàng: Sao anh lại về vào giờ này? Sao không viết thơ cho em biết trước?
- Anh không kịp viết thơ, nhưng thế này không thích hơn à?
Chàng nhoẻn miệng cười, duyên dáng như một cô con gái. Song khi chàng vừa ngẩng đầu nhìn lên thì vẻ tươi vui trên khuôn mặt chàng vụt biến mất. Chàng thấy các bạn của Lan Hương đứng xa xa cười cợt và chế giễu. Chàng nghe thấy tiếng họ văng vằng:
- Anh kép hát, bạn trai thân nhất của con Lan Hương đó!
- Nghe đâu tụi nó có họ hàng với nhau mà! Từ nhỏ đến lớn, hai đứa vẫn sống chung với nhau thôi!
- Con Lan Hương thật vớ vẩn! Sao lại đi làm bạn với một anh kép hát thế không biết, hay là mê anh ta rồi?
- Anh sao vậy, Tuấn Khanh?
Lan Hương thấy vẻ buồn hiện lên nét mặt chàng, nhưng khi nàng quay lại nhìn về phía các bạn, nàng mới hiểu rõ nguyên nhân, liền mỉm cười âu yếm:
- Đi, chúng ta đến ngồi trên phiến đá!
- Lan Hương, anh thấy khó chịu lắm! Chàng có ý đi sau nàng mấy bước, chứ không dám đi song song với nàng.
- Sao mà khó chịu? Chúng nó nói đùa cho vui đấy mà! Em vẫn thường chẳng nói đùa với chúng nó là gì?
- Anh phải về ngay tối nay.
Lan Hương trố mắt nhìn chàng:
- Chiều nay anh về gặp em với mục đích là báo cho em biết anh phải trở về ngay tối nay?
Chàng ấp úng đáp:
- Anh … anh … Lan Hương, em hiểu cho lòng anh là đủ rồi!
Nàng cười:
- Vậy anh không hiểu lòng em à? Thôi đi! Đến ngồi trên phiến đá nói chuyện cho mát.
Nàng cầm lấy tay chàng kéo đi.
Chẳng ai biết là người nào đã đưa phiến đá ấy đặt bên rặng tre xanh, mà cũng không biết nó đã nằm đấy từ đời kiếp nào. Nó đã sáng bóng và nhẵn thín vì bao nhiêu người qua lại đều ngồi trên phiến đá ấy để nghỉ chân. Nhất là bọn trẻ con, lúc thì chúng ngồi, lúc chúng nằm, có lúc chúng lại lấy nó làm nơi ẩn nấp trong khi chơi trò “ẩn bắt ”. Bọn trẻ ấy đều lớn khôn cả rồi, nhưng phiến đá thì vẫn thế, cứ nằm trơ trơ ở chỗ cũ, không hề xê dịch. Tuấn Khanh và Lan Hương cũng đã từng qua những ngày ấu thơ bên cạnh phiến đá ấy, họ ngồi trên phiến đá nô đùa vui vẻ; cũng có khi họ hờn dỗi, giận dữ; lại có lúc họ mơ màng tưởng tượng họ đang ngồi trên một con thuyền nhỏ, lặng lẽ theo dòng nước biếc đi đến một cõi thần tiên nào … Nhưng thời gian qua, họ đã lớn khôn, họ không còn mơ tưởng thế nữa mà mơ ước một cảnh giới yêu đương, trong đó họ sẽ hoạch định cuộc sống tương lai.
- Bây giờ em hỏi anh, anh có thể ở lại đây được mấy ngày?
Lan Hương ngồi xuống phiến đá trước, đặt chiếc cặp sách một bên, đó là cử động quen thuộc của nàng đã bao năm qua.
Tuấn Khanh cũng ngồi theo nàng:
- Có thể ở lại ba ngày, nhưng …
Lan Hương sung sướng nắm lấy tay chàng:
- Thế thì được rồi, ngày mai là thứ bảy, chỉ học có nửa buổi; ngày kia là chủ nhật, thứ hai em xin nghỉ, thế là được chơi với anh ba hôm, có được không nào?
- Anh rất tiếc vì hoàn cảnh mà phải bỏ học để đi làm cái nghề hát xướng này, không được mở mặt với đời!
- Cần gì phải mở mặt với đời? Hãy mở mặt với chính mình đi, mở mặt với em mà không đủ à?
Nàng siết chặt tay chàng, tỏ dấu hiệu an ủi, khích lệ và cũng để bày tỏ lòng nàng.
- Còn cậu mợ …
Nói đến cậu mợ, chàng phát run.
- Cậu mợ cũng sẽ bằng lòng, vì người thương em lắm! Chỉ cần …
Nàng nhìn chàng bằng cặp mắt tràn đầy tình cảm và bỏ lửng câu nói.
- Chỉ cần sao? Em nói đi!
Tay chàng cũng nằm chặt trong tay nàng và chàng có cảm giác hồi hộp.
- Chỉ cần anh cố gắng hơn nữa trong nghề nghiệp, đừng tưởng thế đã là hoàn toàn rồi!
Chàng trút một hơi thở nhẹ nhõm:
- Chỉ cần có em, anh sẽ hết sức cố gắng là một ngôi sao chói rạng nhất trong đám tài tử. Hát xướng không phải là một nghề hèn hạ!
- Tối nay, anh về nhà em ngủ?
- Không được! Anh đã có chỗ ngủ. Ngày mai, anh sẽ đến chúc mừng em.
- Chúc mừng? Lan Hương mở to cặp mắt, hỏi.
- Mai là sinh nhật của em, em quên à?
- À, nàng cười, thế mà chẳng thấy má nhắc gì đến cả!
- Nhất định mợ đã sắp đặt rồi. Sinh nhật thứ mười tám của em mà mợ quên sao được?
Vừa nói, chàng vừa móc trong túi ra một cái hộp nhỏ bằng nhung trông rất xinh xắn và trao cho nàng:
- Anh tặng em cái này!
- Ái chà! Anh còn mang quà về cho em kia à? Cái gì đây? Nàng hớn hở đỡ lấy cái hộp.
- Em mở ra coi!
Nàng sung sướng mở chiếc hộp ra, thấy trong đựng một chiếc nhẫn và một dải băng lụa màu lam để buộc tóc.
- A, chiếc nhẫn đẹp quá! Nàng thích thú ướm chiếc nhẫn vào ngón tay.
- Em hãy buộc thử dải băng xem nào!
- Được!
Rồi như một cô bé, nàng xỏa mái tóc xuống và cầm lấy dải băng.
- Thong thả. Chàng không thể tự nén được tình cảm, đưa tay vuốt mái tóc đen dài và mềm mại như nhung tơ của nàng. Để tóc dài xuống trông thướt tha và mơ mộng lắm!
- Anh thích để dài xuống? Nàng ngả đầu vào chàng.
Chàng đưa tay véo yêu trên má nàng:
- Lan Hương, anh xin em đừng bao giờ uốn tóc cả.
Nàng cười:
- Không uốn để nó dài quét đất thì sao?
- Quét đất trông càng đẹp. Em cứ để dài đi!
- Được rồi! Nhưng giả sử có ngày em cắt đi thì sao?
- Thì cất để dành cho anh.
- Thế hả? Cho anh, song em nhất định cứ nuôi cho thật dài, dài đến chừng nào anh ghét thì thôi!
Nàng nũng nịu ngả đầu sát vào má chàng. Mùi thơm phưng phức từ mái tóc nàng toát ra, chàng thì thầm bên tai nàng:
- Với em, không bao giờ anh biết ghét là cái gì! Anh chỉ tự ghét cái phận nghèo của anh.
- Anh biết em ghét ai nhất không?
- Ghét anh?
- Đúng rồi, em ghét anh lắm! Ghét người hay có tính tự ti mặc cảm, không dám ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt ai.
- Lan Hương! Chàng cúi đầu.
Nàng quay đi và hạ giọng nói:
- Ghét anh, nhưng em vẫn cứ yêu anh.
Chàng ngẩng đầu lên và mắt rướm lệ:
- Em cứ yêu anh?
Nàng gật đầu.
- Cậu mợ không cho thì sao?
- Thì em đi!
- Đi theo anh?
- Không! Em muốn sống cuộc đời tự lập, làm bất cứ việc gì cũng được và sẽ không bao giờ trở về.
- Em nhẫn tâm bỏ cậu mợ?
- Trừ khi nào ba má bằng lòng thì lúc đó em mới về.
- Em cũng không cho anh biết?
- Không! Em không muốn người ta cho là em đi theo trai. Em muốn anh không mang tiếng và em cũng không mang tiếng.
- Thế em sẽ không nghĩ gì đến anh? Tay chàng lại siết chặt lấy tay nàng.
- Mà sao cứ nói những chuyện hão huyền vậy? Em biết ba má thương em lắm mà!
Nàng nhoẻn miệng cười, rồi đưa tay lên tết nút băng lụa trên đầu thành hình con bướm. Dải băng mầu lam càng làm cho mái tóc mềm mại và óng ả của nàng thêm vẻ khả ái. Nàng hỏi:
- Thế nào?
- Trông thật thướt tha và đẹp lắm! Chàng ngây ngất nhìn nàng và suối tóc mơ mộng của nàng.
- Ai mượn anh khen? Nàng nở một nụ cười quyến rũ.
- Lan Hương, thật em có định …?
- Định gì?
- Kết hôn với anh?
- Trừ khi em đi tu thì thôi!
- Lan Hương, thật anh cảm động vô cùng!
Nàng rũ tóc một cái rồi cầm lấy cặp sách đứng dậy:
- Thôi, ta đi về đi!
Chàng cũng đứng dậy theo:
- Anh đưa em đến gốc cây kia.
- Thật anh không về nhà em à?
Chàng đau khổ lắc đầu:
- Em vẫn chưa hiểu rõ hoàn cảnh? Ngày mai, anh đến mừng em.
- Thôi được, mai em đợi anh, nhưng phải đến sớm kia đấy!
Lan Hương sửa lại mái tóc, vuốt lại tà áo, rồi xua tay cười:
- Vậy khỏi phải tiễn chân em nữa!
Chàng đứng nhìn theo cho đến khi hình ảnh lả lướt của nàng đã khuất sau lũy tre trong ngõ vắng ngập bóng hoàng hôn, lúc ấy chàng mới thơ thẩn ra về.
Thật ra, cha mẹ Lan Hương đã ngầm chuẩn bị bữa tiệc sinh nhật của nàng rất lớn. Tại sao lại làm lớn? Chắc cũng có lý do gì trong đó! Thôi thì mua thứ này, sắm thứ nọ và cho phép Lan
Hương được tự do mời các bạn bè đến dự tiệc.
Cặp mắt nàng sáng lên:
- Má cho phép con được tự do mời các bạn con, hả má?
Mẹ nàng cười:
- Ai nói dối con?
- Vậy con sẽ mời Phương Thảo và Tuyết Anh, có được không ạ?
- Dĩ nhiên!
- Lại còn anh Phác và … và …
Nàng ngần ngừ một lát rồi nói:
- Và anh Tuấn Khanh
Đôi má của mẹ nàng xị xuống, song bà vẫn mỉm cười:
- Những người kép hát nay đây mai đó, biết đâu mà tìm mà bảo?
Lan Hương dò xét:
- Nếu anh ấy về kịp?
- Thì cũng được chớ sao! Nhưng chắc nó không muốn đến đâu. Thôi, con vào mặc thử bộ đồ mới xem, má còn nhiều việc khác.
Mẹ nàng dắt nàng đến cửa phòng, bà nở một nụ cười bí ẩn:
- Lan Hương, hôm nay là ngày tốt lành của con, hãy vào trang điểm đi!
Lan Hương bắt đầu lục soát trong ký ức của nàng, nàng nhận thấy chưa có sinh nhật nào mẹ nàng đã nói với nàng câu ấy. Bởi thế, nàng ngạc nhiên hỏi:
- Năm nào cũng có sinh nhật, chứ có gì mà là ngày tốt lành ạ?
- Lát nữa, tự nhiên con sẽ rõ!
Mẹ nàng nói xong, liền quay trở ra. Lan Hương vẫn cứ thắc mắc, song nàng cũng vào phòng mặc thử áo mới.
Đặc biệt năm nay khách đến dự lễ sinh nhật của nàng đông hơn mọi năm. Điều đó làm nàng cảm thấy thích thú và hãnh diện.
Nàng mặc bộ đồ mới, mầu hồng nhạt, rồi đeo chiếc nhẫn của Tuấn Khanh tặng và buộc dải lụa mầu lam trên đầu. Nàng cười tươi tắn, nhìn những quà tặng và đi cảm ơn từng người. Nhưng người khách mà nàng trông mong nhất vẫn chưa thấy đến, điều đó khiến nàng có cảm giác ray rứt. Chốc chốc nàng lại ngó ra ngoài cửa sổ để lắng nghe bước đi quen thuộc và tiếng gọi hiền dịu ấy. Song đến đúng giờ bữa tiệc được bắt đầu, nàng vẫn chưa thấy chàng tới. Nàng thấy nóng ruột, bồn chồn và hồi hộp; nhưng nàng cố che giấu để tiếp đãi bè bạn niềm nở.
Sau mấy tuần rượu, thực khách nói cười vui vẻ, cha nàng coi bộ cũng đã ngà ngà, ông ngỏ lời cảm tạ mọi người, rồi ông vui miệng tuyên bố luôn:
- Hôm nay cũng là ngày đại sự trăm năm của con cháu bé …
Đôi đũa rơi khỏi tay Lan Hương, nàng hoàn toàn kinh ngạc.
Ông thân nàng lại nói tiếp:
- Ba thay con chọn ngày hôm nay làm ngày vui mừng nhất trong đời con. Như thế, ba cũng được trọn bổn phận làm cha.
- Thưa ba, con còn ít tuổi, hơn nữa học hành còn dở dang. Việc đính hôn, xin ba hãy để một vài năm nữa cũng được!
Lan Hương rưng rưng ngấn lệ và dùng hết sức can đảm để khẩn cầu cha nàng.
Cha nàng mỉm cười:
- Ba nghĩ trước thế cho chu đáo thôi! Còn việc cưới xin thì dĩ nhiên là phải đợi sau khi con học hết trung học.
Khách khứa đều hoan hô:
- Hai tin mừng đến một lúc! Xin mời các Ngài cạn ly.
Lan Hương đứng dậy giữa những tiếng hoan hô, nàng nghẹn ngào van xin cha nàng một lần nữa:
- Thưa ba, vậy xin ba để con học xong trung học, rồi đính hôn cũng chưa muộn.
Mặt cha nàng bỗng biến sắc:
- Con phải vâng lời cha mẹ. Cha mẹ đặt đâu thì phải ngồi đấy, không được lôi thôi chi hết!
- Song đây là việc của con kia mà!
- Mầy dám bảo là việc của mầy hả? Mỗi đốt xương, mỗi sợi tóc của mầy đều là của cha mẹ.
Mầy dám chống lời cha mẹ hả?
Cha nàng bất chấp cả bạn bè thân hữu, ông hầm hầm nổi nóng:
- Tất cả các việc khác, con xin vâng theo lời ba má. Nhưng việc này …
- Việc này lại càng phải vâng lời ba má mới được. Con hãy xin lỗi ba con đi!
Mẹ nàng thấy tình hình bất ổn, liền vội dàn xếp. Bà không muốn chồng bà nóng giận trước mặt tân khách và cũng không muốn con gái bị mắng trước nhiều người.
Lan Hương đỏ mặt và tức khí bốc lên trong lòng nàng:
- Con không thể chịu được việc đó!
- Không chịu thì cút đi! Đồ bất hiếu! Cha nàng thét lên.
Thế là như một trận gió, Lan Hương lướt ra khỏi cửa và chạy mất hút.
Mẹ nàng kinh hãi, gọi giật lại:
- Lan Hương! Lan Hương! Con điên à?
Lan Hương vừa mở cánh cổng thì thấy Tuấn Khanh đang đứng phía ngoài, chàng dang tay cản nàng lại.
- Anh …
Nàng chỉ thốt được có thế! Hai người đều xúc động, không biết xử trí ra sao khi vận mệnh đã đến. Nhưng không còn thì giờ để nói gì hơn, nên nàng vùng vẫy đẩy chàng ra, rồi phóng đi như một mũi tên.
Không ai đuổi theo nàng, kể cả Tuấn Khanh.
***
Từ đấy, người ta không còn thấy hình bóng Lan Hương nữa. Trên phiến đá nhẵn bóng ấy, vẫn có trẻ con ngồi, nằm và nô đùa cười cợt.
Tuấn Khanh theo đoàn hát đi khắp đó đây. Hy vọng duy nhất của đời chàng là tìm nàng. Nhưng nàng ở đâu, biết tìm đâu?
Thời gian lặng lẽ trôi qua, đã hai mươi năm trời xa vắng, không một tin tức gì về nàng! Hiện giờ, chàng chỉ còn biết nhờ vào sức ủng hộ của chư vị Bồ tát.
Tuấn Khanh, một chàng nghệ sĩ trẻ tuổi và đẹp trai, là thần tượng của khách mộ điệu và là túi tiền của đoàn hát; song riêng chàng vẫn mang nặng một tâm tư sầu muộn. Trên sân khấu, chàng đã làm cho bao nhiêu người sống những giờ phút say sưa, thích thú và vui tươi. Người ta không thể quên được giọng hát và điệu cười của chàng. Nhưng khi tan buổi hát, chàng lại vẫn ôm mối sầu hoài vạn cổ, cất bước ra đi và đặt chân đến khắp các cảnh chùa, nguyện cầu và khẩn đảo.
Song hai mươi năm qua, chàng vẫn sống trong trống lạnh và thương đau.
- Đây cũng thật là sự an bài của các vị Bồ tát! Nhờ sức giúp đỡ của các Ngài, cuối cùng mình đã … cuối cùng …
Tay Tuấn Khanh run run nâng niu lọn tóc dài mềm mại rồi khẽ đặt lên môi. Hai hàng lệ ứa ra và tràn xuống hai gò má xanh xao của chàng. Chàng cố nén tình cảm xúc động, chờ đợi đến ngày mai. Ngày mai, chàng sẽ ai cầu ni cô đi với chàng đến một nơi thâm sơn cùng cốc nào để sống cho qua những ngày còn lại.
Chàng cứ nắm chặt lấy lọn tóc trong suốt đêm. Đợi khi trời vừa hừng hừng sáng, chàng đã vội lên đường. Chàng không thể giữ đúng lời ni cô hẹn là mười giờ sáng. Chàng phải đi sớm, gặp ni cô sớm và đưa ni cô đi ngay.
Chàng theo con đường mòn lên núi hãy còn ngập trong sương đêm. Chàng thấy tim đập nhanh hơn, xúc động, phấn khởi, sung sướng, hồi hộp và bao nhiêu tình cảm lẫn lộn. Bất giác, chàng lại thấy mấy giọt lệ lăn theo sống mũi. Hoài vọng hai mươi năm qua chắc chắn sẽ được thỏa mãn trong buổi sớm mờ sương này. Khi chàng lên tới đỉnh núi, tính ra còn sớm hơn giờ đã định ba tiếng đồng hồ.
Người ra tiếp chàng vẫn lại là vị sư ni già gầy guộc và nghiêm khắc đã chặn ngang đường tiến của chàng hôm qua. Vị sư già lạnh lùng nói với chàng:
- Tối hôm qua, ni cô đã rời khỏi nơi này.
- Đi đâu? Lan Hương đi đâu? Chàng quỳ phục xuống bên chân vị sư ni già.
- Ni cô đi vân du.
- Vân du! Vân du! Lan Hương đi vân du rồi!
Chàng ngửa mặt lên trời, nước mắt lại trào ra ràn rụa. Từng trận gió thu đưa những áng mây mù buổi sáng đang vèo vèo lướt qua. Giọng chàng yếu ớt:
Vân du … Vân du … Lan Hương! Lan Hương đi vân du … ( Hết )
4. Nặng Nợ Trần Duyên
Tôi vốn bẩm tính là một người cứng cỏi, ngang ngược và nhạo báng tất cả. Tôi không tin tưởng ở bất cứ cái gì trên đời này, kể cả tình yêu, tình bè bạn, pháp luật, đạo đức, cho đến tôn-giáo và chân-lí.
- Thế mà hiện giờ không hiểu tại sao tôi lại tự nguyện quy y theo Phật giáo và hết sức kiền thành?
Có người cho rằng, trong hết thảy mọi việc ở đời đều có chữ “duyên”. Vậy sự tin theo Phật giáo của tôi có lẽ cũng là do “nhân-duyên”.
***
Kể lại câu chuyện tại sao tôi quy-y Phật giáo thì hơi dài và cũng hơi phức tạp, câu chuyện đó có vẻ như một vở tuồng nhiều tình tiết, hoặc như một cuốn tiểu thuyết vậy.
Hai mươi lăm năm về trước, giữa mùa đông giá rét, tôi đang sống trong một thôn xóm hẻo lánh ở đất ba-thục.
Lúc đó tôi mắc nhiều chứng bệnh: lở bao tử, sốt rét rừng, phong thấp và kiết. T huốc thang đều vô hiệumà tiền nong thì cũng đã hết sạch, tôi chỉ còn nằm để chờ ngày tử-thần đến đón.
Lang thang, lưu lạc, không gia-đình không thân thích, hàng ngày tôi nằm trong một túp lều tranh xiêu vẹo, trống trả i và lạnh lẽo như một nấm mồ, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng rên rỉ của tôi vang lên giữa bầu không-khí chìm lặng trong túp lều.
Một hôm, ngoài nhà mưa đổ tuyết x uống, gió bất vù vù, tiếi trời ảm-đạm, tôi nằm co quắp trên chiếc chõng tre, vì quần áo mỏng manh nên tôi cảm thấy cóng buốt vô cùng, tiếngrên rỉ của tôi càng dữ dội, càng thảm hại và vọng đến tai một ông già bán hàng rong đang đi trên con đường mòn xuyên qua thôn xóm. Ông là người rất phát-thực và trung hậu. Ông đã hiểu rõbệnh-trạng và cảnh ngộ rủi ro của tôi, cho nên ông nói:
- Không sao đâu, để tôi đi tìm vị cứa tinh đến cho ông.
- Cảm ơn cụ. Nhưng bệnh củ a tôi khó cứu chữa lắm, vả lại tôi cũng không còn tiền nong gì cả.
- Ngài sẽ không đòi tiền ông, Ngài là một vị tu hành, pháp danh Ngài là Tỉnh Thế.
Tôi lắc đầu tỏ vẻ nghi ngờ:
- Một vị sư tu hành mà cũng chữa bệnh được ư? Cụ có biết không, bệnh của tôi là bệnh nan y tuyệt chứng!
- Bệnh càng khó khăn, hiểm nghèo bao nhiêu, Ngài lại càng có phương dược linh diệu bấy nhiêu. Ở vùng này đã có bao nhiêu người đau gần chết mà Ngài còn cứu sống. Mắt tôi lòa đã hơn mười năm, Ngài cũng chữa khỏi, đấy ông xem, mắt tôi bây giờ có kém gì mắt ông đâu nào?
- À, thế thì Ngài thật là Phật sống, hiện giờ Ngài ở đâu? Cách đây có xa không ạ?
- Ngài ở trong một ngôi chùa tồi tàn, cách đây chừng năm sáu cây số.
Nghe lời ông lão nói, tôi cả m thấy thất vọng:
- Bên ngoài tuyết xa ngập đường thế kia, gió bất giá buốc như cắt, không biết Ngài có chịu đến không?
- Ông cứ yên trí, người tu-hành giàu lòng từ-bi, tôi đi thỉnh Ngài nhất định Ngài sẽ đến!
- Tôi làm phiền cụ nhiều, xin cảm ơn cụ
- Không có gì! Bệnh-tình ông trầm trọng, nếu không chữa mau sợ nguy đến tính-mệnh, hơn nữa sư-phụ là một vị tăng vân-du hành-hóa bốn-phương, nếu không đến sớn sợ Ngài lại đi khỏi.
- Nói song, ông già đứng dậy, mở tấm phiên che cửa ra, buộ c lại chiếckhăn quàng đầu rồi băng mình ra mưa tuyết.
Đã gần trưa mà tôi vẫn chưa ăn uống gì, bụng thấy đói, đầu thì nhức và mình mẫy đau buốc rất khó chịu, tiếng rên rỉ của tôi lại càng trở nên dữ tợn, nghe như tiếnggừ gừ của một con chó dại.
Bên ngoài, tuyết vẫn đổ xống, gió vẫn gào thét, giận giữ, rích từng cơn, giật từng trận như muốn cuốn theo cả vạn-vật.
Một khắc trôi qua.
Nử a giờtrôi qua.
Rồi một giờ trôi qua.
Thời-gan càng dài tôi càng cảm thấy tuyệt vọng.
Vị hòa-hượng vẫn chưa thấy đến, hay Ngài đã đi nơi khác rồi? hay ông già đã chết cóng giữa đường?!
Nhưng không, vì vào khoảng hai giờ trưa thì cả hòa-thượng và ông già điều đã tới. Khi họ tiến vào liều tranh, tôi tưởng đâu họ là những người tuyết!
Ông già nói với tôi:
- Thầy trò tôi về hơi trễ.
- Không, không! các Ngài đã lặng lội bao nhiêu đường đất, tôi không biết nói thế nào để bày tỏ niềm thâm cảm của tôi.
Giọng tôi đau đớn, tôi muốn cố bám víu để ngồi dậy nhưng đã kiệt sức.
- Lẽ ra thì về lâu rồi. Ông già nói: Nhưng vì sư-phụ còn đi phá từng lớp tuyết ở trên núi để tìm lá thuốc về chữa cho ông.
Nghe xong, tôi không thể nén được lòng cảm-động, bất giác hai hàng lệ ứa ra, tôi gạc nước mắt để nhìn vị ân-nhân củatôi đang đứng trước mặt tôi, lúc đó hòa-thượng đã phủi hết tuyết bám trên người, tôi có thể thấy rõ dung-nhan của Ngài. Nhưng khi nhận ra Ngài thì mồ hôi lạnh toát ra và toàn thân tôi như một khúc gỗ.
Trời ơi! có ngờ đâu vị Tỉnh Thế hòa-thượng ấy chính là người đã cướp đoạt vị hôn thuê của tôi!
Tôi bắt đầu run sợ, cuồng loạn, tôi sợ Ngài sẽ giết tôi, s ong trước kẻ thù-địch, tôi chỉ là một người bệnh-hoạn, ốm-yếu, làm thế nào mà trốn được?
Tôi chú ý nhìn hòa-thượng Tỉnh Thế, người mặc một chiếc áo màu cũ, bạt phết, thắt một sợi dây gai ngang lưng, đầu để trần, chân đi đôi giày vả i đã thũng một vài chỗ chiếcáo rộng lùng thùng còn dính nhiều vết bùn, cát và tuyết, phục sức thật lôi thôi lết thết và trông người có vẻ đã dầy dạn sương gió.
Hòa-thượng Tỉnh Thế không hề để ý đến tôi. Ngài ngồi xệp suống mặt đất, đang chăm chú trộn lẫn ba thứ lá thuốc với nhau, thái-độ hiền từ và cặp mắt phóng ra một tia sáng rất dị thường. Ông già đứng bên cạnh, kính cẩn nhìn Ngài, hai bàn tay luôn luôn cử động như muốn giúp hòa-thượng trộn thuốc, nhưng lại không biết cách làm.
Hình như hòa-thượng Tỉnh Thế không nhận ra tôi, tôi cảm thấy vững dạ.
Song cử chỉ của Hòa thượng Tỉnh Thế khiến tôi kinh sợ, Ngài trộn thuốc không những đã chẳng rữa tay, mà đôi khi còn gãi đầu, móc tai và cào mình sồn sột, thậm chí có lúc tụt cả dầy ra để gải khẽ ngón chân: Chưa hết, cuối cùng Ngài bỏ lá thuốc rồi nhai ngấu nghiến, bọt mép sùn ra trắng hếu, trông thật ghê tởm. Nhìn Ngài, tôi không thể không nhớ đến câu chuyện được lưu truyền ở dân gian về một vị sư điên diên, khùng khùng là Tế Công Hòa thượng.
Sau khi nhai nát nhừ lá thuốc, Ngài nhổ xuống đất và chia thành ba phần tròn tròn, rồi dặn tôi mỗi ngày uốn một phần. Nói xong, Ngài đứng dậy định đi, thì ông già hỏi:
- Bạch Sư phụ, hết ba phần thuốc này, Sư phụ có đến nữa không ạ?
- Không cần, hết ba phần thuốc này là khỏi tất cả mọi bệnh.
Sau khi Hòa thượng Tỉnh Thế đi rồi, tôi vừa kinh tởm, vừa hoài nghi, và nói đúng ra thật tôi không dám uốn thuốc ấy. Bệnh của tôi là chứng nan y, đã hơn mười năm tôi uốn không biết bao nhiêu thuốc, kể cả thuốc tây, và các danh y điều lắc đầu, bó tay, thế mà hiện giờ ba phần thuốc đơn gi ản và bẩn thỉu kia làm sao cứu chữa được tôi?
Điều đó có vẻ thần thoại lắm. Song ông già là người rất tốt, ông nói là một tiều phu vào rừng đốn củi, bị rắn độc cắn, Hòa thượng củng chữa khỏi ; Một em bé gái câm từ lúc mới sinh, Hòa thượng cũng chữa khỏi; Một bà già đã liệt nữa người lại thêm loạn óc, thế mà Ngài củng chữa khỏi. Ông già khuyên tôi đến lần thứ ba,tôi nể quá đành phải nhắm mắt, bịch mũi để uốn một phần thuốc.
Uống song, tôi nằ yên, rồi dần dần thiếp đi và không biết dã đưa hồn vào cỏi mộng lúc nào.
***
Hòa thượng Tỉnh Thế đi rồi, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn còn lẩn quẩn trong đầu óc tôi. Khi tôi tỉnh dậy thì cuốn phim quá khứ cũng bắc đầu diễn ra trong kí ức tôi.
Năm ấy là năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16, việc xẩy ra tại du thành.
Hồ i đó Hòa thượng Tỉnh Thế chưa xuất gia, têntục của Ngài là Giang Bình.
Giang bình là một giáo sư trung học và nổi tiếng về văn chương. Ngoài việc nghiên cứu văn học ra, Giang Bình còn sởtrường về hội họa nữa. Các thân hào, thân sĩ địa phương điều xin nét vẽ của Giang Bình về treo và cho đó là một vinh dự.
Một lần Ái Lan vị hôn thuê của tôi bảo tôi đưa nàng tới thăm Giang Bình. Ái Lan đẹp và tính tình hiền hậu, nàng thích văng chương, âm nhạc và hội họa. vì là người yêu dĩ nhiên tôi phải chì u lòng đưa nàng đến.
Giang Bình thật xứng đáng là một nhà văn kiêm họa sĩ, mới lần đầu được kiến diện tôi đã cảm thấy mến chàng vì thái độ phong nhã và văn vẽ của chàng. Ái Lan và Ging Bình nói chuyện rất tương hợp, họ thảo luận về các vấn đề văn học và nghệ thuật, tôi học ngành kỹ sư nên khônghiểugì về văn học, âm nhạc hay hội họa,đo đó, tôi cảm thấy bối rối, bực bội, và chỉ ngồi rít thuốc lá để nghe họ nói.
Ái Lan cười duyên gi ángvà nói:
- Ông Bình ạ, ông họa mai tuyệt lắm, tôi thích vẻ đẹp ẻo lã và lạnh lùng của hoa mai, ông có thể họa cho tôi một bức không?
- Ô, được! m ai tôi vẽ rồi cho người đem đến.
Giang Bình đáp một cách nhã nhặn.
- Thôi, để tôi tự đến lấy, còn nhiều điểm về văn, thơ tôi cũng mong được học ông thêm.
Không dám! Nếu cô thích, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu.
Rồi cứ như thế Ái Lan và Giang Bình thường gặp nhau, họ cùng một khuy hướng, cùng một thị hiếu, nên họ rất chóng thân nhau.
Còn tôi thì dĩ nhiên là không bằng lòng, Ái Lan là vị hôn thuê của tôi, tôi có quyền hạn chế hành động của nàng. Nhưng, Ái lan tuy hiền hậu song có tính cứng cỏi, tôi càng hạn chế nàng, nàng lại càng tự do đi lại.
Một hôm tôi hỏi Ái lan:
- Tại sao em kết bạn với Giang Bình?
- Em thích anh ấy vì anh ấy là một thanh niên có khí phách, có tài hội họa.
Ái Lan đáp một cách bạo dạn và thảm nhiên.
Tôi đe dọa nàng:
- Từ hôm nay tôi cấm em không được đi lạ i, giao du với Giang Bình!
- Anh không có quyền!
Ái Lan tỏ ra không chịu kém.
- Ô hay! em quên à? em là vị hôn thuê của anh mà.
- Nếu anh cảm thấy chướng mắt thì chúng ta có thể hồi hôn!
Cuối cùng tôi ức quá liền nghĩ đến thủ đoạn báo thù, tôi viết thư yêu cầu ông hiệu trưởng trường trung học mà Giang bình hiện đang dạy, đuổi chàng đi. Vì tôi giàu có và nhiều thế lực, nên việc đuổi một anh nhà giáo ra khỏi trường dĩ nhiên là không thành vấn đề.
Song mặc dù bị đuổi, Giang Bình và Ái Lan vẫ n liên lạc với nhau, thường viết thơ từ qua lại, họ đã yêu nhau tha thiết và đang chuẩn bị đi đến hôn nhân. Một chànggiáo học quèn mà dám ngang nhiên cướp đoạt vị hôn thuê của tôi, bôi nhọ thể diện tôi, bởi thế, sau tôi quyết dùng độc kế để hại hắn.
Lần đầu tôi mướn một bọn lưu manh đến đốt nhà hắn, giết hết gia súc và dọa sẽ giết hắn.
Lần sau tôi thông đồng với một viên thống đốc nhà pha, bắt một tên phỉ đồ phải vu khống cho Giang Bình là đồng mưu vớichúng để giết người cướp của.
Độc kế ấy đã có kết quả: không bao lâu Giang Bình bị bắt và bị lên án tử hình.
Từ ấy tôi ăn ngon, ngủ yên, coi như đã thanh toán đực mối thù“ bất cộng đới thiên” tôi còn muốn thấy tận mắt giờ phúc kẻ thù của tôi chịu tội, nhưng hôm sau tôi bỗng nhận được thơ của ba tôi, bảo tôi phải về tỉnh ngay để nhận chức chủ sự phòng tài chính. Lúc đó ba tôi là tỉnh trưởng kiêm chủ sự phòng tài chính, cậu tôi là tổng bí thư tòa tỉnh trưởng, tục ngữ có câu: “Một người làm quang cả họ được nhờ” quả không sai. Điểm đáng buồn là tôi không quen về tài chính, nhưng vì lệnh của cha, không dám trái, nên tôi phải chuẩn bị đi ngay.
Cuộc sống nơi phồn hoa đô hội rất náo nhiệt, chổ nào cũng có cao lâu, tửu điếm, có giải trí trường, do đó tôi cảm thấy đời sống được thõa mãn. Hàng ngày, khi song công việt lại đi tìm các thú vui và kích thích mới. Một hôm, trong một buổi dạ tiệc, tôi tình cờ gặp cô bạn học cùng trường - Hứa Lộ Minh. Lộ Minh còn ít tuổi, trẻ, đẹp, và khéo ngoại giao, nàng là sinh viên văn khoa. Chúng tôi gặp nhau trong một bầu không khí tưng bừng, sặc mùi phú quý, nên chẵng bao lâu chúng tôi yêu nhau cuồng nhiệt và đã làm lễthành hôn với nhau. Từ đây việc Ái Lan và Giang Bình không làm bận óc tôi và đã rơi hữngvào quên lãng.
Đó là mối cừu thù giữa tôi và Giang Bình, tôi không ngờ hơn hai mươi năm qua, Giang Bình đã đi tu và trở thành một vị Hòa thượng.
Cuộc đời diễn biến thật khó suy lường.
***
Ba phần thuốc ấy đúng là tiên duợc.
Ba hôm sau, quả nhiên bệnhtình của tôi huyên giảm đi rất nhiều. Ở đời có nhiề u việckỳquái khiến người ta khó tin. Toàn thân bệnh hoạn, nào sốt rét, nào phong thấp, nào kiết lỵ, lại thêm chứng lở loét bao tử, mà nhất là chứng này, bao nhiê u thuốc thang điều vôhiệu, các bác sĩ cũng đầu hàng. Thế mà một vị Hòa thượng, không khám mạch, không xem nhiệt độ cũng chẵng có phù chú, quỷ thuật gì, chỉ dùng ba thứ lá thuốc nhai dừ, chữa khỏ i mọi bệnh. Và ba thứ lá mà Ngài trộn lẫn với nhau để chế thuốc, cũng không phải thứ cây hiếm hoi, cứ theo chổ nhận biết của tôi, thì đó chỉ là lá cây xương hồ và một thứ cỏ có lông, lá dài mà ta thường thấy ở khắp hương thôn, chổ nào cũng có. Song các thứ đó vào tay Hòa thượng lại trở thành vị thuốc tiên, thì các bạn bảo có lạ không?
Tôi không thể tưởng tượng được rằng kẻ thù không độ i trời chung của tôi, cuối cùng lại trở nên ân nhân của tôi.
Để cảm tạ ơn cứu mạng của Ngài, tôi quyết định đến bái yết Ngài, đồng thời để xin Ngài tha tội.
Tuyết đọng ngoài nhà đã tan dần, trên đ ỉnh núi, ngoài đồng nội và trong đồng nội lại tràng nghập một màu xanh biếc. Vòm trời cũng đã quang đãng, vừng thái dương hiện ra chói lọi giữa một buổi sáng mùa đông, khiến người ta có cảm tưởng đó là một ngày xuân ấm áp.
Theo lời chỉ dẫn củ a ông cụ già, tôi tìm đến ngôi chùa tồi tàng, hoang vắng trên đỉnh núi. Đường đất nhấp nhô, tôi đi xuyên qua một khu rừng cây cao vút, vòng quanh máy ngôi cổ mộ rồi băng qua một dòng suối nhỏ, khoản hơn một giờ sau tôi đã đến chân núi. Núi không cao lắm nhưng đường rất quanh co, cây cối um tùm tôi men theo một con đường mòn, rêu xanh phủ kính và cỏ rừng bò lang trên mặt đường. Lúc ấy tôi cảm thấy tôi khỏe hơn trước rất nhiều, đi không bao lâu tôi đã lên đến đỉnh núi.
Đây hoàn toàn là một nơi hẻo lánh, ít ai đặt chân đến, trên đỉnh núi có một ngôi chùa nhỏ, ngoài có tấm biển đề bốn chữ lớn “Thanh Vân Cổ Tự”, nét chữ già dặn, đẹp đẽ, có vẻ là bút tích của một tay danh sĩ. Đáng tiếclà miền phụ cận không có người ở, đã lâu lắm rồi, không ai sửa chữa , nên chùa đã hoangtàn và lạnh lẽo vô cùng!
Tôi đi quanh ngôi chùa hai vòng, nhưng không thấy bóng vị Hòa thượng cứa tôi đâu cả. Tôi hoảng hốt. Sau tôi đi đến mộ t gốc cây cổ thụ mới tìm thấy Ngài. Hòa thượng Tỉnh Thế ngồi xếp bằng dưới gốc cây, tay cầm chuỗi tràng hạt, vẽ mắt trang nghiêm như đang ngồi tham thiền.
Tôi yên lặng đứng một bên, không dám động đậy. chừng một tiếng đồng hồ sau Ngài rung rung cặp lông màyvà nói:
- Ông đến đây làm chi?
Ngàivẫn còn nhắm mắt, chưa thấy tôi, sao Ngài đã biết tôi đến? Tôi vội đáp:
- Hòa thượng đã cứu tôi, tôi đến để xin tạ ơn.
Nghe song Ngài phá lên cười như điên, như khùng, rồi lại vẩn thái độ điên điên khùng khùng ấy, Ngài đứng dậy nói:
- Xin lỗ i ông, tôi bận lắm. Chiều nay có mấy bệnh nhân đang đợi tôi.
- Bạch Hòa thượng tôi xin đ ưa Ngài đi?
- Đó là vùng bệnh dịch tả ông không đến đựợc.
Nghe đến bệnh dịch lòng tôi run sợ và toàn thân sởn ốc, tôi nói:
- Vậy Hòa thượng đi mấy giờ mới về? tôi xin ở đây đợi Hòa thượng.
- Tôi không có chỗ ở nhất định, ông chờtôi làm gì?
- Tôi muốn theo Hòa thượng xuất gia tu hành.
Lại vẫ n tếng cười oang oang và điên khùng lúc nãy vang lên.
- Trần duyên của ông chưa hết, xuất gia sao đựợc.
- Không! lòng tôi nhấtđịnh thoát ly, tôi không còn lưu luyến gì cả.
K ế đó, tôi thuật lại tất cả cảnh ngộ rủi ro của tôi cho Ngài nghe.
- Bạch Hòa thượng, cuộc đời biến ảo vô thường, giàu sang tựa như mây khói. Thế mà cõ i đời này vẫn đầydẫy những sự tàn nhẫn, tranh giành, giết chóc, lừa bịp, giã giối và tội ác ngập trời.
Lần này Hòa thượng Tỉnh Thế không cười nữa, Ngài chăm chú nhìn tôi rồi lắc đầu nói:
- Ông lầm. Đời bao giờ cũng có hai mặt, một mặt sáng sủa đẹp đẽ, một mặt đen tối xấu xa. Hiện giờ ông chưa thoát li được trần duyên, tiền đồ của ông vẫn còn sáng lạng. Nếu thật ông muốn xuất gia thì sau s ẽ nói, kiếp này chúng ta sẽ còn gặp nhau ba lần nữa.
Tôi kinh ngạc, hỏi:
- Ngài có thể biết chắc những việc tương lai?
- Dĩ nhiên là không thể biết chắc, tôi là một ông sư điên điên, khùng khùng, chỉ nói bậy bạ vậy thôi.
Dứt lời, Ngài lại cười khanh khách, rồi lại cầm lấy chiếc tích trượng(gậy) ra đi.
- Bạch Hòa thượng tôi xin đưa Ngài xuống núi!
Như sợ tôi nói nhiều, Ngài không đáp nữa, bởi thế tôi cũng chỉ im lặng theo sau Ngài.
Từ trên đỉnh núi x uống đến chân núi, tình cờ tôi thấy hai việc mà cho đến nay, khi nghỉ tới, tôi vẫn còn cho là kì quái.
Việc thứ nhất: dọc đường, bên sường núi có một cây quất hồng bì, quả sai chi chít và to gần bằng quả vải, màu chín vàng ối. Khi đi qua gốc cây, Hòa thượng Tỉnh Thế dơ tay dức một trái rồi bóc vỏ, bỏ vào mồm nhai ngon lành. Tôi cũng định hái một trái, nhưng cây cao hơn hai trượng, không thể hái được, tôi không hiểu cách nào mà Ngài với tới được.
Việc thứ hai: trong đám cỏ rậm rạp, một con rắn độc rất lớn đang nằm cuộn tròn, trông rất sợ, Hòa thượng Tỉnh Thế vô ý,giẫ m đại lên nó, mà con rắn, vẫn nằm yên không cắn.
Xuống đến chân núi tôi không còn nén nổi sự tò mò về những hành động kì quái của vị Hòa thượng điên điên, khùng khùng ấy, nên tôi hỏi thử:
- Bạch Hòa thượng, Ngài có nhận ra tôi là ai không?
Tất nhiên là tôi nhận ra vì tôi vẫn chưa lòa, Ông là một thân sĩ ở Du Thành tên Cát Ứng Lương!
Tôi rùng mình kinh sợ, thế ra Ngài đã nhận ra tôi. Một lúc khá lâu sau tôi mới trấn tĩnh được lòng sợ hãi, hoảng hốt. Tôi hỏi:
- Bạch Hòa thượng Ngài đã nhận ra tôi, tôi là kẻ thù của Ngài, sao Ngài không trả thù tôi?
Trên môi Ngài nở một nụ cười hiền từ, tràn đầy tình thương:
- Đệ tử của Phật chỉ biết cứu đời, cứu người chứ không hiểu thế nào là thù địch cả.
- Trước kia tôi bức hại Ngài thảm thương thế, có lẽ nào Ngài lại không oán hận tôi?
- Oán hận lắm chứ, tôi còn muốn giết ông nữ a là khác, nhưng sau khi xuất gia, thìtôi tha thứ cho ông, tha thứ tất cả những chúng sanh tội ác.
- Bạch Hòa thượng tâm hồn Ngài cao cả lắm!
- Đó là tôi noi theo lòng từ bi, hỉ xả của đức Phật.
Lúc ấy tôi bỗng nhớ đến Ái Lan và hỏi:
- Tại sao Ngài lại xuất gia và đi vân du hành hóa bốn phương? Còn Ái Lan?
Nhe câu hỏi của tôi, Hòa thượng Tỉnh Thế dừng lại Ngài hơi cúi đầu, tỏ vẽ thương cảm:
- Ái lan chết rồi, đáng thương lắm!
- Chao ôi! Nàng còn ít tuổi thế sao đã chết? tôi ngậm ngù i hỏi.
- Ái Lan yếu đuối, không chịu đựng nổi cuộc sống phong sương, bỏ nhà ra đi chưa đầy ba tháng thì nàng lâm bệnh, và chẳng bao lâu nàng đã vĩnh biệt cõi đời!
Tôi cảm thấy mang nhiên:
- Sao Ngài lại bỏ nhà ra đi?
- Không đi sao được? nhà tôi đã bị bọn lưu manh của ông mướn đến đốt phá, sau mặc dầu ông đã về tỉnh, nhưng bọn họ vẫ n đến hăm dọa chúng tôi hoài.
Tôi vừa hối hận, vừa xấu hổ. Trên cõ i đời này tôi là một kẻ lòng lang, dạ thú, một kẻ tiểu nhân ti tiện và bỉ ổi nhất!
Nghĩ đến cái chết của Ái Lan, tôi không thể không liên tưởng đến sự tù đày oan uổng của Hòa thượng Tỉnh Thế:
- Bạch Hòa thượng, trong lao ngục, Ngài đã bị lên án tử hình rồi kia mà, sao nay Ngài vẫ n còn sống?
- Những kẻ côn đồ giết người, đốt nhà, tuy làm những việc cực ác như thế, song cũng có những lúc còn có lương tâm và nhân tính. Buổi chiều hôm trước ngày tôi bị hành hình, lương tâm họ đột nhiên phát hiện, họ cung khai và thừa nhận tất cả, rồi tự động minh oan và chịu tội thay tôi.
Tôi lại càng ăn năn và xấu hổ, mình sinh trưởng trong một gia đình giàu sang, quy ền quý, được ăn học đến nơi đến chốn, thành người có một nền giáo dục cao đẳng, thế mà hành vi của mình không bằng một tên giặc cướp, phỉ đồ, tôi la lên thất thanh, quỳxuống trước mặt Hòa thượng, vừa khóc than vừa van xin Ngài tha thứ cho những việc làm nhơ bẩn của tôi.
***
Lúc ấy thái độ của Hòa thượng Tỉnh Thế không còn như điên như khùng nữa, Ngài âu yếm, triều mến đỡ tôi dậy rồi hiền từ hỏi tôi;
- Ông có thể kể lại cho tôi nghe qua tại sao ông lại lưu lạc đến đây?
- Chao ôi! Nói ra dài lắm, phảng phất như một giấcchiêm bao vậy. Nữ a cuộc đời trước của tôi thì Hòa thượng đã rõ, không còn nói đến nữ a, tôi xin bắt đầu từ ngày về tỉnh làm quan.
- Khi tôi về tỉnh thì tất cả đều thuận lợi, vì công việc đều do ba tôi và cậu tôi làm cả. Tôi sống một cuộc đời xa hoa, đàng điế m. Mấy hôm đầu tôi vẫn còn nhớ đến Ái Lan và thầm giận Ngài, nhưng sự kiện thay đổi rất nhanh khi tôi có người tình khác, chúng tôi yêu nhau và chỉ mấy hôm sau chúng tôi thành hôn.
- Sau khi lập gia đình, tôi bắt đầu thấy khổ não dần, nguyên nhân là vì Lộ Minh có tính đi ngang về tắt,giả dối, phản bội, nàng chỉ cần hưởng thụ; động cơ chính thúc dục nàng lấy tôi là vì tiền của, địa vị và quyền thế của tôi, nhưng điều làm tôi đau đớn nhất là nàng không chịu giữ đạo làm vợ, suốt ngày chỉ chơi bời, giao thiệp, sau tôi không thể chịu đựng được nữađànhphải lyhôn, cắt đứt hết mọi quan hệ với nàng.
Hòa thượng Tỉnh Thế đồng tình:
- Gặp phải vợ bất chính ngỗ n ngược là một điều rất buồn khổ.
Tôi nói tiếp:
- Vận mệnh bi thảm của tôi cũng bắt đầu từ khi li dị Lộ Minh. Ngày nay hồi tưởng lại, tôi thấy hỗ thẹn vô cùng! Cha không ra cha mà con cũng chẳng ra con, có lẽ đó cũng là quan hệ di truyền. Cha tôi sống cuộc đời phóng túng, dâm dật thế nào thì tôi cũng sống đúng như thế: không ở phòng trà thì cũ ng đến tiệm nhảy, không một tửu điếm hay một thanh lâu sang trọng nào mà chúng tôi không đặt chân tới.Tiền nong để chi tiêu vào các việc ấy hoàn toàn là của công quỹ. Cha tôi là tỉnh trưởng có thể lạm quyền để thụt két, còn tôi là chủ sự phòng tài chính, dĩ nhiên có thể ăn cắp của công một cách dễ dàng. Thời gian càng lâu, công quỹ càng thâm hụt, sau cùng cả hai cha con tôi điều bị truất chức và bị tống giam!
Giọng hoà thượng Tỉnh Thế trang nghiêm:
- Điều đó trong kinh Phật gọi là nhân quả báo ứng. tự mình gieo lấy nhân ác thì phải hái lấy quả khổ?
- Đúng thế! Tôi nói tiếp đó là nhân quả báo ứng. cha tôi bị kết án tù chung thân. Còn tôi, sau mấy năm bị giam cầm trong ngục thất, khi trở về nhà thì ruộng vườn cơ nghiệp bị cưỡng chế phát mại hết, thêm vào đó là anh em lục đục, đánh chém nhau, gây nên cảnh cốt nhục tương tàng, khuynhgia bại sản!
Hòa thượng Tỉnh Thế thở dài và lắc đầu liên hồi:
- Cốt nhục tương tàn là cảnh thảm khốc nhất trên đời!
Ngừng một lúc, tôi nói tiếp:
- Sau đó ra sao, tưởng không cần nói. Không nhà cửa, không nơi nương tựa, tứ cố vô thân, tôi bắt đầu sống cuộc đời lưu lạc, nỗ i trôi.
Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, chúng tôi đã xuyên qua rừng cây cao vút, băng qua dòng suối nhỏ, vòng quanh mấy ngôi cổ mộ và đến thôn xóm lúc nào không hay biết.
Nơi đây có thể rất nhiều kẻ tội ác, ôn dịch đang hoành hành, một làng mây sầu thảm, thuê lương đang bao trùm khắp thôn xóm.
Hòa thượng Tỉnh Thế bảo tôi dừng bước tôi chỉ biết tuân theo, đứng nhìn Ngài rảo bước vào hoang thôn, để thực hiện tinh thần cứu thế, độ sinh của Phật giáo.
***
Từ biệt Hòa thượng Tỉnh Thế, một mình tôi lủi thủi lên đường để tiế p tục cuộc sống phiêu lưu, chìm nổi giữa biển đời sóng gió.
Đúng như lời Hòa thượng Tỉnh Thế đã nói trần duyên của tôi chưa hết, sau đó bao nhiêu sự kiện bất ngờ lần lược xảy đến cho tôi.
Và cũng đúng như Hòa thượng đã dự đoán, kiếp này chúng tôi còn gặp nhau được ba lần và lời dự đoán ấy rất linh nghiệm. Vì trong khoảng hơn mườinăm sau, tôi đã được gặp Ngài hai lần. đáng tiết là tôi không có tuệ căn và duyên lành, nên trong hai lần hội ngộ ấy, tôi vẫn không đả động gì đến vấn đề xin xuất gia.
Tại sao tôi phản bội lòng mình! lí do rất dễ : lần thứ nhất tôi gặp Ngài vào năm dân quốc thứ 36, lúc ấy tôi đang ở Nam kinh và vừa mới kết hôn với Ý Như nữ sĩ; lần hai tôi gặp Ngài tại Hồ Nam hiện đang làm tỉnh trưởng, công việc bận rộn, nên cũng không nghĩ đến việc xuất gia.
Ngày nay tôi trôi dạt đến Đài Loan, thấm thoát đã hơn mười năm trời, từng trải qua bao nhiêu gian truân, khổ sở, chức vị ngày xưa đã bị truất phế, Ý Như ở lại trên lục địa, không biết sống chết ra sao, quay đầu nhình lại bước đường qua, tôi có cảm giác như đã trãi qua mấy kiếp!
Hiện giờ tôi quyết định thoát ly khỏi cảnh hồng trần, hàng ngày tôi trong mong vị Hòa thượng cứu nhân độ thế sớm xuất hiện để đưa tôi ra khỏi cuộc đời phiề n muộn cho thân tâm được thanh thoát.
Nhưng tôi vẫ n không thấy dấu vết của Hòa thượng Tỉnh Thế xuất hiện, có lẽ tôi hãy còn nặng nợ trần duyên?
---o0o---
HT. Thích Quảng Độ